Hậu Giang: Nhiều hộ nuôi cá tra "treo ao"

Đến hết tháng 8/2016, toàn tỉnh Hậu Giang đã có hơn 43 ha nuôi cá tra “treo ao”, chiếm gần một nửa diện tích cá tra đã thả nuôi của tỉnh.

Sản xuất và tiêu thụ gặp khó

Theo số liệu của ngành nông nghiệp Hậu Giang, toàn tỉnh có gần 7.000 ha nuôi thủy sản, trong đó có hơn 2.500 ha nuôi cá ao các loại như cá tra, cá thát lát, cá rô đồng, cá lóc. Trong cơ cấu các đối tượng chủ lực của ngành nông nghiệp Hậu Giang, cá tra được xem là đối tượng nuôi xuất khẩu chủ lực với diện tích hơn 100 ha và sản lượng chiếm tỷ trọng cao, gần 35.000 tấn, đạt 60% sản lượng nuôi thủy sản của toàn tỉnh.

Do đó, việc tăng hay giảm diện tích, sản lượng cá tra ảnh hưởng rất lớn đến cơ cấu của ngành thủy sản nói riêng và toàn ngành nông nghiệp Hậu Giang nói chung. Cùng với đó, khi tốc độ tăng trưởng khu vực nông nghiệp ở mức âm 4,65% trong những tháng đầu năm 2016, thì việc thả nuôi lại những ao cá tra đang “treo” sẽ góp phần đáng kể cải thiện tốc độ phát triển khu vực nông nghiệp của địa phương này những tháng cuối năm 2016.

Người dân thu hoạch cá tra. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN

Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, tình hình sản xuất và tiêu thụ cá tra trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn gặp rất nhiều khó khăn, bất cập. Đó là diện tích nuôi nhỏ lẻ, rải rác nên khó hình thành các vùng nguyên liệu lớn. Tỉnh chưa có cơ sở hạ tầng phục vụ cho vùng nuôi và các cơ sở sản xuất giống quy mô để đáp ứng nhu cầu sản xuất cá tra. Nhất là chất lượng con giống chưa ổn định, xa các nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào nên giá thành sản xuất còn cao.

Đặc biệt, việc liên kết chuỗi hiện nay chưa được bền vững, chủ yếu mang tính hình thức nên chưa thu hút được sự tham gia tự nguyện của các bên có liên quan. Sự liên kết theo chiều dọc giữa các hộ dân chưa bền vững, liên kết theo chiều ngang giữa các hộ dân và các công ty chế biến, công ty cung cấp vật tư đầu vào chưa có.

Cùng với đó là khả năng dự báo thị trường của ngành nuôi cá tra tỉnh Hậu Giang còn hạn chế, yếu kém; thiếu kênh cung cấp thông tin sản xuất, kinh tế, kỹ thuật, thị trường đầu ra. Nhất là các rào cản kỷ thuật, thương mại trên thủy sản ở thị trường quốc tế ngày càng nhiều, làm cho các sản phẩm ngành hàng cá tra Hậu Giang gặp nhiều khó khăn.

Liên kết và hỗ trợ vay vốn

Theo ông Ngô Quang Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thủy sản Biển Đông, Hậu Giang có điều kiện tự nhiên thuận lợi, môi trường nước chưa bị ô nhiễm, diện tích mặt nước có khả năng nuôi thủy sản lớn nên khả năng phát triển diện tích, sản lượng sẽ đạt cao hơn nếu có đầu tư, quy hoạch sản xuất đúng mức. Hiện nay, công ty đã xây dựng nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu công suất 120 tấn/tháng tại thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang để tiếp cận nguồn cá nguyên liệu nơi đây.

Tuy nhiên, thời gian qua việc liên kết sản xuất, tiêu thụ cá tra giữa công ty và người nuôi chưa được chặt chẽ vì chưa có cơ quan nhà nước nào đứng ra làm hành lang pháp lý đảm bảo thực hiện mà chỉ thực hiện dựa vào uy tín, sự tin tưởng lẫn nhau giữa người nuôi và doanh nghiệp là chính. Vì vậy, việc sản xuất và tiêu thụ cá tra chưa được bền vững, dẫn đến nhiều hộ nuôi “treo ao”.

Theo ông Ngô Quang Trường trong thời gian tới, nếu chính quyền sở tại đứng ra xác nhận các hộ nuôi cá tra có “tiểu sử” nuôi cá tra tốt, cũng như bảo đảm việc thực hiện hợp đồng với công ty, thì công ty sẵn sàng thực hiện đầu tư và bao tiêu sản phẩm cho các hộ nuôi cá tra tại huyện Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy của tỉnh Hậu Giang. Công ty sẽ đầu tư cho người nuôi bằng hai cách là công ty đầu tư 10% rồi thu mua cá tra thành phẩm với giá cố định 21.000 đồng/kg, hoặc công ty góp vốn 50% với người nuôi và thu mua cá tra nguyên liệu theo giá thị trường.

Ông Nguyễn Tấn Phong, hộ nuôi cá tra tại xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang, cho biết hiện nay việc vay vốn ngân hàng để nuôi cá tra tại thị xã Ngã Bảy không được giải quyết. Nhiều hộ nơi đây cần vốn nuôi cá tra đành làm phương án nuôi các loại thủy sản khác thì ngân hàng mới thẩm định hồ sơ cho vay vốn. Nên nhiều hộ nuôi cá tra đành “treo ao” vì không có vốn đầu tư sản xuất. Trong thời gian tới, nếu được doanh nghiệp đầu tư bao tiêu sản phẩm và ngân hàng cung cấp vốn, nhiều hộ nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh sẽ yên tâm sản xuất.

Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, trên cơ sở các cam kết của doanh nghiệp, ngân hàng và người nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh, ngành nông nghiệp Hậu Giang sẽ chủ động gắn kết, phối hợp thực hiện sản xuất và tiêu thụ cá tra trên địa bàn tỉnh được chặt chẽ, hiệu qua hơn trong thời gian tới. Ngành sẽ tiếp tục làm đầu mối trong thực hiện bốn nhà (Nhà nước, nhà nông, doanh nghiệp và ngân hàng) để sản xuất, tiêu thụ cá tra trên địa bàn bền vững hơn.

Mới đây, trong buổi làm việc với ngành nông nghiệp Hậu Giang để giải quyết vốn cho người nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, ông Hồ La Thành, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hậu Giang, cho biết sẽ chỉ đạo hệ thống chi nhánh các ngân hàng trên địa bàn tỉnh sẵn sàng hỗ trợ vốn cho người nuôi cá tra. Tuy nhiên, để tiếp cận được nguồn vốn này, các hộ nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh cần có phương án khả thi trong sản xuất, đồng thời phải có kết nối với công ty bao tiêu sản phẩm.


Phạm Duy Khương
Cảnh giác việc thương lái Trung Quốc mua cá tra quá lứa
Cảnh giác việc thương lái Trung Quốc mua cá tra quá lứa

Cục Chế biến Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam) vừa đưa cảnh báo về hiện tượng thương lái Trung Quốc mua cá tra quá lứa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN