Giá dầu thế giới phiên 1/4 tăng hơn 2 USD

Giá dầu thế giới tăng hơn 2 USD trong phiên ngày 1/4 bất chấp thông tin Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, đã đạt được một thỏa thuận sẽ nới lỏng dần việc cắt giảm sản lượng từ tháng 5/2021.

Chú thích ảnh
Một cơ sở khai thác dầu tại Al-Rawdhatain, Kuwait. Ảnh: AFP/TTXVN

Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 2,12 USD (3,4%) lên 64,86 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 2,29 USD (3,9%) lên 61,45 USD/thùng.

OPEC+ đã nhất trí sẽ nới lỏng mức cắt giảm sản lượng khoảng 350.000 thùng/ngày trong tháng 5/2021, và thêm 350.000 thùng/ngày trong tháng Sáu và lên 400.000 thùng/ngày vào khoảng tháng Bảy.

Theo thỏa thuận đạt được ngày 1/4, từ tháng 5/2021 tới, OPEC+ sẽ thực hiện cắt giảm hơn 6,5 triệu thùng dầu/ngày. Trước đó, OPEC+ đang thực hiện cắt giảm 7 triệu thùng/ngày và Saudi Arabia tự nguyện cắt giảm thêm 1 triệu thùng/ngày.

Tại cuộc họp ngày 1/4, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak dự kiến nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng khoảng 5-5,5 triệu thùng dầu/ngày trong năm 2021. Ông Novak hy vọng lượng dầu dự trữ trên toàn cầu sẽ trở lại mức bình thường trong hai đến ba tháng tới.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman cho biết thị trường sẽ mất một thời gian dài để phục hồi. Hãng thông tấn quốc gia Arabia Saudi đưa tin Bộ trưởng Salman và người đồng cấp Mỹ Jennifer Granholm đã điện đàm và nhất trí làm việc để củng cố sự hợp tác trong lĩnh vực năng lượng.

OPEC + đã giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm nay bớt 300.000 thùng/ngày do nhiều nước tái áp đặt các biện pháp phong tỏa.

Pháp đã bước vào giai đoạn phong tỏa trên quốc gia lần thứ ba và các trường học đóng cửa trong ba tuần để cố gắng ngăn chặn làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ ba.

Tuy nhiên, các thị trường châu Âu đã phục hồi đáng kể sau những thiệt hại do đại dịch gây ra nhờ hoạt động sản xuất tăng mạnh.

Số liệu tháng Ba cho thấy hoạt động chế tạo của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng với tốc độ nhanh nhất từ trước đến nay.

Thị trường dầu cũng được tiếp sức sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra kế hoạch chi tiêu 2.300 tỷ USD để đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng như cầu đường, cùng với việc giải quyết biến đổi khí hậu.

Thông tin về lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ phần nào tác động đến giá dầu, nhưng nhanh chóng được củng cố sau báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy các kho dự trữ dầu thô tại nước này đã bất ngờ giảm trong tuần trước.

Minh Hằng  (TTXVN)
Giá dầu châu Á đi lên trong phiên 31/3
Giá dầu châu Á đi lên trong phiên 31/3

Giá dầu châu Á đi lên trong phiên ngày 31/3 trong bối cảnh giới đầu tư đặt cược rằng các nước trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), hay còn gọi là OPEC+, phần lớn sẽ nhất trí gia hạn thỏa thuận hạn chế nguồn cung trong tháng 5/2021.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN