Khẩn trương triển khai gói hỗ trợ khách hàng vay bị thiệt hại do COVID-19

Làm việc với 4 ngân hàng Agribank, Vietinbank, Vietcombank và BIDV ngày 20/3, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho hay, dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, nên các ngân hàng thương mại (NHTM) phải khẩn trương triển khai các gói giải pháp, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Chú thích ảnh
Các gói hỗ trợ, khoanh nợ, giảm lãi vay cần được triển khai sớm tới khách hàng. Ảnh: Linh Cầm.

Đề cập tới Thông tư 01/TT-NHNN ngày 13/3/2020 về cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 (Thông tư 01), ông Tiết Văn Thành, Tống Giám đốc Agribank cho biết: Agribank đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19, xây dựng kịch bản ứng phó theo 3 cấp độ, đưa ra những phương án dự phòng phù hợp. Những đơn vị trọng yếu như: Trung tâm thanh toán, công nghệ thông tin... đều có những kịch bản cụ thể để ứng phó.

“Vietcombank cũng ban hành chính sách đối với cán bộ trong trường hợp bị lây nhiễm bệnh, có hướng dẫn nội bộ về phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế; kích hoạt hoạt động tại thời điểm dự phòng, phân loại các hoạt động phải triển khai liên tục; triển khai các gói sản phẩm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch”, lãnh đạo Vietcombank nói.

Còn theo ông Lê Ngọc Lâm, Phó Tổng Giám đốc phụ trách BIDV, BIDV đã có văn bản quán triệt đến từng chi nhánh trong toàn hệ thống về việc xây dựng kế hoạch kinh doanh ứng phó với dịch bệnh, đảm bảo hoạt động ngân hàng thông suốt, liên tục. Ngân hàng tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của Thống đốc NHNN.

Mới đây nhất, tại LienVietPostBank đã triển khai cho vay ưu đãi tiếp sức sản xuất kinh doanh. Từ nay tới ngày 30/6, khách hàng sẽ được áp dụng lãi suất ưu đãi với mức giảm đến 0,5% so với lãi suất thông thường khi vay ngắn hạn để phục vụ sản xuất kinh doanh. Khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp của LienVietPostBank sẽ được áp dụng lãi suất ưu đãi chỉ từ 7%/năm, thời gian vay vốn tối đa 12 tháng, thời gian xử lý nhanh chóng với thủ tục hồ sơ đơn giản. 

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho hay: Ngay khi xảy ra dịch bệnh, NHNN đã ban hành 4 văn bản và có 2 buổi làm việc với các tổ chức tín dụng (TCTD) để rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch đối với khách hàng, xây dựng các chương trình, kịch bản hành động của ngân hàng để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng; khẩn trương ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 hướng dẫn các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 phát sinh nợ phải trả từ ngày 23/01/2020 đến sau khi Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch 3 tháng. Từ ngày 17/3, NHNN đã giảm đồng bộ các mức lãi suất điều hành để hỗ trợ sản xuất - kinh doanh.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, thời gian tới, tình hình dịch bệnh còn rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và dòng tiền trả nợ cho ngân hàng, dẫn tới ngân hàng khó khăn thu hồi vốn. Áp lực cuối cùng là ngành Ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng nếu như dịch bệnh kéo dài. “Chúng ta phải có những gói hỗ trợ, cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ và cho vay mới. Thực chất nhất bây giờ là xem xét cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp thiệt hại; tiếp tục nắm bắt tình hình thực tế các doanh nghiệp và các tổ chức, doanh nghiệp có quan hệ tín dụng, báo cáo vướng mắc với NHNN để NHNN xem xét. Trong quá trình triển khai Thông tư 01, rà soát lại có vướng mắc khó khăn, các NHTM báo cáo NHNN kịp thời xử lý”, ông Nguyễn Quốc Hùng nói.

Chỉ đạo các NHTM, Phó Thống đốc NHNN cho rằng, các ngân hàng cần chủ động xây dựng kịch bản phù hợp với hoạt động của từng ngân hàng, không có kịch bản chung trong việc chống dịch. Ngay cả trong thực hiện Thông tư 01 phải có kịch bản, giải pháp điều hành chủ động của từng ngân hàng. Điều quan trọng là hệ thống ngân hàng phải đồng lòng, đồng thuận trong chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Trước mắt, 4 NHTM Nhà nước thể hiện vai trò của mình trong dẫn dắt thị trường, thực hiện chính sách trong vấn đề chia sẻ lợi nhuận, khó khăn và thực hiện chủ trương tái cơ cấu, hoãn, giãn nợ, kể cả huy động, cho vay.

Về phía các NHTM cần khẩn trương công bố các gói sản phẩm, chủ trương giảm lãi, phí trên các phương tiện thông tin đại chúng, thể hiện sự chia sẻ với cộng đồng; tăng cường truyền thông ngay trong nội bộ, đặc biệt một số lĩnh vực khó khăn mà ngân hàng đang phải đối mặt; có phương án kịch bản phòng chống dịch cụ thể trong toàn hệ thống từ trụ sở chính đến chi nhánh, phòng giao dịch.

Minh Phương/Báo Tin tức
Giảm lãi suất, các tổ chức tín dụng có thêm điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp
Giảm lãi suất, các tổ chức tín dụng có thêm điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp

Tối 16/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, kể từ ngày 17/3, lãi suất điều hành sẽ đồng loạt giảm. Trước đó, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chia sẻ: Việc giảm lãi suất điều hành là một cơ chế chính sách, giải pháp giúp tổ chức tín dụng (TCTD) có thanh khoản dồi dào, có thêm điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN