Mở rộng kênh xúc tiến cho thương hiệu vải thiều Bắc Giang

Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang Trần Quang Tấn đã trả lời phóng viên báo Tin tức xung quanh các hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá xây dựng thương hiệu vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang.

-Thưa ông, năm nay, vải thiều Bắc Giang được mùa cả về sản lượng và chất lượng. Vậy, Bắc Giang đã có những giải pháp gì để tìm đầu ra và nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm vải thiều?

Ông Trần Quang Tấn- Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết vải thiều Bắc Giang hiện đang tiêu thụ hết sức thuận lợi. Ảnh: BGP/Trâm Anh.

Năm 2018, vải thiều Bắc Giang được mùa với sản lượng dự báo 150.000 – 180.000 tấn cùng chất lượng thơm ngon, vượt trội. Tỉnh Bắc Giang đã chuẩn bị kế hoạch sản xuất và tiêu thụ vải thiều bài bản từ rất sớm. Đặc biệt quy hoạch giảm diện tích vải thiều ổn định khoảng 29.000 ha để tập trung nâng cao giá trị; chỉ đạo tập trung xúc tiến tiêu thụ vải thiều sớm hơn mọi năm thông qua các cuộc tọa đàm, hội thảo, hội nghị. Nhờ vậy mà ngay từ đầu vụ đã có rất nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đến kết nối giao thương với vải thiều Bắc Giang.

Năm nay, Bắc Giang tập trung chú trọng đóng gói mẫu mã, bao bì sản phẩm, tem nhãn truy xuất nguồn gốc nhằm nâng cao giá trị cho quả vải thiều, đáp ứng tất cả các yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế, giúp người tiêu dùng nhận biết được sản phẩm vải thiều thực sự của Bắc Giang. 

Vừa qua Bắc Giang đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiêu thụ vải thiều tại thị Bằng Tường, Trung Quốc với tham gia của hàng trăm cơ quan ban ngành cùng các doanh nghiệp Trung Quốc. Tỉnh Bắc Giang đã trực tiếp mời hơn 80 doanh nghiệp Trung Quốc sang Bắc Giang để khảo sát thực tế vùng vải và thu mua vải thiều. Tiếp đến là tổ chức Diễn đàn về sản xuất, tiêu thụ vải thiều và 52 sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng của tỉnh và dự kiến ngày 21/6 sẽ tổ chức Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn – Bắc Giang tại Hà Nội.

Tuy nhiên, một số cuộc họp chuyên đề cũng đã đề cập những khó khăn cần tập trung tháo gỡ, đó là vải thiều cũng như các hàng nông sản khác có tính thời vụ cao. Trên địa bàn, các thương nhân đến từ Trung Quốc vẫn còn ít các hợp đồng chính thức nên chưa mang tính ổn định; các kho bãi tập kết ở các vùng cửa khẩu còn hạn chế... Qua đó, tỉnh Bắc Giang đã có những kiến nghị với Bộ, ngành Trung ương, các cơ quan chức năng của Trung Quốc để góp phần tháo gỡ các khó khăn trong công tác sản xuất, tiêu thụ vải thiều của tỉnh hiện nay.

Làm thế nào để cân bằng thị trường tiêu thụ vải thiều nhằm tránh quá lệ thuộc vào một thị trường xuất khẩu là Trung Quốc, thưa ông?

Vải thiều của tỉnh Bắc Giang đã đến được hơn 30 nước. Tuy nhiên, để mở rộng tiêu thụ, nhất là hướng đến xuất khẩu phải về an toàn thực phẩm; chú trọng hơn về mẫu mã, bao bì và gắn tem nhận diện thương hiệu để người tiêu dùng nhận biết được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Sản phẩm phải có mẫu mã đẹp, truy xuất nguồn gốc thì mới được giá tốt và phát triển bền vững hơn.

Trong năm nay, diện tích vải thiều, cây ăn quả có múi của Bắc Giang đang nằm trong sự kiểm soát của quy hoạch. Do đó sản lượng cũng như chất lượng vải thiều, cây ăn quả có múi đang đánh giá có chất lượng vượt trội ở thị trường trong và ngoài nước.

Nhằm hướng tới sự phát triển bền vững, chúng tôi đã khuyến cáo người dân phải thực hiện trong vùng quy hoạch mà chúng ta đã tính toán trên các yếu tố như về độ cao, chất đất, mịn của cát, độ hở của đá, khí hậu… để có chất lượng sản phẩm nông sản tốt nhất. Bắc Giang đã có những kế hoạch bài bản từ quá trình sản xuất, chế biến tiêu thụ.

Thưa ông, việc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) yêu cầu sản phẩm vải phải có tem truy xuất nguồn gốc khi xuất khẩu. Điều này có gây khó khăn gì cho việc tiêu thụ vải của bà con tỉnh Bắc Giang?

Liên quan tới việc quản lý chất lượng, nông sản, Bắc Giang trong những năm qua chỉ đạo quyết liệt việc sản xuất, các vùng trồng phải đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Vì vậy chúng tôi chắc chắn rằng, sản phẩm vải thiều sẽ đáp ứng được các yêu cầu mà phía bạn hàng quan tâm.

Việc Trung Quốc có đề cập việc dán tem truy xuất nguồn gốc hay không thì tỉnh Bắc Giang cũng vẫn yêu cầu sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn vải thiều an toàn, quy trình sạch. Vải thiều thương hiệu Bắc Giang cũng đã xuất khẩu thành công sang thị trường Mỹ, Úc, Nhật Bản thì tôi tin rằng, chất lượng vải thiều của tỉnh sẽ đáp ứng yêu cầu mà phía bạn hàng Trung Quốc đặt ra. Cùng với đó, các sản phẩm nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc có mẫu mã, gắn tem chống hàng giả, tem truy xuất nguồn gốc.

Sở Công Thương đã có những hoạt động xúc tiến, gắn kết doanh nghiệp, hợp tác xã của Bắc Giang với thương nhân Trung. Phía hải quan của cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai cũng đang hết sức tạo điều kiện để giúp cho người trồng vải tiêu thụ tại thị trường truyền thống.

Cùng với đó, chúng ta chuẩn bị tốt việc hình thành các vùng trồng chất lượng “vàng” như tại: huyện Lục ngạn, Tân Yên. Tại đây sẽ hình thành các hợp tác xã, tổ liên kết, đây là những đầu mối thực hiện hiện cấp mã vùng trồng, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, gắn tem truy xuất nguồn gốc... để khẳng định chất lượng và uy tín thương hiệu vượt trội đối với sản phẩm vải thiều Bắc Giang.

-Xin trân trọng cảm ơn ông!

M.Phương-L.Phú-T.Lâm/Báo Tin tức
Nhộn nhịp mua bán vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang
Nhộn nhịp mua bán vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang

Những ngày đầu tháng 6, dù chưa vào chính vụ vải nhưng con đường ngang qua huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) ngập tràn sắc đỏ, xe chở vải tắc nghẽn cả đường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN