Dịch tả lợn châu Phi và vấn đề bình ổn thị trường - Bài 2: Cần sự phối hợp liên ngành

Nhằm đảm bảo cung cầu thị trường, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã và đang đẩy mạnh phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và phòng chống dịch tả lợn châu Phi.

Bên cạnh đó, các sở, ngành thành phố cũng phối hợp các đoàn liên ngành tăng cường kiểm tra tình hình vận chuyển, giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trái phép, nhất là việc kiểm tra xử lý các điểm nóng trên địa bàn và địa bàn giáp ranh các tỉnh, thành lân cận. 

Chú thích ảnh
Người tiêu dùng mua thịt lợn tại chợ Bến Thành, quận 1. 

Cam kết nguồn cung an toàn

Theo các sở ngành Tp. Hồ Chí Minh, hiện tượng chênh lệch giá lợn giữa các tỉnh, thành trên cả nước đang đặt ra nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc kiểm soát nguồn cung an toàn. Cụ thể, hiện tại giá lợn miền Bắc, miền Trung (vùng đang diễn ra dịch tả lợn châu Phi) thấp hơn miền Nam là vấn đề dẫn đến một số đối tượng tìm cách vận chuyển lợn từ miền Bắc, miền Trung vào các tỉnh, thành miền Nam để “giả nguồn gốc xuất xứ sản phẩm”, sau đó đưa ra thị trường tiêu thụ. 

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Ban An toàn thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, bên cạnh việc giá lợn chênh lệch giữa các khu vực, Tp. Hồ Chí Minh còn là thị trường mở nên khả năng lây nhiễm là hoàn toàn có thể xảy ra. Ngoài ra, dịch tả lợn châu Phi tuy không lây cho người mà chỉ lây lan ở lợn, nhưng 100% con lợn nhiễm bệnh thì chắc chắn chết. Nếu người dân giết mổ và đem tiêu thụ lợn nhiễm bệnh thì khả năng lây lan dịch bệnh rất cao, bởi virus dịch tả này có thể tồn tại 1.000 ngày dưới dạng đông lạnh, thịt nguội… nên cần có giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn.

Trước thực trạng này, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đã đưa ra thông điệp và cam kết mạnh mẽ về việc đảm bảo cung ứng ra thị trường những sản phẩm có truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, đồng hành cùng cơ quan chức năng, các đơn vị sản xuất, kinh doanh nỗ lực đảm bảo sản lượng cung ứng ra thị trường, tạo điều kiện thuận lợi người tiêu dùng mua, sử dụng thịt lợn và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ.

Điển hình, Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ Nghệ Súc sản (Vissan) cam kết cung cấp 100% thịt lợn và sản phẩm chế biến từ thịt lợn an toàn đến người tiêu dùng; trong đó, nguồn nguyên liệu của Vissan an toàn, không nằm trong vùng dịch, chủ yếu từ Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành thuộc khu vực Đông Nam bộ. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng chủ động thu mua dự trữ thịt lợn đông lạnh nhập khẩu nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào, ổn định giá cả thị trường, phục vụ nhu cầu tiêu thụ thịt lợn đạt chất lượng, không có dịch bệnh đến tay người tiêu dùng. 

Theo ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), ngay khi có thông tin về dịch tả lợn châu Phi, các hệ thống bán lẻ thuộc Saigon Co.op đã áp dụng hàng loạt các biện pháp nghiệp vụ để kiểm soát nguồn thịt tốt nhất có thể. Cùng với việc tăng tần suất kiểm soát, các hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op cũng tổ chức kiểm tra đột xuất, lấy mẫu kiểm nghiệm bất ngờ tại các siêu thị để đảm bảo an toàn khi bán đến tay khách hàng.

Ngoài ra, liên quan đến việc nâng cao chất lượng hàng Việt nói chung, hàng nông sản, thực phẩm nói riêng, đại diện Saigon Co.op cho hay, trong thời gian tới sẽ triển khai thêm hàng loạt giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp Việt, điển hình là chính sách thanh toán ưu tiên cho nhà sản xuất trong nước, hỗ trợ chi phí trưng bày hàng hóa. Đồng thời, Saigon Co.op cũng tăng thời gian bán thử nghiệm, ưu tiên bao tiêu cho các hợp tác xã nông nghiệp đạt chuẩn, xây dựng bộ tiêu chuẩn riêng cho các mặt hàng nông sản, thực phẩm tươi sống.

Cụ thể, hiện tại đối với mặt hàng thịt lợn, các hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op chủ yếu kinh doanh sản phẩm được cung cấp bởi các doanh nghiệp nội địa, doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường của Tp. Hồ Chí Minh; trong đó, có thể kể đến các doanh nghiệp như Vissan, Nam Phong, Anh Hoàng Thy, SagriFood... và hầu hết thịt lợn từ các nguồn này đều đạt chuẩn VietGAP.

Tạo chuỗi thực phẩm an toàn

Để ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho biết, ngành công thương thành phố đã phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để triển khai các phương án ứng phó trong tình trạng biến động thị trường, nhất là nguồn cung. Trong khoảng một tháng tới, các sở ngành và doanh nghiệp có thể đảm bảo nguồn cung trước mắt cho thị trường thành phố. Tuy nhiên, dù có kinh nghiệm trong việc phối hợp đảm bảo cung cầu hàng hóa, ngành công thương và các doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh sẽ không chủ quan, nhất là bám sát và theo dõi diễn biến thị trường để có giải pháp ứng phó kịp thời. 

Tp. Hồ Chí Minh với với quy mô khoảng 13 triệu dân, nhu cầu thực phẩm mỗi ngày rất lớn nhưng thành phố chỉ tự cung cấp được 20 - 30% tổng sản lượng thực phẩm tiêu thụ hàng ngày số còn lại phụ thuộc vào nguồn hàng từ các tỉnh, thành và nhập khẩu. Lợi dụng nhu cầu lớn, trong bối cảnh đời sống người dân còn khó khăn, nhiều nguồn thực phẩm nhập lậu, không đảm bảo chất lượng vệ sinh đã len lỏi đến từng con hẻm.

Trong giai đoạn dịch tả lợn châu Phi như hiện nay, bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp là  đồng hành cùng cơ quan chức năng cân đối cung cầu, tạo nguồn hàng hóa mang lại thực phẩm sạch, đạt vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Đặc biệt, cần sự vào cuộc của cả chuỗi cung ứng từ các doanh nghiệp sản xuất cho tới doanh nghiệp bán lẻ phân phối ra thị trường.

Còn theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, trong khuôn khổ pháp lý và pháp luật Việt Nam có quy định rõ ràng về quản lý an toàn thực phẩm, tuy nhiên việc kiểm tra, giám sát và hậu kiểm chưa hiệu quả. Đồng thời, do hạn chế về nguồn lực kiểm soát của cơ quan chức năng cũng như khả năng truy xuất nguồn gốc trong toàn chuỗi thực phẩm còn lỏng lẻo đã dẫn đến tình trạng kinh doanh hàng hóa không đảm bảo chất lượng.

Để kiểm soát thực phẩm từ nơi sản xuất đến bàn ăn, Tp. Hồ Chí Minh đã chủ động xây dựng đề án thí điểm quản lý theo “Chuỗi thực phẩm an toàn”, đề án trên đang mang lại hiệu quả khả thi. Việc xây dựng và quản lý mô hình “Chuỗi thực phẩm an toàn” mang lại lợi ích cho cộng đồng, đảm bảo sản phẩm thực phẩm đang lưu thông trên thị trường được quản lý chặt chẽ về chất lượng cũng như truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, vừa qua Sở Công Thương, Sở Du lịch, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh đã ký kết liên tịch trong phối hợp xây dựng Kế hoạch triển khai Chương trình Kết nối tiêu thụ thực phẩm an toàn.

Mặc dù vậy, các doanh nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh kiến nghị, trước biến động cung cầu thị trường thịt gia súc, gia cầm, cơ quan chức năng cần có giải pháp điều chỉnh giá kịp thời và bám sát diễn biến thị trường trên cơ sở có tiếp thu báo cáo của doanh nghiệp. Đơn cử, với tình hình dịch tả lợn châu Phi thì hàng hóa cần được cân đối và việc điều tiết giá cả cần thực hiện nhanh chóng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động hoạt động sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường.

Bài và ảnh: Mỹ Phương (TTXVN)
Dịch tả lợn châu Phi và vấn đề bình ổn thị trường - Bài 1: Cân đối cung cầu
Dịch tả lợn châu Phi và vấn đề bình ổn thị trường - Bài 1: Cân đối cung cầu

Thống kê đến thời điểm hiện tại, dịch tả lợn châu Phi đã được công bố tại 23 tỉnh, thành cùng với đó các cơ quan chức năng đã thực hiện tiêu hủy hơn 85.000 con lợn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN