Hàng Việt làm gì để giành lại thị phần hàng Thái trên sân nhà?

Hàng Thái ngày càng xâm chiếm thị trường Việt Nam, nhất là ở nhóm hàng tiêu dùng, là một thực tế đang lo ngại.

Hội chợ Thương hiệu hàng đầu Thái Lan diễn ra tại Cung Việt Xô (Hà Nội) trong 4 ngày, từ 16 – 19/8 nhưng ngày nào cũng đông nghẹt khách. Điều đó cho thấy sức hút của hàng tiêu dùng Thái Lan với người tiêu dùng Việt Nam. 

 

Nhập siêu ngày càng nhiều

 

160 gian hàng đến từ Thái Lan và các đại lý nhập khẩu hàng Thái Lan tại Việt Nam đã trưng bày nhiều chủng loại hàng hóa Thái Lan như thực phẩm, đồ uống, đồ dùng gia đình, đồ dùng trẻ em, quần áo thời trang và phụ kiện, thiết bị điện gia dụng, phụ tùng ô tô xe máy...

 


Khu gian hàng đồ nhựa rất đông khách.

Khu vực đông khách nhất là các gian hàng đồ nhựa, hóa mỹ phẩm. Các loại nước giặt, nước xả, nước tẩy bồn cầu, dầu gội, sữa tắm... bán rất chạy. Khách hàng chủ yếu là phụ nữ. Theo bật mí của một nhân viên bán hàng, mỗi ngày có thể bán được cả vài trăm triệu, 4 - 5 nhân viên bán hàng phục vụ khách mà không xuể.

 

Đại diện công ty Vinexad – đơn vị tổ chức các hội chợ hàng Thái Lan tại Việt Nam hàng chục năm qua cho biết, sức hút của hàng Thái với người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa suy giảm. Mỗi hội chợ đều thu hút khoảng 20.000 lượt khách mua sắm.

 

Không chỉ hút khách tại các hội chợ quảng bá sản phẩm, hàng Thái Lan đã mở rộng thị phần xuất hiện ngày một nhiều trong các hệ thống siêu thị, chợ truyền thống và các cửa hàng chuyên kinh doanh hàng Thái Lan.

 

Theo số liệu thống kê của Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), năm 1995 nhập siêu từ Thái Lan chỉ là 339 triệu USD, năm 2008 tăng lên 3,62 tỷ USD, rồi tăng lên 5,16 tỷ USD năm 2016.

Năm ngoái, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Thái Lan đạt 15,28 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan đạt 4,79 tỷ USD, trong khi nhập khẩu của Việt Nam từ Thái Lan đạt 10,5 tỷ USD. Việt Nam nhập siêu từ Thái Lan khoảng 5,71 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kì.

4 tháng đầu năm nay, với mức nhập siêu từ Thái Lan đạt 1,75 tỷ USD, Thái Lan tiếp tục là thị trường Việt Nam nhập siêu lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á

Mặt hàng hóa mỹ phẩm của Thái Lan được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng

Đáng nói là, nhiều mặt hàng trong nước đã sản xuất được nhưng các doanh nghiệp vẫn nhập khẩu từ Thái Lan như đồ điện, điện tử gia dụng và linh kiện, rau quả, máy vi tính, sản phẩm nhựa, sắt thép, các sản phẩm gia dụng như chất tẩy rửa, mỹ phẩm, đồ dùng nhà bếp, sản phẩm nội thất…

Theo ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia thương mại, nguyên chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, hàng Thái Lan đã vào thị trường Việt Nam từ 20 - 30 năm trước, ban đầu gây dấu ấn tại khu vực phía Nam, sau đó lan ra thị trường phía Bắc. Thời bao cấp, những sản phẩm như nồi cơm điện Thái Lan, xe máy Thái... đã "làm mưa, làm gió" tại thị trường Việt Nam.

"Đó là thời điểm hàng hóa Việt Nam còn ít ỏi, hình thức, mẫu mã kém, ít sự lựa chọn cho người tiêu dùng nên hàng Thái đã chiếm được cảm tình của người tiêu dùng Việt. Còn hiện nay, hàng Việt đã vươn lên về chất lượng không thua kém nhưng để gây được sức hút thì còn cần thêm thời gian", ông Phú cho hay.

Hàng Việt cần cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã

 

Khác với hàng Trung Quốc thường lấy yếu tố giá rẻ để thu hút khách hàng, hàng Thái Lan lại chinh phục nhóm khách hàng có thu nhập khá và cao. Giá hàng Thái Lan thường cao hơn hàng Trung Quốc và cao hơn đôi chút so với hàng Việt, song chất lượng và mẫu mã lại tốt. Chẳng hạn đồ nhựa Thái Lan vẫn nổi tiếng là bền, đẹp, được người tiêu dùng Việt Nam rất yêu thích.

 

Hàng Thái Lan cũng thường đi trước vài năm so với các nước trong khu vực trên thị trường hàng tiêu dùng. Họ thường nghiên cứu rất kĩ tâm lý khách hàng để đưa ra các dòng sản phẩm mới, với tính năng mới, ưu việt hơn. Chẳng hạn trong nhóm ngành hóa mỹ phẩm, khi các sản phẩm Việt Nam còn chú trọng đến công năng cơ bản là rửa sạch thì người Thái đã định vị sản phẩm ở hai yếu tố: mùi hương và an toàn cho em bé.

 

Thực tế mấy năm gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam đã ngày càng đầu tư cho sản phẩm của mình. Hàng Việt ngày một tốt hơn về chất lượng, đủ sức cạnh tranh với hàng hóa các nước. Tuy nhiên, cần quan tâm đến khâu thiết kế, cũng như quảng bá, giới thiệu sản phẩm để người tiêu dùng biết đến nhiều hơn.

 

Đây là khâu hàng Thái rất chú trọng. Các hoạt động xúc tiến thương mại hàng Thái tại Việt Nam cũng được tổ chức bài bản. Hàng năm, có hàng chục hội chợ hàng Thái được Bộ Thương mại Thái Lan đứng ra tổ chức tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố của Việt Nam.

 

Một ưu thế không thể không nhắc đến của hàng hóa Thái Lan, đó là mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và phân phối. Thái Lan phát triển rất mạnh các chuỗi bán lẻ, hệ thống siêu thị cả trong và ngoài nước. Các tập đoàn bán lẻ lớn của Thái đã mua lại một số hệ thống phân phối tại Việt Nam, do đó hàng hóa của họ có thêm cơ hội vào thị trường Việt Nam.

 

Để cạnh tranh, Việt Nam cũng cần phát triển các hệ thống siêu thị của mình, có sự ưu tiên đưa hàng Việt vào siêu thị. Các chuỗi bán lẻ của Việt Nam như Vinmart là một mô hình thành công trong phát triển hệ thống phân phối, giúp đưa nông sản sạch của Việt Nam vào phục vụ người tiêu dùng.

 

Trong bối cảnh mở cửa, hội nhập, hàng hóa Thái Lan càng dễ dàng vào thị trường Việt Nam khi thuế suất nhập khẩu về 0%. Việc dùng các rào cản thương mại để chặn hàng Thái là không thể, do vậy bản thân hàng Việt phải tăng sức cạnh tranh.

 

Theo các chuyên gia, nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã và đưa yếu tố sáng tạo vào sản phẩm trở thành những yêu cầu tiên quyết nếu hàng tiêu dùng Việt Nam muốn cạnh tranh với hàng Thái Lan.

 

Trên phương diện cơ quan quản lý, để cân bằng cán cân xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ xuất khẩu hàng Việt Nam sang Thái Lan thông qua các Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan, tích cực đàm phán để Thái Lan mở cửa nhập khẩu thêm các loại rau, quả từ Việt Nam, vận động doanh nghiệp tự tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá hàng hóa tại Thái Lan…

 


Bài, ảnh: Hoàng Dương/Báo Tin tức
Chen nhau thử ẩm thực Thái tại lễ hội hàng Thái Lan
Chen nhau thử ẩm thực Thái tại lễ hội hàng Thái Lan

Thái Lan không chỉ mang hàng hóa đến bày bán tại hệ thống siêu thị ở Hà Nội mà còn giới thiệu ẩm thực, nghệ thuật cắt tỉa hoa quả tới đông đảo công chúng Việt Nam. Ngay trong ngày đầu khai mạc lễ hội, rất đông khách đã tới trải nghiệm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN