Hải quan gỡ vướng quy định chồng chéo về kiểm tra chuyên ngành 

Năm 2020, ngành hải quan tiếp tục cùng các bộ, ngành đẩy mạnh việc đơn giản thủ tục kiểm tra chuyên ngành, đặc biệt hoàn thiện Đề án Kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu theo Nghị quyết 99/NQ-CP của Chính phủ giao cho Bộ Tài chính.

Chú thích ảnh
Rà soát cơ chế chính sách kiểm tra chuyên ngành, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Ảnh: BCĐ 389 Quốc gia.

Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho hay: Đề án đổi mới mô hình kiểm tra được xây dựng trên cơ sở học tập kinh nghiệm kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của của một số nước như: Mỹ, Trung Quốc, Hà Lan, Campuchia, Ấn Độ.

Đề án được đưa ra theo hướng: Các bộ, ngành là cơ quan quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) có trách nhiệm ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng kèm quy chuẩn kỹ thuật tương ứng làm cơ sở thực hiện kiểm tra. Các bộ, ngành thực hiện kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa XNK sau thông quan. Cơ quan hải quan là đầu mối kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa XNK tại cửa khẩu (trừ những hàng hóa đặc thù như mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch).

Áp dụng mô hình mới sẽ giúp cơ quan hải quan nâng cao năng lực về con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, đảm bảo việc kiểm soát hàng hóa XNK; nâng cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tuân thủ pháp luật về chất lượng của hàng hóa, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Mặc dù năm 2019 đạt được kết quả đáng kể, nhưng trên thực tế công tác KTCN vẫn còn nhiều bất cập trong quy định chuyên ngành, phức tạp, chồng chéo, chưa đạt chuẩn, hạn chế trong công tác quản lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo cơ quan hải quan cũng như ghi nhận phản ánh của một số doanh nghiệp, phạm vi quản lý và KTCN còn rộng, nhiều mặt hàng chưa có mã số HS, chưa có đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn để thực hiện kiểm tra. Có bộ, ngành ban hành Danh mục nhưng các đơn vị được chỉ định thử nghiệm nhưng lại chưa đủ năng lực thử nghiệm; một hàng hóa phải thực hiện cùng lúc nhiều thủ tục, chịu nhiều hình thức quản lý, KTCN nguyên nhân cùng một bộ hoặc nhiều bộ quy định, quy định chưa thống nhất, chưa áp dụng hoặc đã áp dụng nhưng chưa hiệu quả phương pháp quản lý rủi ro trong công tác KTCN.

Tỷ lệ hàng hóa thuộc diện KTCN và quản lý chuyên ngành trên tổng số tờ khai hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu còn cao: 1,62% đối với xuất khẩu và 19,1% đối với nhập khẩu. Tỷ lệ này chưa đáp ứng mục tiêu của Chính phủ đưa ra là phải giảm dưới mức 10% đối với nhập khẩu vào năm 2018 - 2019. Trong khi tỷ lệ phát hiện lô hàng không đạt chất lượng rất thấp khoảng 0,27%.

Thực hiện chủ trương cải cách của Chính phủ, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đang rà soát văn bản pháp luật về quản lý, KTCN đối với hàng hóa XNK còn vướng mắc, bất cập, gây kéo dài thời gian, tăng chi phí cho hoạt động XNK của doanh nghiệp để kiến nghị các đơn vị chuyên môn thuộc các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý và KTCN; tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành rà soát, chuẩn hóa danh mục hàng hóa XNK thuộc diện quản lý chuyên ngành, kiểm tra chuyên ngành.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan sẽ sớm hoàn thiện Đề án đổi mới mô hình kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối thực hiện công tác KTCN tại cửa khẩu và trình Chính phủ trong quý I/2020; trình Chính phủ xem xét phê duyệt Đề án thí điểm bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu..., nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động XNK của doanh nghiệp.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, trên cơ sở phối hợp rà soát với các bộ, ngành, hải quan đã chỉ rõ có 25 nhóm sản phẩm, hàng hóa (tương đương với 1.012 dòng hàng tính theo mã số HS ở cấp độ 8 chữ số, và tương ứng với 1.501 mặt hàng được chi tiết theo tên hàng cụ thể) còn chồng chéo trong KTCN; cùng lúc phải thực hiện nhiều thủ tục, hình thức trong quản lý và KTCN.

Đến nay, nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và KTCN đối với hàng hóa XNK đã được các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung theo hướng tích cực. Các bộ, ngành đã áp dụng phương thức quản lý rủi ro trong kiểm tra hàng hóa, ban hành Danh mục hàng hóa phải kiểm tra kèm mã số HS; chuyển nhiều hàng hóa có nguy cơ rủi ro thấp sang kiểm tra sau thông quan; cắt giảm danh mục hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra; đơn giản hóa quy trình, thủ tục kiểm tra; tăng đối tượng được miễn kiểm tra.

Tính đến ngày 15/12/2019, các bộ, ngành đã sửa đổi, bổ sung 84/87 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và KTCN (chiếm 97%) theo yêu cầu tại Quyết định 2026/QĐ-TTg và 18/29 văn bản (chiếm 62%) theo yêu cầu tại Quyết định 1254/QĐ-TTg. 44/53 danh mục hàng hóa đã có mã số HS phù hợp với Danh mục hàng hóa XNK Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 65/2017/TT-BTC theo yêu cầu tại Quyết định số 1254/QĐ-TTg. Cắt giảm được 12.600 mặt hàng thuộc diện quản lý và KTCN.

 

Minh Phương/Báo Tin tức
Vẫn còn 1.012 dòng hàng chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành
Vẫn còn 1.012 dòng hàng chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành

Theo Tổng cục Hải quan, hiện còn 25 nhóm sản phẩm, hàng hóa (tương đương với 1.012 dòng hàng) còn chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN