Giá dầu Brent ở châu Á giảm 0,1% chiều 11/1

Trong phiên giao dịch chiều 11/1, giá dầu trên thị trường châu Á biến động không nhiều sau khi các thị trường tài chính "phấn chấn" trước hy vọng Mỹ và Trung Quốc có thể sớm giải quyết được các bất đồng về thương mại.

Chú thích ảnh
Cơ sở khai thác dầu tại thị trấn al-Buraqah, Libya. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tại thị trường Singapore vào lúc 14 giờ 49 chiều 11/1 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent sụt giảm 0,1% so với cuối phiên trước xuống 61,62 USD/thùng. Trong lúc giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng nhẹ 0,04 USD lên 52,63 USD/thùng. 

Thị trường dầu mỏ được hỗ trợ bởi các nhà đầu tư hy vọng rằng căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh có thể được giải quyết sớm sau khi các quan chức cho biết các cuộc đàm phán kéo dài ba ngày vừa kết thúc một cách xây dựng và những cuộc đàm phán tiếp theo có thể sẽ được tổ chức trong tháng này. Việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cắt giảm sản lượng nhằm khắc chế tình trạng dư cung cũng hỗ trợ cho giá dầu. 

Ngân hàng Morgan Stanley (Mỹ) dự báo giá dầu Brent và dầu WTI sẽ ở mức bình quân 61 USD/thùng và khoảng 54 USD/thùng trong năm 2019, so với các dự báo lần lượt là 69 USD/thùng và 60 USD/thùng đưa ra trước đó.

Giá vàng châu Á tăng khoảng 0,7% tình từ đầu tuần đến nay

Chú thích ảnh
 Tại cửa hàng kim hoàn ở Yangon, Myanmar ngày 19/9/2018. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong phiên chiều 11/1, giá vàng tăng khi đồng USD yếu đi vì có khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed ) có thể dừng tăng lãi suất nếu kinh tế Mỹ “giảm tốc” trong năm 2019.

Cụ thể trên thị trường Bengaluru (Ấn Độ), giá vàng giao ngay tăng 0,6% lên 1.294,01 USD/ounce vào lúc 14 giờ 29 phút (theo giờ Việt Nam). Kim loại quý này đã tăng khoảng 0,7% tính từ đầu tuần đến nay và đang hướng đến tuần tăng giá thứ tư liên tiếp.

Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng tăng 0,5% lên 1.294,3 USD/ounce.

Đồng USD trong phiên này yếu đi so với các đồng tiền chủ chốt khác. Trong phiên trước đó, đồng bạc xanh đã rời khỏi mức thấp của ba tháng nhờ những lời nhận định của Chủ tịch Fed Jerome Powell cho thấy Fed - Ngân hàng trung ương Mỹ - vẫn chưa có ý định chấm dứt tiến trình nâng lãi suất.

Theo chuyên gia Stephen Innes thuộc công ty dịch vụ tài chính OANDA, việc đồng USD yếu đi và khả năng Fed sẽ không “mạnh tay” tăng lãi suất là hai yếu tố chính giúp vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư. 

Ngoài ra, cũng có những lo ngại về khả năng kinh tế Mỹ sẽ tăng chậm lại vào cuối năm 2019 và sang năm 2020. Vì vậy thị trường đang đặt cược nhiều vào khả năng lãi suất sẽ giảm. Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ, bởi lãi suất tăng sẽ giúp đồng USD mạnh lên song lại khiến sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng giảm đáng kể.  

Mặt khác, việc Chính phủ Mỹ đã đóng cửa một phần trong suốt 20 ngày qua cũng không trợ lực đáng kể cho đồng USD. 

Bên cạnh đó, chuyên gia cấp cao Sugandha Sachdeva thuộc công ty môi giới đầu tư Religare Broking cho biết những vấn đề chưa được giải quyết liên quan đến tranh chấp thương mại Mỹ - Trung vẫn khiến giới đầu tư giữ tâm lý thận trọng. Một khi những căng thẳng trên được xóa bỏ, đồng USD nhiều khả năng vẫn chịu sức ép đi xuống và không còn duy trì được vị thế như kênh đầu tư “trú ẩn an toàn”. Trong khi đó, giá vàng sẽ có lợi.

Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc phiên này tăng 1,1% lên 15,73 USD/ounce. Trong lúc giá bạch kim tiến thêm 0,6% lên mức 824,6 USD/ounce.

Vân Anh - H.Thủy/TTXVN (Theo Reuters)
Giá vàng đi xuống do đồng USD phục hồi 
Giá vàng đi xuống do đồng USD phục hồi 

Giá vàng thế giới đi xuống trong phiên giao dịch ngày 10/1 trong bối cảnh đồng USD phục hồi từ các mức thấp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN