Dùng dự toán ngân sách để phòng, chống dịch COVID-19

Theo Bộ Tài chính, trước mắt, các bộ, cơ quan Trung ương, UBND cấp tỉnh, cơ quan, đơn vị tham gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới gây ra (COVID-19) chủ động dùng dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2020 đã được giao, sử dụng các nguồn lực sẵn có, tại chỗ để bảo đảm kịp thời kinh phí thực hiện các hoạt động trên.

Chú thích ảnh
Công ty TNHH Compal Việt Nam trong khu công nghiệp Bá Thiện 1 (huyện Bình Xuyên) hướng dẫn cho công nhân đeo khẩu trang đúng cách để phòng dịch COVID- 19. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN.

Theo đó, phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện theo quy định Điều 60 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bao gồm nguồn từ NSNN, vốn viện trợ, các nguồn kinh phí khác theo quy định. Trước mắt, chủ động sử dụng dự toán NSNN năm 2020 đã được giao, sử dụng các nguồn lực sẵn có.
Trường hợp cần thiết phải bổ sung kinh phí, các bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định chi từ nguồn dự phòng NSNN theo quy định tại Điều 10 Luật NSNN và Điều 7 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật NSNN.

Kinh phí thực hiện và chế độ đối với người bị cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và trách nhiệm chi trả chế độ đối với người bị cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế, thực hiện theo quy định tại Thông tư số 32/2012/TT-BTC ngày 29/2/2012 của Bộ Tài chính. Nội dung chi, mức chi đối với công chức, viên chức, người lao động tham gia chống dịch, thực hiện theo quy định tại: Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư liên tịch số 10/2014/TTLT-BYT-BNV-BTC-Bộ Lao động Thương binh Xã hội

Trước đó, Bộ Tài chính đã kịp thời trình cấp có thẩm quyền bổ sung kinh phí cho Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao để thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Trong đó, có quyết định bổ sung kinh phí cho các đơn vị thuộc Bộ Y tế thực hiện phòng, chống dịch; quyết định bổ sung kinh phí cho Bộ Y tế để hỗ trợ nhân đạo cho nhân dân Trung Quốc; bổ sung kinh phí cho Bộ Ngoại giao để thực hiện kế hoạch đưa công dân Việt Nam từ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc về nước; bổ sung kinh phí cho Bộ Ngoại giao để trợ cấp đối với các địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh do COVID-19 gây ra.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các bộ có liên quan trong việc hướng dẫn thực hiện một số chế độ đặc thù và nguồn kinh phí đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Ông Nguyễn Trường Giang - Quyền Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp - Bộ Tài chính cho biết, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 155/QĐ-BTC ngày 07/02 về Ban hành danh mục các mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu phục vụ phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó 5 nhóm mặt hàng trong Danh mục, kèm mã số HS và điều kiện cụ thể để được áp dụng miễn thuế nhập khẩu: Khẩu trang y tế, nước sát trùng, nước rửa tay sát trùng, nguyên liệu để sản xuất khẩu trang y tế, vật tư, trang thiết bị cần thiết khác (bộ trang phục phòng chống dịch) để thu hút các doanh nghiệp nhập khẩu và cắt giảm chi phí cho các doanh nghiệp.

Bộ Tài chính cũng đang thực hiện rà soát, nghiên cứu để đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực, trong đó có du lịch, dịch vụ như miễn visa du lịch, kéo dài thời hạn visa, giảm lệ phí visa, chi phí logistic... để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Minh Phương/Báo Tin tức
Dịch bệnh COVID-19 trên thế giới 24 ngày qua
Dịch bệnh COVID-19 trên thế giới 24 ngày qua

Tính đến 8h ngày 24/2, đã có 78.996 người mắc dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn thế giới và 2.470 người tử vong, trong đó 2.444 người tử vong ở Trung Quốc đại lục và 26 người tử vong ngoài Trung Quốc đại lục.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN