Khắc phục 'thẻ vàng' IUU - Bài 1: Quyết tâm vượt khó

Sau khi Việt Nam phải nhận "thẻ vàng" cảnh cáo Ủy ban châu Âu (EC), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang cùng với các địa phương chung tay tháo gỡ khó khăn, siết chặt quản lý và hoàn thiện 9 tiêu chí mà EC đã yêu cầu.

Hoạt động thu mua cá ngừ đại dương để chế biến xuất khẩu. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Châu Âu là một trong những thị trường lớn về xuất khẩu thủy sản của Việt Nam; trong đó, xuất khẩu hải sản đánh bắt mang về giá trị gần 500 triệu USD mỗi năm. Thế nhưng, kể từ tháng 10/2017 cho đến nay, nhiều doanh nghiệp đã giảm hẳn lượng xuất khẩu chỉ vì thị trường châu Âu không thể vào được; trong đó, có doanh nghiệp mất từ 60 - 70% doanh thu trong 6 tháng so với cùng kỳ năm 2016 vì sản phẩm đánh bắt chỉ đi được các thị trường nhỏ, thu mua giá thấp.

Theo các quy định của Uỷ ban châu Âu, việc thực hiện đánh bắt, khai thác không đơn giản, qua loa mà đẩy mạnh yếu tố bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, bảo vệ các giống, loài hải sản trên biển, bảo vệ môi trường biển trong quá trình khai thác, siết chặt khâu quản lý tàu khai thác, ý thức khai thác của ngư dân cũng như tính minh bạch khi thu mua và tiêu thụ sản phẩm hải sản.

Những yếu tố khắt khe khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ, tiềm lực yếu gặp khó khăn trong quá trình thu mua cũng như xuất khẩu. Đơn cử như trường hợp của Công ty Cổ phần Thuỷ sản Bình Định (Bidifisco), kim ngạch xuất khẩu của Bidifisco mang về mỗi năm từ thị trường châu Âu là 45 triệu USD, nhưng khi Việt Nam nhận thẻ vàng thì nguồn thu này như mất hẳn, chỉ còn lại 15 triệu USD xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường khác.

Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Bidifisco cho biết, cái khó trong thu mua nguyên liệu là nhật ký ghi chép đánh bắt. Vì với một loại cá ngừ, ngư dân phải khai thác, đánh bắt ở nhiều nơi khác nhau trong thời gian “neo” biển, rồi đưa vào chung một khoang, ngư dân khó ghi chép đánh bắt cụ thể với từng khối lượng.

Việc Việt Nam nhận thẻ vàng từ EC về việc khống chế doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thuỷ sản khai thác bất hợp pháp theo quy định có hiệu lực từ tháng 10/2017 được đánh giá là một thủ tục của tiến trình đối thoại bắt đầu từ năm 2012. Đây mới đơn thuần là cảnh báo và chưa có biện pháp trừng phạt về thương mại.

Mục tiêu chính sách chống khai thác bất hợp pháp IUU của EC là tiến tới thiết lập mối quan hệ hợp tác với các cơ quan chức năng của các quốc gia liên quan đến mục đích cảnh báo; trong đó, chú trọng tới môi trường pháp lý và quản lý liên quan tới nghĩa vụ quốc tế của quốc gia liên quan tới cuộc chiến chống đánh bắt bất hợp pháp IUU, từ đó thiết lập cơ chế kiểm soát phù hợp, ông Karmenu Vella, Cao ủy EC cho biết.

Đánh giá những thiệt hại trong suốt thời gian Việt Nam nhận thẻ vàng cảnh báo, ông Nguyễn Tử Cương, Uỷ viên Hội nghề cá Việt Nam cho rằng, cho dù đa số ngư dân đều hiểu quy luật cạnh tranh trong tiêu thụ sản phẩm đánh bắt, nhưng không phải chủ tàu nào cũng có đủ kinh phí để đầu tư thiết bị bảo quản, nhật kí ghi chép cho từng chuyến ra khơi. Trong quá trình đánh bắt và đưa cá về cảng, thì có tới 90% chủ tàu bán cá cho các tàu nậu vựa thay vì chờ đến khi về cảng. Khi rơi vào tình trạng cảnh báo, các chủ tàu nhỏ này sẽ khó tiêu thụ bởi các yêu cầu truy xuất nguồn gốc mà họ chưa chuẩn bị kịp.

Cũng trong thời gian nhận thẻ vàng, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu hải sản sang thị trường châu Âu cũng đã gặp vướng trong các khoản chi phí thu mua nguyên liệu thuỷ sản. So với trước đây, nguồn nguyên liệu thu mua với số lượng lớn chỉ cần cấp giấy thẩm định, xác nhận nguồn gốc 1 lần từ nậu vựa, nhưng hiện nay với nhiều nguồn hàng khác nhau và cần nhiều chứng từ thẩm định xác nhận hơn, kinh phí xác nhận trên mỗi đơn hàng đều cao như nhau, 700.000 đồng/lần, dù số lượng thu mua khác nhau đã vô tình tăng giá sản phẩm sau chế biến, khó cạnh tranh trong việc tiêu thụ.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, xuất phát từ những khó khăn gây thiệt hại lớn cho ngành khai thác, đánh bắt, chế biến xuất khẩu hải sản, cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu hải sản Việt Nam đã đồng tâm thực hiện các yêu cầu của EC, trực tiếp hướng dẫn các địa phương về giải pháp cấp bách có tính kỹ thuật để kiểm soát hoạt động thủy sản tại cảng.

Mặt khác, hướng dẫn 28 tỉnh ven biển xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu nghề cá theo hướng tích hợp các thông tin về tàu cá, giấy phép khai thác, nhật ký khai thác và sản lượng lên bến để quản lý nghề cá và truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác; ban hành kế hoạch tổng thế về thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của tàu cá khai thác thủy sản trên biển và tại cảng cá theo mẫu của EC.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng tiến hành triển khai đồng bộ và quyết liệt 9 khuyến nghị của EC, từng bước chủ động trong việc xây dựng nghề cá theo hướng phát triển bền vững, có trách nhiệm và tuân thủ các quy định quốc tế.

Kể từ khi EC cảnh cáo thẻ vàng và Bộ Nông nghiệp ráo riết chỉnh đốn nghề cá qua việc tập trung sửa đổi Luật Thủy sản tập trung vào khuyến nghị chống đánh bắt, khai thác bất hợp pháp để đáp ứng tiêu chuẩn không chỉ riêng châu Âu mà còn đáp ứng các tiêu chuẩn của các thị trường khó tính, cho đến nay, chỉ có 1 trường hợp vi phạm đánh bắt, khai thác trên biển, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết thêm.

Bài 2: Cam kết bằng hành động

Hồng Nhung (TTXVN)
EC xem xét 'thẻ vàng' với thủy sản Việt Nam trong tháng 5/2018
EC xem xét 'thẻ vàng' với thủy sản Việt Nam trong tháng 5/2018

Từ 16 - 23/5/2018, đoàn Tổng vụ Các vấn đề Biển và Thủy sản (DG-MARE) của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam để kiểm tra việc thực thi 9 khuyến nghị của EC đối với ngành thủy sản Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN