Doanh nghiệp ngoại ‘tấn công’ thị trường thương mại điện tử Việt qua mạng xã hội

Trong khi không ít trang thương mại điện tử "đình đám" bị mua lại, dừng hoạt động hoặc sáp nhập vì hoạt động khó khăn thì đây lại là cơ hội cho các doanh nghiệp ngoại “tấn công” vào thị trường này.

“Kẻ trong” muốn thoát…

Hẳn không ai quên được nhiều trang thương mại điện tử (TMĐT) có tên tuổi, được nhiều người biết đến và đã có chỗ đứng trên thị trường phải chấp nhận phận “chết yểu”, như Beyeu, 4eva, Deca… Trong khi đó, các trang TMĐT khác như Tiki, sendo… dù đang hoạt động nhưng đều trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt, vật lộn với khó khăn, thua lỗ kéo dài.


Theo "lời nhắn" của một trang TMĐT trước khi “chết”: TMĐT cần rất nhiều tiền. Tuy nhiên, nếu cứ chăm chăm “đốt tiền” để mong đạt đến đích nhanh, sớm muộn nguồn lực cũng cạn kiệt dẫn đến phải đóng cửa…

Việc thâm nhập thị trường TMĐT Việt Nam thông qua hình thức hợp tác với mạng xã hội có sẵn hệ thống bán hàng là bước nhanh nhất để cạnh tranh thị phần.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp ngoại cho rằng thị trường TMĐT Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Vì thế, ngoài việc cần rất nhiều tiền để "nuôi" trang TMĐT, vẫn cần rất nhiều thời gian nhất định để các trang TMĐT tiếp tục “sống khỏe”. Đó cũng chính là lý do nhiều doanh nghiệp ngoại "tấn công" thị trường TMĐT Việt Nam thông qua các hình thức mua bán và sát nhập (M&A).


Bởi chỉ có hình thức hợp tác đầu tư hay M&A, các doanh nghiệp này mới có thể củng cố và xây dựng được một hệ thống TMĐT vững chắc từ nguồn nhân lực, thị trường sẵn có… Điển hình là Zalora, một trang mua sắm thời trang TMĐT thuộc sở hữu Rocket Internet, được nhiều người biết đến đã bị “khai tử” cách đây không lâu.


Trước đó, trang Zalora đã được bán lại cho Central Group (Thái Lan) vào tháng 4/2016 với giá 10 triệu USD sau khi Zalora khiến công ty mẹ chịu lỗ hàng trăm triệu USD. Kể từ giữa tháng 5/2017, Zalora chính thức đóng cửa và hợp nhất với thương hiệu thời trang Robins của Central Group.


Tương tự, một trang thương mại điện tử “ngoại” có thị phần lớn nhất Việt Nam là Lazada đã bị bán cho Alibaba (Trung Quốc). Tháng 4/2016, Alibaba đã công bố thỏa thuận chi khoảng 1 tỷ USD để mua cổ phần trong Lazada của Rocket Internet.


“Kẻ ngoài” muốn vô


Trong lúc hàng hoạt “cựu binh” đang muốn thoát ra khỏi “vũng lầy” TMĐT thì nhiều “tân binh” lại đang rất hào hứng tham gia cuộc chơi “đốt tiền” này.


Mới đây, cuối tháng 8/2017 phái đoàn Hiệp hội Thương mại điện tử châu Á (ECAA) và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) Nhật Bản đã đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư thị trường TMĐT.


Chiến lược ngắn nhất để có thể thâm nhập thị trường này là hợp tác từ Zalo nhằm thiết lập TMĐT xuyên quốc gia. Lý do Zalo được chọn vì đơn vị này đang có thị trường đầy sức hút ở Đông Nam Á với 80 triệu người dùng nhờ tích hợp nhiều công cụ hỗ trợ bán và chăm sóc khách hàng cùng thói quen mua sắm đã hình thành sẵn.


Trước đó, phái đoàn này đã dành thời gian khảo sát kênh bán hàng ở một số nước Đông Nam Á khác, trong đó thị trường đông dân nhất là Indonesia nhưng chưa thật sự cảm thấy phù hợp.


Theo đánh giá từ phía Nhật Bản, Việt Nam được xem là thị trường TMĐT tiềm năng của Nhật Bản, sau Đài Loan, Trung Quốc. Bởi hiện nay, thị trường TMĐT của Nhật Bản đang chững lại vì tình trạng dân số già, lượng người dùng internet không tăng lên và thị trường Đài Loan, Trung Quốc còn quá ít khoảng trống do quá nhiều doanh nghiệp Nhật tập trung tại đây.


Do đó, Việt Nam là thị trường giàu tiềm năng và phù hợp nhất trong khu vực. Sự tăng trưởng ổn định của các trang TMĐT hay sự tồn tại của nền tảng 80 triệu người dùng Zalo là những tín hiệu đầy lạc quan. Bên cạnh đó, sự tương đồng về hành vi mua và bán hàng của hai quốc gia cũng là một yếu tố thuận lợi để các doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng hoạt động bán hàng ở Việt Nam.


Cách đây không lâu, tập đoàn Hàn Quốc DHI cũng đã triển khai phân phối mỹ phẩm qua Zalo đến tay người dùng Việt thay vì các hình thức tiếp cận và thâm nhập thị trường một cách truyền thống. Chính vì vậy, ông Jongmin Hong – Quản lý Clara Online, cho rằng: “Người Việt Nam quen thuộc mua và bán hàng qua các kênh mạng xã hội, như Facebook hay Zalo cũng như người Nhật đã quen thuộc với nền tảng Line sẽ giúp việc kinh doanh của doanh nghiệp Nhật ở Việt Nam dễ dàng hơn”.


Bên cạnh việc "tấn công” thị trường TMĐT tại Việt Nam thông qua hình thức hợp tác với các trang mạng xã hội có sẵn nền tảng bán hàng, nhiều doanh nghiệp ngoại còn tận dụng nguồn lực có sẵn từ các kênh bán lẻ để đẩy mạnh bán hàng online.


Cụ thể, cuối năm 2016, đại gia Hàn Quốc Lotte đã khai trương trang thương mại điện tử Lotte.vn dưới sự quản lý của Lotte E-commerce (Tập đoàn Lotte). Theo đó, 100% sản phẩm được bán trên trang thương mại điện tử này là hàng hóa trong siêu thị và hàng hóa thời trang được bán tại Lotte Department Store.


Đánh giá về tiềm năng TMĐT Việt Nam, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), cho biết tốc độ tăng trưởng của TMĐT Việt Nam trong 5 năm tới có thể đạt giá trị lên tới 10 tỷ USD và trong 10 năm tới có thể lên đến 30 - 50%/năm. Đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp TMĐT trong và ngoài nước tận dụng triển khai cũng như thâm nhập thị trường.


Hải Yên/Báo Tin Tức
APEC 2017: Thương mại điện tử được kỳ vọng thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển
APEC 2017: Thương mại điện tử được kỳ vọng thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển

Tiếp tục các cuộc họp liên quan trong khuôn khổ chương trình Hội nghị các quan chức cao cấp lần thứ 3 (SOM 3) và các cuộc họp liên quan, ngày 23/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhóm chỉ đạo về thương mại điện tử (ECSG) của APEC đã có buổi làm việc với các thành viên đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN