Giá vàng châu Á chạm ngưỡng cao nhất trong 7 tháng

Giá vàng châu Á trong ngày 29/1 có lúc đã tăng lên mức cao nhất trong 7 tháng qua, giữa lúc các nhà đầu tư tránh rót vốn vào các tài sản rủi ro hơn trước những lo ngại về tình trạng căng thẳng thương mại Mỹ-Trung gia tăng sau khi Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc công ty công nghệ Huawei (Trung Quốc) có các hành vi vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. 

Giá vàng giao ngay tăng 0,2%

Vào lúc 14 giờ 15 phút ngày 29/1 (giờ Việt Nam) tại thị trường Bengaluru (Ấn Độ), giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.306,11 USD/ounce, sau khi có lúc đã lên tới 1.306,43 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 14/6/2018. Còn giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ tăng 0,1% lên 1.304,70 USD/ounce.

Nhà phân tích thị trường Margaret Yang của CMC Markets nhận định, các nhà đầu tư rất thận trọng trước nhiều bất ổn liên quan tới các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung và việc Vương quốc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit. Hiện tại, Huawei đang là trung tâm của tình trạng căng thẳng trong quan hệ ngoại giao-thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. 

Chú thích ảnh
Vàng được bày bán tại một cửa hàng ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 28/1, nhà chức trách Mỹ đã chính thức cáo buộc tập đoàn công nghệ Huawei và bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc Tài chính của tập đoàn này, cùng 2 công ty con của Huawei đã vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran. Trong bản cáo trạng gồm 13 tội danh, Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng Huawei đã lừa dối một ngân hàng quốc tế và nhà chức trách Mỹ về quan hệ giữa họ với 2 công ty con là Skycom Tech và Huawei Device USA để tiến hành các giao dịch tại Iran.

Trong một cáo buộc riêng rẽ khác, Bộ Tư pháp Mỹ cũng khẳng định Huawei đã đánh cắp bí mật thương mại, gian lận ngân hàng và cản trở công lí khi đánh cắp công nghệ người máy từ nhà khai thác mạng T-Mobile US ở Mỹ. Trước đó, T-Mobile đã cáo buộc Huawei đánh cắp công nghệ có tên gọi "Tappy" này và sử dụng để thử nghiệm độ bền của điện thoại thông minh. Phía Huawei sau đó cho biết 2 bên đã dàn xếp xong tranh cãi vào năm 2017.

Trong khi đó, cuộc họp chính sách 2 ngày của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu diễn ra từ ngày 29/1 với dự đoán cho rằng Fed giữ nguyên lãi suất ở mức 2,25-2,5%. Fed đã tăng lãi suất 4 lần trong năm 2018 song một số quan chức Fed cho biết cơ quan này sẽ "kiên nhẫn" khi thực hiện kế hoạch tăng lãi suất trong năm 2019 do tình trạng xung đột thương mại toàn cầu, Chính phủ Mỹ đóng cửa một phần, niềm tin tiêu dùng và kinh doanh trong nước yếu kém. 

Giá vàng đã tăng hơn 12% kể từ khi chạm mức đáy của hơn 1 năm rưỡi qua vào tháng 8/2018 do các thị trường chứng khoán biến động mạnh và đồng USD giảm giá trước những dự đoán cho rằng Fed sẽ dừng chu kỳ tăng lãi suất. 

Trong khi đó, lượng vàng nắm giữ của SPDR Gold Trust, quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới, tăng 0,73% lên 815,64 tấn trong ngày 28/1, mức cao nhất kể từ tháng 6/2018. 

Còn trên thị trường các kim loại quý khác, giá palladium (pa-la-đi) ổn định ở mức 1.331 USD/ounce. Trước đó, giá palladium đã tăng lên mức cao kỷ lục 1.434,50 USD/ounce trong ngày 17/1/2019. 

Trong khi đó, giá bạc tăng 0,2% lên 15,77 USD/ounce còn giá bạch kim tăng 0,4% lên 812,51 USD/ounce.TTXVN25 phút trước

Giá dầu đi lên sau khi Mỹ trừng phạt bổ sung đối với PDVSA

Trong phiên giao dịch ngày 29/1, giá dầu đi lên tại thị trường châu Á sau khi Mỹ ban hàng lệnh trừng phạt đối với công ty dầu khí quốc gia Venezuela là PDVSA. Động thái mới nhất của Washington có thể ngăn cản hoạt động xuất khẩu dầu mỏ sang Mỹ của quốc gia Nam Mỹ này.

Trong phiên chiều nay, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 20 xu Mỹ (0,4%), lên 52,29 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn cũng tiến 18 xu Mỹ (0,3%), lên 60,11 USD/thùng.

Bộ Tài chính Mỹ đã công bố một số biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào PDVSA, theo đó mọi tài sản và lợi ích của tập đoàn này có liên quan tới quyền tài phán của Mỹ sẽ bị đóng băng và các cá nhân Mỹ cũng bị cấm giao dịch với PDVSA. Đây là các biện pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ đối với Venezuela, được cho là để gia tăng áp lực đối với chính quyền Tổng thống Maduro. Theo Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, các biện pháp trừng phạt này sẽ "đóng băng" khối lượng tài sản trị giá 7 tỷ USD của PDVSA và điều này có thể gây tổn thất 11 tỷ USD cho doanh thu của tập đoàn này trong năm tới.

Mỹ hiện vẫn là thị trường xuất khẩu dầu chủ chốt của Venezuela bất chấp sự khác biết về chính trị. Tuy nhiên, lượng dầu xuất khẩu của Venezuela sang Mỹ đã giảm trong vài năm gần đây do khủng hoảng kinh tế tại quốc gia Nam Mỹ này và các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Giới đầu tư cho rằng nguồn cung dầu dồi dào trên toàn cầu và nguy cơ suy giảm kinh tế, đặc biệt là tại Trung Quốc, vẫn hạn chế đà tăng của giá dầu. Venezuela là quốc gia có trữ lượng dầu qua kiểm chứng lớn nhất thế giới và là thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Dù vậy, xuất khẩu dầu mỏ của nước này đã giảm hơn 1 triệu thùng/ngày trong năm 2018. Trong khi đó, nguồn cung dầu toàn cầu hiện vẫn đang ở mức cao, chủ yếu do sản lượng dầu của Mỹ tăng mạnh, đạt mức kỷ lục 11,9 triệu thùng/ngày trong năm ngoái.

Anh Quân - Minh Trang (Theo Reuters)
Giá dầu giảm trước lo ngại dư nguồn cung do số giàn khoan tại Mỹ tăng
Giá dầu giảm trước lo ngại dư nguồn cung do số giàn khoan tại Mỹ tăng

Giá dầu tiếp tục giảm trong phiên 28/1, khi số giàn khoan tại Mỹ gia tăng làm dấy lên lo ngại về khả năng dư cung trên thị trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN