Dịch bệnh do virus corona có thể trở thành yếu tố ảnh hưởng tới chính sách của Fed

Theo các nhà quan sát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ không thay đổi lãi suất chủ chốt sau khi kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày từ 28-29/1 (theo giờ địa phương). Tuy nhiên, dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona đang hoành hành tại Trung Quốc sẽ là một yếu tố mới khiến các nhà hoạch định chính sách nâng cao cảnh giác hơn.

Chú thích ảnh
Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tại Washington DC. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Cuộc họp của Fed diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang trên đà phát triển khá ổn định. Nhưng việc lây lan dịch viêm phổi do virus corona mới tại Trung Quốc sang các nước khác đã làm dấy lên mối lo ngại rằng dịch có thể kéo chậm đà tăng trưởng ở nước này cũng như tác động lên nền kinh tế toàn cầu.

Nhiều doanh nghiệp, bao gồm hơn một nửa số cửa hàng của chuỗi cà phê nổi tiếng Starbucks cùng công viên giải trí Disneyland, đã phải đóng cửa ở Trung Quốc. Việc đi lại cũng bị hạn chế và các hãng hàng không lớn đã hủy các chuyến bay sang nước này khi chính quyền Bắc Kinh đang cố gắng ngăn chặn dịch lây lan rộng hơn.

Trong bối cảnh đó, giới chuyên gia nhận định Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) của Fed sẽ kết thúc ngày họp thứ hai vào lúc 1900 GMT ngày 29/1 (2 giờ sáng ngày 30/1 theo giờ Việt Nam) bằng cách nhắc lại những tuyên bố gần đây rằng họ sẽ theo dõi "diễn biến toàn cầu".

Chủ tịch Fed Jerome Powell dự kiến sẽ phải đối mặt với các câu hỏi về dịch bệnh do virus corona gây ra trong cuộc họp báo sau khi cuộc họp chính sách kết thúc. Nhiều khả năng ông sẽ nói rằng ngân hàng trung ương này đang theo dõi những tác động kinh tế từ căn bệnh này.

Nhà kinh tế học Joel Naroff cho biết, dịch bệnh do virus corona gây ra có thể trở thành một yếu tố ảnh hưởng tới chính sách của Fed nếu nó “tấn công” thị trường tài chính và có dấu hiệu rõ ràng rằng dịch sẽ làm nền kinh tế “hạ nhiệt” tăng trưởng.

Theo chuyên gia này, ông Powell dường như rất lo lắng về tình hình thị trường tài chính dù ít khi thể hiện điều này. Ông Naroff đã viện dẫn quyết định ngừng tăng lãi suất vào cuối năm 2018 của Fed, mặc dù khi đó nền kinh tế vẫn tiếp tục đà tăng khá thuận lợi.

Fed đã ba lần cắt giảm lãi suất chính vào năm 2019 trong bối cảnh các dấu hiệu của nền kinh tế Mỹ và toàn cầu đang phải đối mặt với những “cơn gió ngược” - một phần đến từ các cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump.

Chuyên gia Naroff nói rằng điều đó có thể xảy ra một lần nữa, nhưng lần này Chủ tịch Powell sẽ không có “vùng đệm” nào sau quyết định cắt giảm tới 75 điểm cơ bản với đợt cắt giảm gần nhất.

Người đứng đầu Fed đã báo hiệu rằng ngân hàng trung ương chỉ có khả năng thay đổi chính sách khi có sự thay đổi "cụ thể" đối với triển vọng nền kinh tế. Tuy nhiên, trong báo cáo nhận định về triển vọng chính sách của Fed, chuyên gia Ian Shepherdson của Pantheon Macroeconomics nói rằng yêu cầu trên chưa được đáp ứng. Ông viện dẫn rằng ngay cả lĩnh vực chế tạo, vốn đang là mảng yếu nhất của nền kinh tế, chỉ đơn thuần là đình trệ thay vì suy sụp.

H.Thủy/TTXVN (Theo AFP)
Australia tái tạo thành công virus corona trong phòng thí nghiệm
Australia tái tạo thành công virus corona trong phòng thí nghiệm

Ngày 29/1, một nhóm các nhà khoa học Australia tuyên bố đã tái tạo thành công trong phòng thí nghiệm mẫu virus corona mới (2019-nCoV) gây bệnh viêm phổi cấp tại Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN