Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Hầu hết các doanh nghiệp (DN) đều nhìn nhận tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu là điều rất quan trọng của DN trong bối cảnh hội nhập. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) của Việt Nam liên kết được với chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi tỷ lệ này ở Thái Lan là 30% và Malaysia là 46%.

Nhiều rào cản

Hiện có nhiều rào cản, nút thắt khiến các DN, đặc biệt là SMEs, bị mất đi sức cạnh tranh, chưa kết nối được vào mạng sản xuất toàn cầu. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), rào cản lớn nhất của SMEs đó chính là khó tiếp cận tín dụng dù các DN này cũng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Theo đó, chỉ có 30% các SMEs tư nhân tại Việt Nam có thể xoay sở tiếp cận được các khoản vay của ngân hàng. Ngoài ra, theo thống kê của VCCI, số lượng tín dụng cấp cho các SMEs chỉ chiếm 3% trong tất cả các khoản dư nợ tại các ngân hàng trong nước dù có một số ngân hàng tập trung vào SMEs.

Thống kê của Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy, tỷ lệ từ chối cấp vay tín dụng trong chuỗi cung ứng đối với SMEs là 50%, công ty tầm trung là 30%, trong khi với công ty đa quốc gia thì tỷ lệ này chỉ chiếm 10%. “Các ngân hàng thường không sẵn sàng cung cấp tài chính cho các SMEs trong giai đoạn mới thành lập. Hơn nữa, các SMEs cũng thường không có hồ sơ theo dõi các khoản thu đáng tin cậy hàng năm hoặc lịch sử tín dụng tốt để tạo sự tin tưởng cho ngân hàng. Bên cạnh đó, các SMEs còn bị hạn chế tiếp cận tài chính do các trở ngại khác như quản lý, công nghệ…”, ông Võ Tấn Thành, Phó Chủ tịch VCCI, cho biết.

Số lượng doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi cung ứng toàn cầu còn ít.

Nhiều ý kiến khác cho rằng, bên cạnh việc thiếu vốn, SMEs còn thiếu cả chiến lược phát triển lâu dài và sự minh bạch nên khó tiếp cận với nguồn hỗ trợ. Theo bà Lê Thị Kim Xuân, Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, vướng mắc lớn nhất của các SMEs khi tham gia vào chuỗi cung ứng là thiếu sự đổi mới sáng tạo về công nghệ. Hiện nay, tỷ lệ đổi mới sáng tạo trong các SMEs tại các quốc gia trung bình trên 30%, trong khi ở Việt Nam con số này chưa đến 5%.

Trước vấn đề này, ông Jingchan Lai, chuyên gia tài chính cao cấp của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), đề nghị nên sớm thay đổi cách làm, cách nghĩ để có thể tái cơ cấu và nâng cao chuỗi giá trị, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Có như vậy, các ngân hàng trong và ngoài nước mới sẵn sàng tài trợ hoạt động DN, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và nông nghiệp.

Thay đổi để thích ứng

Theo VCCI, hiện nay chỉ có khoảng 300 DN Việt Nam đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, phần nhiều DN mới chỉ cung cấp các phụ tùng thay thế chứ chưa tham gia sản xuất các sản phẩm chính. Đơn cử như trong lĩnh vực ô tô, mới chỉ khoảng 50 DN đạt yêu cầu cung cấp sản phẩm cho hãng xe Toyota, trong khi ở Thái Lan là 2.500 DN, còn ở Malaysia là 500 DN…

Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập KH&CN Quốc tế mới đây, có 52,7% số DN nhập khẩu công nghệ nước ngoài; 35,2% khẳng định công nghệ có nguồn gốc trong nước sản xuất và 12% tự phát triển công nghệ. Những thiết bị công nghệ cao chủ yếu được nhập về từ sau năm 2000 và cũng nhiều DN ưu tiên nhập khẩu công nghệ tiên tiến nhất, mới nhất.

Trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, số lượng các DN Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng cũng đã tăng lên. Sau 2 năm, Công ty TNHH điện tử Samsung Việt Nam đầu tư vào Việt Nam, đến nay đã có 190 DN tham gia được vào trong chuỗi cung ứng. Ông Lee Sang Su, Tổng Giám đốc Tổ hợp điện tử gia dụng và công nghệ Samsung TP Hồ Chí Minh (SEHC), cho hay con số các DN Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của Samsung đã tăng gấp 3 lần so với năm 2015. Từ 4 nhà cung ứng cấp 1, hiện Samsung đã có 12 DN Việt là nhà cung ứng cấp 1. Ngoài ra còn có 178 DN Việt là nhà cung ứng cấp 2. Samsung vẫn đang tiếp tục tìm kiếm các nhà cung cấp để bổ sung vào chuỗi cung cấp của mình, bất cứ DN nào đạt các tiêu chí mà Samsung đề ra đều có khả năng trở thành nhà cung ứng.

Tuy nhiên, đại diện Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cho rằng, rất nhiều DN nội không thể đáp ứng tiêu chí trên bởi phần lớn là SMEs, yếu nội lực. Chưa kể, công nghệ sản xuất sản phẩm của Samsung thay đổi rất nhanh, đòi hỏi nhà cung ứng phải bắt kịp, nên nếu không có thực lực mạnh để đẩy nhanh tốc độ đầu tư thì không DN nội nào “chạy” theo được. Đây cũng là lý do mà cho đến nay, dù đã có 190 DN được nằm trong hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung nhưng các DN cung ứng sản phẩm có giá trị gia tăng không cao, chủ yếu là sản phẩm cơ khí cơ bản và bao bì. Còn sản phẩm có giá trị gia tăng cao như linh kiện điện tử, chip, vi mạch… vẫn thuộc về các nhà cung ứng có vốn đầu tư nước ngoài.

Để gỡ nút thắt này, các chuyên gia cho rằng DN có đủ điều kiện và năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nếu tự tin và chủ động trong việc tìm kiếm cơ hội để thiết lập quan hệ hợp tác tin cậy với các DN FDI khác đang kinh doanh tại Việt Nam; đồng thời coi đổi mới, sáng tạo là định hướng lớn để đầu tư vào công nghệ, đào tạo và bồi dưỡng nhân lực trình độ cao theo lộ trình thích hợp; minh bạch thông tin để thu hút tài trợ vốn, từ đó đổi mới công nghệ để nâng cao chuỗi giá trị.

Đơn cử trường hợp Công ty Goldsun, một trong số 12 công ty cung ứng cấp 1 của Samsung, để trở thành nhà cung ứng cấp 1 về sản phẩm giản đơn là bao bì, Công ty Goldsun phải đầu tư hệ thống trang thiết bị, công nghệ sản xuất của Đức. Ngoài ra, công ty còn phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất tiên tiến mà chuyên gia kỹ thuật của Samsung hướng dẫn nhằm giảm giá thành, tăng năng suất lên 20%, đồng thời giảm được tỷ lệ sản phẩm bị lỗi xuống hơn 50% so mức lỗi hiện tại (giảm từ 36 lỗi/tháng xuống 15 lỗi/tháng); giảm tỷ lệ hàng tồn kho xuống 48 - 69%; xây dựng nhà máy chuyên nghiệp, sạch sẽ...

GS.TS khoa học Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài: Nên hình thành các trung tâm hỗ trợ DN 

Mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ để DN Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, tuy nhiên vấn đề cơ bản hiện nay không phải là ban hành thêm chính sách mới mà là hoàn thiện chính sách đã ban hành để bảo đảm tính hệ thống và khả thi. Đồng thời, thực thi chính sách có hiệu quả hơn để DN vừa và nhỏ được thụ hưởng nhiều hơn. Ngoài ra, nên sáp nhập các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp tại tỉnh, thành phố để thành lập Trung tâm công nghệ công cộng của địa phương có tính chuyên nghiệp, bởi hiện nay các trung tâm hỗ trợ DN hoạt động kém hiệu quả. Thứ nhất vì không có đủ nguồn lực về tài chính, máy móc, thiết bị, chuyên gia tư vấn; thứ hai là các DN này chưa tiếp cận hoạt động của các trung tâm đó. 

Ông Phạm Quốc Thanh, Phó tổng giám đốc HDBank: Hỗ trợ DN để giảm thiểu rủi ro nợ xấu 

Đó là lý do khiến nhiều ngân hàng muốn triển khai mô hình này. Tuy nhiên, điểm mấu chốt khi tham gia tài trợ cho chuỗi cung ứng tại Việt Nam là ngân hàng thương mại phải tìm được những DN đầu mối, những công ty, tập đoàn lớn, bởi những doanh nghiệp này giữ vai trò xâu chuỗi những công đoạn khác nhau trong một chuỗi, quyết định 50% thành công của chương trình. Thực tế, trong quá trình triển khai mô hình tài trợ tại Việt Nam, việc thuyết phục những doanh nghiệp lớn như Heineken, Vinamilk, Coca-Cola… tham gia là không hề dễ. Vì muốn hỗ trợ, trước tiên ngân hàng phải tạo được chuỗi liên kết bằng danh sách các khách hàng là đại lý hoặc nhà phân phối của những doanh nghiệp đó. Khi đã có mạng lưới thì ngân hàng có thể hỗ trợ cho những doanh nghiệp này tùy theo hạn mức. 

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh: Lựa chọn sản phẩm tham gia chuỗi giá trị

Chuỗi giá trị toàn cầu có nhiều doanh nghiệp của nhiều nước tham gia, vấn đề là sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam sẽ đứng ở đầu hay ở cuối trong chuỗi giá trị toàn cầu và sản phẩm đó có phải là then chốt, lợi thế không. Muốn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp cần hướng tới các sản phẩm công nghệ cao, hàm lượng chất xám lớn, tạo nên giá trị gia tăng cao, đứng ở vị trí cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.


Hải Yên
Kết nối doanh nghiệp Việt với chuỗi cung ứng toàn cầu
Kết nối doanh nghiệp Việt với chuỗi cung ứng toàn cầu

Khu trưng bày quy mô lớn với chủ đề “Kết nối doanh nghiệp Việt với chuỗi cung ứng toàn cầu” vừa chính thức khai trương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN