Củ cải trắng, nước mắt mặn trên cánh đồng Tráng Việt, Mê Linh

Dưới cái nắng hanh hao giữa trưa một ngày tháng 3, anh Minh cùng bà con đang trồng cà pháo. Nhặt từ ruộng lên từng củ cải to bằng bắp tay người lớn, bẻ đôi lộ ra phần thịt trắng nõn nà, anh Minh xót xa: "Ngon như này mà phải bỏ đi đấy".

Củ to cũng bỏ đi vì... chả đáng là bao

Theo đúng quy luật "Tháng hai trồng cà, tháng ba trồng đỗ", gia đình anh Hoàng Văn Minh (thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, Mê Linh, Hà Nội) đang trồng cà pháo trên mảnh ruộng 2 sào vừa mới thu hoạch củ cải xong. Giá rẻ quá nhưng gia đình anh cũng đành "bán tháo" với giá 1 triệu đồng/sào 360 m2 (một sào có năng suất khoảng 2 tấn, tính ra mỗi kg củ cải có giá chỉ 500 đồng bán cả ruộng - PV).

Anh Minh xót xa nhìn những củ cải to bằng bắp tay người lớn phải bỏ đi.

"Làm cái ruộng con con còn này mất cả chục triệu, thu bán được mấy triệu bạc. Tổng cộng một ruộng con con thế này, nếu không bán được phải dọn đi, vị chi lỗ hơn chuc triệu. Chưa kể thời gian mất gần 3 tháng chăm sóc. Giống củ cải này chậm lớn hơn các loại củ kia. Củ cải khác làm mùa rét thì chỉ 50 ngày thu hoạch nhưng loại này chịu được thời tiết nóng, phải mất 70 ngày", anh Minh ngao ngán.

Với đặc thù cây cà pháo sinh trưởng rất khỏe nên người nông dân không cần phải dọn ruộng quá sạch, nhìn qua cũng thấy nổi lên trên các luống ruộng là những củ cải trắng bị bỏ lại. Có củ còn nguyên lành, có củ chỉ hơi bị sâu đầu nhưng cũng bị bỏ đi vì giá rẻ quá.



"Những củ này chỉ bị thối trên mặt thôi", anh Minh nói và nhổ dưới ruộng lên một củ cải to cỡ gần 1 cân còn nguyên bùn đất. Bửa củ cải ra để lộ phần thịt trắng nõn, anh Minh đưa lên miệng ăn để chứng minh củ cải ngon lành, an toàn và không hề bị làm sao.

Người đàn ông trạc 40 tuổi này cho biết, để có được những củ cải như thế không đơn giản. Người dân Đông Cao mất bao nhiêu công sức, thuê máy ủi đảo lên đảo xuống, rồi thuê xe chở cát trộn với đất thịt mới làm được loại rau củ này. Ấy vậy mà chưa ăn được lứa củ nào.

Ruộng này trồng được 2 lứa củ, chuẩn bị bán thì nước ngập, hỏng hết. Lứa này được củ to thì lại mất giá. Do đó thiệt hại rất nhiều. "Xót ruột lắm, củ rau to như thế này mà không bán được. Nói vui, những củ này đưa về vùng sâu vùng xa thì nhiều người lấy bán vẫn được tiền", anh Minh thở dài.

Hàng tấn củ cải bị nhổ bỏ, nằm phơi nắng.

Anh Minh chỉ tay về phía bờ ruộng trên, nơi có hàng tấn củ cải đã bị nhổ bỏ, nằm phơi nắng cho héo bớt trước khi được thu dọn. Chúng tôi nhìn mà không khỏi xót xa. Thầm nghĩ về khu chợ nhà mình, nơi củ cải bán với giá 20.000 đồng/kg mà củ chỉ nhỉnh hơn củ cà rốt đôi chút.

Không bán được, chở đổ đi lại mất thêm tiền

Ở một luống ruộng khác, bà Nguyễn Thị Mến (xóm 3 thôn Đông Cao) vừa cuốc đất để phơi ải chuẩn bị trồng rau mùi, vừa trò chuyện với phóng viên. 2 luống đất nơi này cùng 8 luống đất ở vùng ruộng khác được gia đình bà Mến trồng củ cải từ trước Tết nhưng do không bán được đã phải phá bỏ.

Bà Mến xót xa nhớ lại: “Mùng 8, mùng 10 Tết nhà tôi phải dùng công nông chở đổ đi, mệt gần chết. Lỗ hơn 3 triệu đồng tiền giống, phân, chưa tính công hai tháng trời quay nước với chăm nom. Đó là nhà tôi tự chở lấy, không mất tiền thuê. Nếu thuê người ta chở đi thì lại mất 1 triệu đồng/sào tiền công nữa".

Bà Mến cuốc đất trồng rau thơm, sau một mùa củ cải mất trắng

Nhớ lại cảnh tượng chồng thương binh ốm yếu lái công nông, vợ còng lưng bốc củ cải lên xe, bà Mến lại rưng rưng. Thời điểm trước Tết, củ cải bán với giá rất rẻ nên bà con Đông Cao cố gắng đợi đến sau Tết, hi vọng giá lên. Nhưng đến sau Tết tình hình vẫn thế, thậm chí thảm hơn.

“Năm nay giá rẻ kéo dài quá. Mọi năm cũng có lúc giá rẻ 1.000 đồng/kg, thậm chí bán 1 triệu đồng/sào (năng suất khoảng 2 tấn – PV), chịu lỗ nhưng vẫn có người mua. Còn năm nay 1 triệu/sào cũng không có người mua”, bà Mến ngán ngẩm.

Nói về nguyên nhân khiến giá củ cải rẻ như vậy, bà Mến cho biết, năm nay củ cải nhiều, năng suất cao, người ăn thì ít. Năm nay nước sông lên khiến bãi ruộng bị ngập hết. Sau khi nước rút, bà con làm củ cải đại trà, đồng loạt. Đến khi thu hoạch lại rộ lên một thời điểm. Mọi năm, người làm sớm, người làm muộn nên củ cải bán dễ hơn.

Một nguyên nhân nữa là nhiều người tiêu dùng chưa hiểu, thắc mắc “rau Tầu hay sao mà trắng thế, to thế” khiến củ cải khó tiêu thụ. Trong khi thực tế, đây là giống củ cải của Hàn Quốc, Nhật Bản cho năng suất rất cao.

Củ cải đến lứa nhưng người dân không muốn thu hoạch vì giá rẻ

Ông Vũ Bá Thực (sinh năm 1963) là cựu chiến binh xã Tráng Việt, sau khi giải ngũ về địa phương năm 1988, ông tham gia trồng trọt, tăng gia sản xuất. Tuy nhiên, chưa bao giờ ông thấy giá rau củ rớt thảm hại như năm nay.

Ông Thực thừa nhận: “Ở đây bao năm nay trồng củ cải nhưng cũng chưa tính đến việc bao tiêu trước khi trồng. Hợp tác xã bao tiêu không đáng bao nhiêu. Người nông dân bán được hay không chủ yếu do may mắn, dựa hoàn toàn vào thời tiết và thị trường”.

Ngừng tay tưới luống cải ngọt, vợ ông Thực tiếp lời chồng: “Hôm nay bán tại ruộng thì một số nhà đã bán được 4 triệu đồng/sào 3 tấn rồi, tức là hơn 1.000 đồng/kg. Vẫn lỗ nhưng còn hơn mấy hôm trước bán 1 triệu/sào. Lỗ quá to mà người ta còn chả mua cho”.

Sau vụ thu hoạch củ cải này, nhà ông Thực chuyển qua trồng dưa ngọt. Năng suất khoảng hơn 1 tấn/sào, bán giá 13.000 – 15.000 đồng/kg mà lại "an toàn" hơn trồng củ cải.

Bài sau: Mỏi mòn trông chờ giải pháp dài hơi cho củ cải Tráng Việt

Hoàng Dương/Báo Tin tức
Nghịch lý củ cải dư thừa phải đổ bỏ nhưng giá tại chợ vẫn cao gấp nhiều lần
Nghịch lý củ cải dư thừa phải đổ bỏ nhưng giá tại chợ vẫn cao gấp nhiều lần

Mặc dù hàng chục tấn củ cải của nông dân tại xã Tráng Việt (huyện Mê Linh, Hà Nội) được các nhóm tình nguyện, người dân và siêu thị "giải cứu" với giá 5.000 đồng/kg nhưng nghịch lý là giá bán củ cải tại các chợ vẫn cao gấp 4 lần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN