Giá tôm khởi sắc, nhà nông khấp khởi mừng

Sau 3 tháng giá liên tục sụt giảm, hiện doanh nghiệp xuất khẩu đang tăng cường thu mua đã đẩy giá tôm tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng trở lại.

Khảo sát của phóng viên cho thấy, giá tôm thẻ loại 100 con/kg đang ở mức hơn 80.000 đồng/kg, tăng khoảng 10% so với thời điểm đầu tháng 6. Nguyên nhân là do nhiều nhà máy đang đẩy mạnh thu mua tôm nguyên liệu để phục vụ cho những hợp đồng xuất khẩu mới ký được. 

Giá tôm đang nhích lên đã mang lại sinh khí cho người nuôi tôm.

Trong khi đó, sau thời gian trầm lắng do cung vượt cầu, nhu cầu tôm trên thị trường thế giới đã bắt đầu tăng lên và dự báo sẽ tăng khoảng 20% ngay trong tháng 6 này. Tính toán của các doanh nghiệp và ngành chức năng, dự kiến đến thời điểm tháng 8, tháng 9, giá tôm thẻ sẽ tăng lại khoảng 30% so với mức giá thấp nhất trong tháng 5.

"Sản phẩm tôm được truy xuất nguồn gốc, đảm bảo những yêu cầu về an toàn thực phẩm, chất lượng tốt… vẫn đang được tiêu thụ tốt với giá cao hơn so với tôm thông thường. Chúng tôi lạc quan từ cuối tháng 6 này, tôm nguyên liệu sẽ có xu hướng tăng giá trở lại khi các nhà nhập khẩu đẩy mạnh mua tôm phục vụ cho nhu cầu tăng cao trong những tháng cuối năm", ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cho biết.

Tổng cục Thủy sản cho hay, diện tích nuôi thả tôm nước lợ 5 tháng đầu năm 2018 đạt hơn 636.800 ha, sản lượng thu hoạch là hơn 195.700 tấn, trong đó sản lượng thu hoạch tôm thẻ chân trắng là hơn 110.000 tấn, tăng gần 28% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, từ tháng 4 đến nay, giá tôm thẻ giảm từ 10.000-30.000 đồng/kg khiến người nuôi tôm không dám mạnh dạn đầu tư.


"Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm giá tôm trong thời gian vừa qua là do sản lượng tôm thương phẩm của các nước đều tăng cao do được mùa khiến nguồn cung tăng mạnh. Ngoài ra, nhu cầu tại Mỹ sụt giảm bởi tồn kho cao. Bên cạnh đó, Trung Quốc tăng cường kiểm soát tình trạng buôn lậu tôm dẫn đến lượng tôm tiêu thụ qua đường tiểu ngạch giảm. Các nhà nhập khẩu nhân cơ hội này gây sức ép giảm giá đã tác động không nhỏ đến giá thu mua tôm trong nước", ông Hoè nói thêm.


Theo các chuyên gia trong ngành, hiện nay một số nước trên thế giới đã qua thời điểm thu hoạch tôm rộ và do thua lỗ nên hạn chế thả nuôi tiếp và vì thế, có khả năng giảm nguồn cung ngay trong quý 3 và quý 4 năm nay. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu của Việt Nam đã ký kết được các đơn hàng lớn phục vụ các dịp lễ quan trọng cuối năm nay, vì vậy dự báo giá tôm sẽ tăng trở lại trong thời gian tới.


"Giá tôm nguyên liệu sẽ được cải thiện trong thời gian tới do các nước có tôm đã qua thu hoạch rộ, nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu Việt Nam đã bắt đầu ký được hợp đồng lớn, sẽ đẩy giá tôm nguyên liệu trên thị trường tăng cao. Minh Phú vừa ký được hợp đồng xuất khẩu tôm "kỷ lục", lên tới 10.179 tấn tôm, giá trị khoảng 110 triệu USD và thời gian thực hiện chỉ trong vòng 1 tháng. Hiện chúng tôi đang tăng giá thu mua tôm nguyên liệu và không ít nhà máy khác ở ĐBSCL cũng nâng giá thu mua tôm nguyên liệu lên theo", ông Lê Văn Quang, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn thủy sản Minh Phú thông tin.


Lê Nghĩa/Báo Tin tức
Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu tôm vào thị trường Hoa Kỳ
Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu tôm vào thị trường Hoa Kỳ

Theo các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm, thuế chống bán phá giá cao và Chương trình giám sát thủy sản nhập khẩu Mỹ (SIMP) là những rào cản lớn đang khiến doanh nghiệp khó đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này trong thời gian gần đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN