Dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng ra sao đến hoạt động phòng, chống rửa tiền?

Theo nghiên cứu nguồn mở cũng như phản hồi nhận được từ các thành viên của Tổ chức Lực lượng đặc nhiệm tài chinh (FATF) và Ban thư ký các tổ chức khu vực dạng FATF (FSRB), dịch COVID-19 đang ảnh hưởng đến năng lực của các chính phủ và khu vực tư nhân trong việc thực hiện nghĩa vụ phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố (PCRT & TTKB).

Điều này chủ yếu là do việc thực hiện các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona. Nhiều nhân viên Chính phủ và khu vực tư nhân hầu hết làm việc từ xa, hoặc hoàn toàn không làm gì. Ở một mức độ nào đó, đặc biệt là đối với các quốc gia có nguồn lực hạn chế và kế hoạch kinh doanh liên tục kém tiên tiến, các nỗ lực tái ưu tiên của các chính phủ có thể dẫn đến việc phân bổ lại các nguồn lực từ các hoạt động PCRT & TTKB sang các lĩnh vực khác, như ổn định tài chính, nhân đạo và nỗ lực phục hồi kinh tế. Đã có dấu hiệu cho thấy một số quốc gia có chế độ hoặc nguồn lực dành cho PCRT & TTKB kém linh hoạt có thể không thể duy trì các hoạt động PCRT & TTKB trong khi phải dành ưu tiên cho các hoạt động ứng phó với COVID-19.

Cuộc khủng hoảng COVID-19 được cho là làm ảnh hưởng đến các lĩnh vực/hoạt động quan trọng sau đây, với mức độ khác nhau giữa các quốc gia:

Giám sát: Công tác kiểm tra PCRT & TTKB tại chỗ ở phần lớn các thành viên của FATF đã bị tạm ngưng hoặc thay thế bằng kiểm tra kiểu “bàn giấy” (bao gồm cả việc sử dụng hội nghị trực tuyến). Trong một số trường hợp, việc kiểm tra tại chỗ chỉ được thực hiện đối với các ngành hoặc tổ chức có rủi ro cao. Ngân hàng, định chế tài chính và các tổ chức thuộc đối tượng báo cáo khác tiếp tục thực hiện các yêu cầu về PCRT & TTKB và cung cấp thông tin được yêu cầu cho các cơ quan giám sát có thẩm quyền. Một số cơ quan giám sát đã linh hoạt đối với yêu cầu nộp báo cáo hàng năm dựa trên cơ sở rủi ro và đã ngừng cấp giấy phép mới, đặc biệt đối với một số lĩnh vực có thể đang bị đóng cửa, chẳng hạn như sòng bạc (trừ sòng bạc trực tuyến). Liên quan đến các biện pháp trừng phạt và các biện pháp khắc phục khác, một số quốc gia đã quyết định tạm ngừng, bao gồm cả việc áp dụng hình phạt tiền đối với các vi phạm PCRT & TTKB.

Cải cách chính sách: Nhằm đối phó với dịch Covid-19, nhiều cơ quan, tổ chức đã kích hoạt phương án kinh doanh liên tục bằng cách làm việc từ xa/tại nhà. Điều này, trong một số khu vực luật pháp, đã làm ảnh hưởng đáng kể đến các sáng kiến mới  trong chính sách và lập pháp về PCRT &TTKB. Một số cơ quan ra quyết định lập pháp cũng tạm hoãn hội họp, dành ưu tiên tập trung vào các vấn đề khẩn cấp liên quan đến Covid-19.

Báo cáo giao dịch đáng ngờ: Các ngân hàng và các tổ chức liên quan vẫn duy trì việc gửi báo cáo các giao dịch đáng ngờ. Các tổ chức tài chính không gặp phải khó khăn hay sự chậm trễ nào trong việc phân tích và thực hiện báo cáo. Các thành viên khác được nới lỏng trong việc gửi  báo cáo giao dịch đáng ngờ (trừ trường hợp khu vực có rủi ro cao, chẳng hạn như tài trợ khủng bố) và các báo cáo dựa trên ngưỡng. Trong nhiều trường hợp, các cơ quan có thẩm quyền đã chỉ thị cho các đơn vị báo cáo khẩn trương thông báo cho các cơ quan giám sát và /hoặc đơn vị tình báo tài chính nếu gặp phải bất kỳ sự chậm trễ hoặc rào cản nào đối với việc báo cáo. Các cơ quan tư pháp vẫn dựa vào các hệ thống báo cáo trên giấy hoặc có phần mềm cơ sở dữ liệu chưa đầy đủ có thể phải đối mặt với tình trạng chậm trễ trong việc tiếp nhận và xử lý báo cáo.

Phân tích thông tin tình báo tài chính (FIU): Hầu hết các đơn vị tình báo tài chính của các thành viên FATF và các thành viên FSRB vẫn duy trì hoạt động, ngay cả ở những quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19. Nhân viên FIU đang làm việc từ xa trong phạm vi hệ thống công nghệ thông tin và bảo mật cho phép. Tuy nhiên, cũng có thông tin cho thấy FIU ở một số nước đang giảm đáng kể hoạt động hoặc thậm chí đóng cửa hoàn toàn.

Hợp tác quốc tế: Có nhiều báo cáo khác nhau về tác động của khủng hoảng COVID-19 đối với vấn đề hợp tác hoạt động. Một số lo ngại sự chậm trễ trong hợp tác có thể trở nên trầm trọng hơn theo thời gian do nhân viên FIU làm việc từ xa và các nỗ lực tái ưu tiên của các cơ quan thực thi và giám sát pháp luật và trong khu vực tư nhân. Hợp tác chính thức, chẳng hạn như hỗ trợ pháp lý và dẫn độ lẫn nhau đã bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng do hạn chế hoặc đình chỉ hoạt động của tòa án và việc thực hiện các lệnh dẫn độ bị trì hoãn do hạn chế đi lại. Việc cung cấp hỗ trợ kỹ thuật PCRT&TTKB cũng bị giảm hoặc tạm dừng ở một số quốc gia.

Các cơ quan thực thi pháp luật: Do gánh nặng để xử lý các vấn đề liên quan đến Covid-19, mà các nỗ lực về PCRT & TTKB chưa được ưu tiên cao. Một số vụ truy tố có thể bị hoãn hoặc trì hoãn do đình chỉ xét xử, xét xử và các thủ tục tố tụng trực tiếp khác. Có một số báo cáo cho thấy việc chuyển hướng thực thi pháp luật và các nguồn lực an ninh dành để đối phó với Covid-19 ở các quốc gia có nguồn lực kém, có thể khuyến khích những kẻ khủng bố và khủng bố tài chính đẩy mạnh hoạt động.

Khu vực tư nhân: Các tổ chức tài chính đã triển khai  kế hoạch kinh doanh liên tục để đối phó với cuộc khủng hoảng. Một số ngân hàng đang đóng cửa chi nhánh,  hạn chế dịch vụ và sắp xếp lại nhân viên. Ở một số quốc gia ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các ngân hàng chỉ bị ảnh hưởng gián tiếp, tuy nhiên lại có lo ngại về vấn đề truy cập thông tin để tiến hành thẩm định đối với khách hàng nước ngoài và các mối quan hệ kinh doanh nước ngoài.

Đã có lưu ý về sự gia tăng hoạt động trong các lĩnh vực phi ngân hàng như cờ bạc trực tuyến, bảo hiểm, buôn bán đá và kim loại quý, chứng khoán, trong khi hoạt động giảm tại các lĩnh vực khác như sòng bạc và bất động sản. Dịch vụ chuyển tiền đối mặt với sự gián đoạn đặc biệt khi người lao động nhập cư đã bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa,  đóng cửa công ty, trong khi phần lớn hoạt động kinh doanh của họ được thực hiện trực tiếp. Nếu tình hình kinh tế hiện tại xấu đi, có nguy cơ các tổ chức tài chính có thể ưu tiên lại các nỗ lực PCRT & TTKB của mình và tập trung vào các biện pháp ổn định, thận trọng  hơn.

 

Tạ Nguyên/Báo Tin tức (tổng hợp nguồn FATF)
Ngân hàng tăng cường chống rửa tiền và tài trợ khủng bố trong bối cảnh COVID-19
Ngân hàng tăng cường chống rửa tiền và tài trợ khủng bố trong bối cảnh COVID-19

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh - Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố (PCKB) ngành Ngân hàng: Trong bối cảnh, dịch bệnh COVID-19 phức tạp, hoạt động PCKB và phòng, chống tài trợ khủng bố (TTKB) của lĩnh vực ngân hàng cần tăng cường cũng như cần có những thay đổi phù hợp trong tình hình mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN