Hoàn thiện cơ chế quản lý thuế thương mại điện tử

Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 Quốc gia Đàm Thanh Thế cho biết: Thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ tăng cường giám sát việc chấp hành quy định pháp luật của các đối tượng tham gia hoạt động thương mại điện tử (TMĐT); phân loại và nhận diện các hành vi, phương thức, thủ đoạn để có kế hoạch đấu tranh, giải pháp công nghệ, kỹ thuật phù hợp.

Chú thích ảnh
Ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử. Ảnh: Hoàng Tuyết /Báo Tin tức

Lực lượng chức năng cũng sẽ đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm khắc phục những bất cập, sơ hở để hoàn thiện cơ chế, chính sách thích ứng tập quán quốc tế về TMĐT. Trên cơ sở đó, từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan TMĐT góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Theo BCĐ 389 Quốc gia, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) cũng đã xác định một số thủ đoạn mới đang xuất hiện trên nền tảng TMĐT, tập trung vào nhóm hàng hóa có giá trị cao, những mặt hàng do nước ngoài sản xuất. Thủ đoạn được các đối tượng sử dụng là: Lập nhiều tài khoản Facebook và chạy quảng cáo, ảnh chụp sản phẩm tương đối chuyên nghiệp và không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung, khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận inbox (nhắn tin riêng). Thậm chí, một số đối tượng còn livestream (phát trực tiếp), mỗi ngày có thể chốt hàng trăm đơn hàng.

Nắm bắt tình hình này, Tổng cục QLTT đã thành lập một bộ phận đặc nhiệm chuyên trách riêng chống gian lận trên môi trường Internet. Để ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả và xử lý triệt để tình trạng này, Tổng cục QLTT sẽ xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong TMĐT tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm giai đoạn 2021 - 2025.

Đồng thời, xem xét, xử lý chuyển giao hồ sơ vụ việc cho cơ quan chức năng tiến hành tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có các hành vi vi phạm, có dấu hiệu tội phạm, có tính chất, quy mô, số lượng lớn, mang tính đường dây, ổ nhóm, tái phạm nhiều lần.

Để quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, bên cạnh việc xây dựng Nghị định TMĐT, tại dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính đã đề xuất quy định mới về quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số.

Cụ thể, tại Khoản 4 Điều 42 Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định: “4. Đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính”.

Do đối tượng này là đối tượng mới, đặc thù, phức tạp nên để hướng dẫn quy định tại điều này, dự thảo Thông tư dự kiến quy định về quản lý thuế đối với nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số tại Việt Nam và quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh nhận được thu nhập từ nhà cung cấp ở nước ngoài đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số như sau:

Nhà cung cấp ở nước ngoài đăng ký giao dịch thuế điện tử cùng với đăng ký thuế thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, đảm bảo đáp ứng các điều kiện về truy cập và sử dụng mạng Internet; có địa chỉ thư điện tử để giao dịch với cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

Nhà cung cấp ở nước ngoài được đăng ký nhiều tài khoản ngân hàng để nộp thuế điện tử, đăng ký một địa chỉ thư điện tử chính thức để nhận tất cả các thông báo trong quá trình thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

Sau khi thực hiện thành công thủ tục đăng ký thuế lần đầu, Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế gửi thông tin về tên đăng nhập và mật khẩu truy cập của tài khoản giao dịch điện tử vào thư điện tử của người nộp thuế để thực hiện khai thuế, nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Về nộp thuế trực tiếp của nhà cung cấp ở nước ngoài, Dự thảo nêu rõ: Đối với nhà cung cấp ở nước ngoài, sau khi nhận được mã định danh khoản phải nộp do cơ quan thuế quản lý trực tiếp thông báo, nhà cung cấp ở nước ngoài sử dụng tài khoản ngân hàng đã đăng ký với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để thực hiện nộp thuế bằng đồng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam vào tài khoản thu ngân sách nhà nước theo hướng dẫn tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, trong đó đảm bảo ghi đúng mã định danh khoản phải nộp ngân sách do cơ quan thuế quản lý trực tiếp gửi.

Tổng cục Thuế vừa yêu cầu Các cục thuế rà soát dữ liệu về các tổ chức, cá nhân có thu nhập nhận được từ các trang mạng xã hội như: Google, Facebook, Youtube... để có thông báo yêu cầu kê khai, nộp thuế.

Trường hợp các tổ chức, cá nhân cố ý không kê khai, nộp thuế thì cơ quan thuế phối hợp với ngân hàng thương mại để truy xuất dòng tiền, thực hiện thanh tra, kiểm tra (TTKT) và xử lý nghiêm theo quy định. Tổng cục Thuế đề nghị các cục thuế tiếp tục rà soát các doanh nghiệp có loại hình kinh doanh thương mại điện tử có rủi ro cao về thuế để thực hiện kiểm tra tại cơ quan thuế, trường hợp cần thiết thì bổ sung vào kế hoạch thực hiện TTKT tại trụ sở người nộp thuế.
Minh Phương/Báo Tin tức
Các công ty khởi nghiệp 'thắng lớn' nhờ bùng nổ thương mại điện tử
Các công ty khởi nghiệp 'thắng lớn' nhờ bùng nổ thương mại điện tử

Đại dịch COVID-19 khiến ngày càng nhiều người chuyển sang mua sắm trực tuyến, tạo “cú hích” cho thương mại điện tử. Nhờ đó, một số công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến từng ít được biết đến trước khi đại dịch bùng phát nay được định giá ở mức cao “ngất ngưởng”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN