Giá vàng và dầu mỏ thế giới biến động trái chiều

Trong phiên giao dịch ngày 24/4, giá vàng thế giới lấy lại đà tăng sau ba phiên đi xuống trước đó, giữa bối cảnh đồng USD rời mức "đỉnh" của ba tháng và thị trường chứng khoán Mỹ đỏ sàn.

Vàng được bày bán tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Phiên này tại thị trường New York, giá vàng giao ngay có thời điểm tăng 0,5% lên 1.330,84 USD/ounce. Trong khi giá vàng Mỹ giao tháng Sáu tăng 9 USD (0,7%) lên 1.333 USD/ounce. Chuyên gia David Meger, thuộc High Ridge Futures tại Chicago, nhận định sự đi xuống của giá cổ phiếu và đồng USD yếu đi đã thúc đẩy các nhà đầu tư đổ tiền vào vàng.

Những tuần gần đây, mối lo ngại về sự bất đồng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, lệnh trừng phạt đối với Nga và tình hình bất ổn tại Trung Đông là những yếu tố hỗ trợ giá vàng. Tuy nhiên, triển vọng nâng lãi suất tại Mỹ vẫn phủ “bóng mây” lên thị trường này.

Nhà phân tích Simona Gambarini, thuộc Capital Economics, dự báo giá vàng sẽ tiếp tục giao dịch trong biên độ 1.300-1.350 USD/ounce.

Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạch kim tăng 1,6% lên 932,10 USD/ounce. Còn giá bạc tăng 1,2% lên 16,72 USD/ounce sau khi sụt giảm trong phiên trước.

Giá dầu thế giới ngày 24/4 quay đầu giảm

Trong phiên giao dịch ngày 24/4, giá dầu thô thế giới sụt giảm trong bối cảnh những quan ngại về việc chính quyền Mỹ có thể sẽ tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran đã giảm đi phần nào, khiến các nhà đầu tư bớt lo lắng hơn về tương lai xuất khẩu của quốc gia hồi giáo này.

Chốt phiên giao dịch ngày 24/4 tại New York, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 6/2018 giảm 0,94 USD xuống mức 67,70 USD/thùng. Trong khi tại London, giá dầu Brent giao tháng 6/2018 cũng lùi 0,85 USD (hay 1,1%) xuống 73,86 USD/thùng.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cam kết sẽ đưa ra những biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm kiềm chế Iran. Tuy nhiên, trong một cuộc họp báo chung, Tổng thống Trump đã không lặp lại những lời đe dọa rằng sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mặc dù đã tỏ rõ quan điểm rằng ông không còn kiên nhẫn đối với vấn đề này.

Việc tái áp đặt các biện pháp trừng phạt có thể làm phương hại tới hoạt động xuất khẩu dầu thô của Iran. Stephen Innes, Giám đốc doanh nghiệp môi giới hàng hóa kỳ hạn OANDA, cho biết các biện pháp trừng phạt mới đối với Tehran "có thể đẩy giá dầu tăng thêm đến 5 USD/thùng."

Ngoài những yếu tố địa chính trị, thông tin do Viện Dầu khí Mỹ cung cấp là dự trữ dầu thô của nước này đã bất ngờ tăng, trái ngược với những dự đoán trước đó của các chuyên gia phân tích, cũng là một trong những nguyên nhân đẩy giá dầu đi xuống trong phiên này.

Trong khi đó, mặc dù quay đầu đi xuống trong phiên này song theo các chuyên gia phân tích, giá "vàng đen" vẫn nằm trong ngưỡng cao nhất của 3 năm rưỡi qua. Giá dầu bắt đầu phục hồi từ năm 2016 khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) “bắt tay” với Nga và các quốc gia khác để cắt giảm sản lượng và kiềm chế hoạt động xuất khẩu mặt hàng này.

Thêm vào đó, theo nhận định của chuyên gia phân tích Carsten Fritsch thuộc ngân hàng Commerzbank thì “giá cả đang tăng do nguồn cung khan hiếm tại Venezuela, cộng với sự cắt giảm của Nga và OPEC”, đi kèm với nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh.

Trà My - Phương Nga (TTXVN)
Giá vàng khởi sắc trên thị trường châu Á
Giá vàng khởi sắc trên thị trường châu Á

Giá vàng tăng trong phiên giao dịch chiều ngày 24/4 trên thị trường châu Á, nhưng vẫn ở gần mức thấp nhất của hai tuần, trong bối cảnh đồng USD mạnh lên, lợi suất trái phiếu Mỹ tăng, cũng như tình hình địa chính trị toàn cầu đã phần nào bớt căng thẳng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN