Giúp người nghèo có tài khoản ngân hàng

Ông Phạm Xuân Hoè, Phó Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) đã trả lời báo giới nhân tọa đàm “Dịch vụ ngân hàng qua di động cho người nghèo và phụ nữ - Cơ hội và thách thức do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và Trung tâm tư vấn nguồn lực tài chính vi mô doanh nghiệp nhỏ và vừa tổ chức ngày 20/7.

-Thưa ông, hiện nay mới chỉ có khoảng 25% người dân nông thôn có tài khoản ngân hàng, lý do vì sao có tỷ lệ khiêm tốn như vậy?

Ông Phạm Đình Hoè, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

+Đúng vậy, hiện chỉ có khoảng 25% người dân ở nông thôn có tài khoản ngân hàng nhưng số lượng tài khoản tiếp cận với ngân hàng số còn rất khiêm tốn. Trong khi đó, các tổ chức tài chính vi mô, Quỹ tín dụng nhân dân (TDND) không được phép mở tài khoản thanh toán. Đây là những hạn chế khiến người nghèo khó tiếp cận với tài chính số.

Trên thực tế, về góc độ tiếp cận các sản phẩm vay vốn hoặc gửi tiết kiệm bắt buộc là rất cao, không phải dừng lại ở 25%. Tuy nhiên, dưới góc độ tài khoản thanh toán thì tỷ lệ này còn hạn chế. Trước hết vấn đề này phụ thuộc vào sở thích của người dân, tâm lý và văn hoá người dân vẫn thích dùng tiền mặt nhiều hơn.

Tuy nhiên, còn có nguyên nhân đến từ quy định pháp lý hiện nay còn nhiều rườm rà khiến người dân không mặn mà. Họ còn nhiều e ngại khi đến ngân hàng giao dịch mở tài khoản vì phải phô tô chứng minh thư, kê khai dẫn đến tâm lý e ngại.

Hiện nay pháp luật chỉ cho phép các ngân hàng được mở tài khoản thanh toán cho người dân, còn những tổ chức vi mô và các quỹ TDND chưa được phép làm. Trong khi đó, việc “vươn dài tay” của các ngân hàng thương mại đến vùng sâu, vùng xa còn hạn chế nhất định.

Đơn cử theo khảo sát mới đây, hầu hết người nông dân vay vốn tại ngân hàng Agribank chi nhánh tỉnh Bến Tre đều mở tài khoản thẻ, họ sử dụng thẻ đó để thanh toán cho các đại lý khi mua các sản phẩm dùng trong sản xuất nông nghiệp.

Tôi cho rằng việc các tổ chức vi mô hoặc ngân hàng chính sách xã hội hoàn toàn có thể cung cấp tài khoản thẻ cho người nghèo ở vùng sâu vùng xa, nếu hành lang pháp lý cho phép. Điều này cũng mang lại lợi ích rất lớn là thanh toán không dùng tiền mặt sẽ tăng cao.

-Vậy kế hoạch thúc đẩy dịch vụ ngân hàng số tới vùng sâu vùng xa sẽ được triển khai thời gian tới ra sao, thưa ông?

Hiện nay, hơn 40 ngân hàng đã cung ứng công nghệ dịch vụ tài chính số trên điện thoại di động. Tuy nhiên, việc tiếp cận ngân hàng số của người dân ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn. Theo đó, có 2 khó khăn căn bản nhất đó là: Kênh cung ứng sản phẩm về cho bà con vùng sâu vùng xa và các sản phẩm thiết kế của các định chế tài chính, quỹ TDND, trong đó có các ngân hàngchưa đơn giản và phù hợp.

Thực tế hiện nay, theo quy định quá trình giao dịch giữa ngân hàng và khách hàng đòi hỏi sự nhận diện khuôn mặt, nếu không kết nối với nhau rất khó trong việc sử dụng các dịch vụ tài chính như: mở tài khoản tiết kiệm, vay vốn, chuyển tiền...Vì vậy  mới đây NHNN đã trình Chính phủ Đề án 1726 nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, trong đó, NHNN đã đề xuất giải pháp nâng cao kênh số hoá dich vụ ngân hàng như: sử dụng mobile banking, Internet Banking.

Hiện nay ngành ngân hàng đã có một số yếu tố căn bản để triển khai ngân hàng số như: thiết bị, kết nối... Tuy nhiên, vẫn còn thiếu yếu tố dữ liệu, pháp lý, băng thông rộng để hoàn thiện kết nối.  Tại các vùng sâu vùng xa, Công ty viễn thông Vietel đã phủ sóng 4G nên việc ứng dụng tài chính số qua mobile banking, Internet Banking sẽ thuận lợi. Trong khi đó, thống kê cho thấy, số lượng người nghèo đã sử dụng điện thoại thông minh ở độ tuổi trẻ tuổi, lao động... đang tăng cao.Vì thế các ngân hàng có thể tận dụng kênh Mobile Banking phổ cập tiếp cận tài chính cho người nghèo.
Tuy nhiên, hành lang pháp lý còn hết sức thiếu để đưa ra các sản phẩm số của tài chính.

-Ông có thể nói rõ hơn, vậy hành lang pháp lý hiện nay còn thiếu những quy định gì để ngân hàng số đến được với người nghèo nhanh hơn và gần hơn?

Hiện khách hàng muốn thực hiện giao dịch phải đến chi nhánh ngân hàng, phô tô chứng minh thư. Vì vậy, cần phải điều chỉnh quy định, có thể thay thế hoàn toàn bằng công nghệ ứng dụng, thay vì khách hàng phải có chữ ký tươi, thì có thể sử dụng công nghệ nhận diện qua sinh trắc học, bấm vân tay để xác thực. Hoặc sử dụng chia sẻ dữ liệu, ví dụ như từ dữ liệu quản lý cư dân của Bộ Công An sang tài chính. Bên cạnh đó, phải nâng cao khả năng nhận thức của người dân, chẳng hạn sử dụng các sản phẩm mobile để cho ngân hàng cung cấp các sản phẩm tài chính cho người dân qua điên thoại.

-Xin chân thành cảm ơn ông!

Minh Phương/Báo Tin tức
Thiết kế ‘ngân hàng số’ gần gũi cho người Việt
Thiết kế ‘ngân hàng số’ gần gũi cho người Việt

Mặc dù cách mạng công nghiệp 4.0 đang dần thay đổi các nền kinh tế trên thế giới trong đó có Việt Nam, thế nhưng tỷ lệ người Việt dùng Internet Banking (ngân hàng điện tử) chưa nhiều. Vì vậy nhiều đơn vị đang “dồn lực” số hoá các dịch vụ thanh toán, chuyển tiền với các giao diện phần mềm thân thiện, dễ sử dụng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN