Cười tươi rói khuân mì chính, nước mắm về nhà đón Tết

Hiếm khi có hội chợ xuân được tổ chức nên những người dân vùng quê Đồng Tân (Ứng Hòa, Hà Nội) bảo nhau nô nức đến mua. Những thứ quá đỗi đơn giản với người dân thành phố như mì chính, nước mắm thì ở đây lại là những món hàng được ưu tiên hàng đầu.

Đến phiên chợ Tết hàng Việt tổ chức tại xã Đồng Tân (Ứng Hòa) từ sớm 22 Tết khi phiên chợ còn chưa khai mạc, chị Trịnh Thị Bích Ngọc (xóm 4, thôn Mỹ Cầu) vừa chọn mua bánh kẹo vừa gọi điện cho người nhà mau đến chợ để sắm Tết. Đây đã là năm thứ 3 chị đến mua sắm tại đây.


Chị Ngọc cho biết rất yên tâm mua hàng ở chợ Tết

Cũng như chị Ngọc, rút kinh nghiệm năm ngoái ra muộn hết hàng, người dân Đồng Tân đi sắm Tết từ những ngày đầu khai mạc hội chợ. Bác Phạm Văn Quý (Vọng Tân, Đồng Tân) chia sẻ, năm nào bác cũng mua nước mắm tại hội chợ Tết này.

Bác Quý cùng cháu nội đi sắm Tết.

Năm nay bác Quý đạp xe chở cháu nội đến mua hàng từ sớm. Bác phấn khởi nói: "Tôi thấy mua nước mắm ở đây thì yên tâm. Mua ở ngoài sợ nước mắm hết hạn, không đảm bảo. Các con tôi biếu bố mẹ 4 - 5 triệu để sắm Tết. Gà qué ở nhà có rồi, chỉ mua thêm gia vị thôi. Năm ngoái tôi ra mua muộn thì hết nước mắm. Năm nay nhiều lắm, thoải mái mua".

Với những người dân ở vùng quê cách trung tâm Hà Nội 40 km, việc có một hội chợ Tết được tổ chức bài bản, hàng hóa đa dạng, phong phú, giá cả hợp lý là một niềm vui lớn. Thông thường bà con mua sắm ở các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa nhưng vẫn cảm thấy không yên tâm về xuất xứ hàng hóa.

Chị Hòa phấn khởi vì đã sắm đủ đồ cho Tết này.

Chị Vương Thu Hòa (xã Trung Tú) sáng nay cũng tranh thủ đi chợ Tết mua sắm. Chỉ vài chục phút đi loanh quanh, chị đã mua được cả hai túi đồ lớn. "Năm trước tôi mua nước mắm với mì chính. Năm nay lại mua mì chính với bột canh. Hàng ở đây chất lượng hơn. Giá có thể đắt hơn chút nhưng ăn là thấy khác. Ở nông thôn có nhiều hàng giả nhãn mác không phân biệt được", chị Hòa cho hay.

Nhiều gia đình cho trẻ em đi sắm Tết.

Chợ Tết "Hapro mang xuân đến mọi nhà" do Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) tổ chức nhằm phục vụ người dân các huyện ngoại thành Hà Nội một hương vị Tết Mậu Tuất ấm áp với các sản phẩm Tết truyền thống Hà Thành như bánh chưng, giò chả, rượu vang Thăng Long, bánh mứt kẹo Tết của Xí nghiệp bánh mứt kẹo Hà Nội, Hữu Nghị, Kinh Đô...

Niềm vui của người dân quê khi được mua hàng Tết chất lượng.

Tại điểm bán hàng theo mô hình Chợ Tết, Hapro sẽ có các chương trình bình ổn giá nhằm vào các mặt hàng nhu cầu cao như dầu ăn, gạo, đường... Bà Nguyễn Thị Hải Thanh, Phó Tổng giám đốc Hapro, cho biết theo chủ trương của TP Hà Nội, Tổng công ty đã có 20 điểm bán hàng tham gia chương trình bình ổn giá, thực hiện cả trước và sau Tết. Để đảm bảo nguồn hàng, Tổng công ty đã có kế hoạch triển khai từ quý IV/2017, tập trung vào nhóm hàng bình ổn thiết yếu như thực phẩm chế biến, nông sản.

"Nói về lợi nhuận cao khi tổ chức chương trình bình ổn giá hoặc đưa hàng Việt về nông thôn thì chắc chắn không có nhưng chúng tôi nghĩ rằng trong kinh doanh, lợi nhuận không chỉ đến từ việc bán hàng đem lại mà qua việc thực hiện chương trình này thì thương hiệu của công ty cũng được nâng lên, người dân tin tưởng vào thương hiệu Hapro", bà Thanh cho hay.

Trẻ em háo hức tại phiên chợ Tết.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, đến nay thành phố đã tổ chức được trên 150 chuyến đưa hàng Việt về nông thôn với sự tham gia của tất cả các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Hà Nội, tập trung vào các mặt hàng có nhu cầu cao dịp Tết như thực phẩm, hàng may mặc, đồ gia dụng... Tất cả đều phải đảm bảo rõ nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm, giá cả hợp lý. Những mặt hàng bình ổn thì có giá thấp hơn thị trường 5 - 10%.

Hoàng Dương/Báo Tin tức
Rộn ràng không khí mua sắm Tết ông Công, ông Táo
Rộn ràng không khí mua sắm Tết ông Công, ông Táo

Sát ngày Tết ông Công, ông Táo, hầu hết các gia đình đều đã bắt tay vào chuẩn bị đồ cúng lễ thật tươm tất để tiễn ông Công, ông Táo về trời.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN