Dịch COVID-19: Trung Quốc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng nhỏ và vừa

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) ngày 3/4 cho biết sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với các ngân hàng nhỏ và vừa, qua đó “giải phóng” khoảng 400 tỷ NDT (56,38 tỷ USD) để góp phần hỗ trợ nền kinh tế trong nước đang chịu tác động tiêu cực nghiêm trọng của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chú thích ảnh
Trụ sở Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tại Bắc Kinh. Ảnh: AFP/TTXVN

Cụ thể, PBoC sẽ giảm tỷ lệ RRR bớt 100 điểm cơ bản theo hai giai đoạn. Theo đó, lần giảm 50 điểm cơ bản đầu tiên sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15/4 và lần giảm 50 điểm cơ bản tiếp theo sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15/5. Ngoài ra, theo PBoC, lãi suất đối với phần vượt mức quy định về số tiền dự trữ bắt buộc của các ngân hàng Trung Quốc sẽ giảm từ 0,72% xuống còn 0,35% và có hiệu lực từ ngày 7/4.
 
Đây là lần giảm tỷ lệ RRR thứ ba của Trung Quốc kể từ đầu năm 2020 và cũng là lần giảm thứ 10 kể từ đầu năm 2018, khi nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu giảm tốc do tác động bất lợi của xung đột thương mại Mỹ-Trung Quốc gia tăng. 

Trung Quốc hiện có khoảng 4.000 ngân hàng nhỏ và vừa. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) Zhou Liang, các ngân hàng Trung Quốc đã cung cấp 7.000 tỷ NDT (989 tỷ USD) tín dụng mới trong quý I/2020.

PBoC đã nới lỏng chính sách tiền tệ kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại nước này vào tháng 1/2020, cắt giảm mức lãi suất cho vay chuẩn, đồng thời yêu cầu các ngân hàng trong nước cung cấp những khoản tín dụng với lãi suất thấp, hoãn hay giãn thời hạn trả nợ cho các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất-kinh doanh gặp khó khăn do dịch COVID-19. Nhiều công ty tư nhân có quy mô hoạt động nhỏ đang rơi vào tình trạng thiếu hụt tiền mặt và trải qua giai đoạn sụt giảm dài hơn so với những doanh nghiệp quốc doanh quy mô lớn. 

Trong khi đó, lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc đang đối mặt một cú sốc mới khi dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu khiến nhiều nước áp dụng lệnh phong tỏa trong nước cũng như hạn chế các hoạt động kinh doanh, ngoại thương ... Công ty tài chính Nomura Holdings ước tính Trung Quốc có thể mất 18 triệu việc làm liên quan tới lĩnh vực xuất khẩu trong 1-2 quý tới nếu hoạt động xuất khẩu giảm 30%.

Các nhà kinh tế đang dự báo Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc sẽ giảm mạnh trong quý I/2020 trong khi một số ý kiến cho rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ giảm ít nhất 9% trong quý I/2020, lần sụt giảm đầu tiên trong ba thập niên qua.
 
Trong khi đó, theo một số nguồn tin thân cận, Chính phủ Trung Quốc co thể nâng mức thâm hụt ngân sách dự kiến cho năm 2020 lên mức cao kỷ lục và đang xem xét hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 do ảnh hưởng tiêu cực kéo dài của dịch COVID-19.

Anh Quân (Theo Reuters)
Trung Quốc - thị trường xuất khẩu gạo chủ lực của Campuchia
Trung Quốc - thị trường xuất khẩu gạo chủ lực của Campuchia

Trang mạng Fresh News ngày 1/4 dẫn nguồn tin từ Hiệp hội Lúa gạo Campuchia (CRF) cho biết trong quý I/2020, Campuchia đã xuất khẩu 230.948 tấn gạo, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2019.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN