Cổ phiếu ngành du lịch đã qua cơn 'bĩ cực'?

Việc triển khai giãn cách xã hội và đóng cửa một số dịch vụ không thiết yếu tại nhiều tỉnh, thành phố, nhất là các trung tâm du lịch như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… được dự báo sẽ tác động không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng của ngành dịch vụ, du lịch trong năm 2021.

Triển vọng phục hồi của nhóm cổ phiếu ngành du lịch theo đó vẫn khá mù mịt, dù mới đây không ít cổ phiếu ghi nhận sự tăng giá khá mạnh.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: TTXVN

Mở cửa phiên giao dịch sáng 30/6, cổ phiếu NVT của Công ty cổ phần Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay bất ngờ nhận được dòng tiền lớn và tăng trần ngay từ đầu phiên. Tuy nhiên, áp lực chốt lời diễn ra khá mạnh, có thời điểm chuyển sang sắc đỏ. Cuối phiên sáng, NVT duy trì được sắc xanh, giao dịch ở mức 11.100 đồng/cổ phiếu, tăng 2,3% so với phiên trước đó.

Đáng chú ý, trong 2 phiên 28 và 29/6, giao dịch của cổ phiếu NVT rất tích cực khi liên tiếp tăng trần sau một tuần giảm điểm hoặc chỉ đứng ở mức giá tham chiếu. So với thời điểm cuối tháng 5/2021, cổ phiếu NVT đã tăng hơn 24%.

HOT - cổ phiếu của Công ty cổ phần Du lịch Dịch vụ Hội An cũng có mức tăng đáng kể trong tháng 6/2021 khi tăng 38% so với cuối tháng 5. Đặc biệt, kể từ phiên giao dịch ngày 17/6 đến nay, HOT đã có tới 5/9 phiên tăng trần.

Cổ phiếu DAH của Công ty cổ phần Tập đoàn Khách sạn Đông Á tuy giao dịch kém tích cực trong ngày 30/6, với mức giảm sàn 6,72%, song trước đó cổ phiếu này đã có đà tăng điểm khá tích cực khi tăng gần 16% trong 1 tháng gần đây và tăng hơn 77% sau 3 tháng. Hiện HOT giao dịch quanh mốc 11.000 đồng/cổ phiếu.

Diễn biến của cổ phiếu VTR của Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel) cũng khá tích cực trong tháng 6 khi có chuỗi tăng liên tiếp kể từ ngày 3 - 28/6. Hiện VTR giao dịch ở mức 34.200 đồng/cổ phiếu và tăng 6% sau 1 tháng qua.

Các cổ phiếu du lịch khác cũng ghi nhận có tín hiệu hồi phục trong 1 tháng gần đây như: cổ phiếu VTD của Công ty cổ phần Du lịch Vietourist tăng hơn 11%; TCT của Công ty cổ phần Cáp treo Núi Bà Tây Ninh tăng 6%; VNG của Công ty cổ phần Du lịch Thành Thành Công tăng 6%...

Tuy nhiên, nếu xét lịch sử giao dịch của các cổ phiếu ngành du lịch thì nhiều cổ phiếu vẫn đang giảm mạnh trong vòng 1 năm gần đây. Chẳng hạn DAH trượt về mức giá đáy 4 năm, giảm 34% sau 1 năm; VTR giảm gần 8%; HOT giảm hơn 18%...

Việc sụt giảm về thị giá của cổ phiếu nhóm này tương thích với kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Cú sốc COVID-19 liên tiếp giáng xuống ngành du lịch khiến du lịch nội địa cũng khó khai thác. Mảng lưu trú, lữ hành… hầu như không có doanh thu.

Trong khi doanh thu không có, các khoản chi phí bảo trì, vệ sinh, an ninh… vẫn phải chi trả để hạn chế tối đa tình trạng xuống cấp của tài sản và trang thiết bị cộng thêm áp lực duy trì bộ máy, lao động, lãi vay ngân hàng… khiến nhiều doanh nghiệp kiệt quệ.

Trong quý I/2021, DAH báo lỗ quý thứ 3 liên tiếp với khoản lỗ sau thuế hơn 5,5 tỷ đồng, dù doanh thu tăng gần 19% (đạt hơn 5,3 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2020. So với kế hoạch kinh doanh được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên thường niên 2021, DAH chỉ mới thực hiện được 1% chỉ tiêu doanh thu và 12,8% kế hoạch lợi nhuận.

Quý I/2021 cũng là quý thứ 3 liên tiếp VNG thua lỗ, với hơn 9,4 tỷ đồng. Doanh thu của HOT trong quý 1 cũng chỉ bằng 12,8% so với cùng kỳ khiến công ty lỗ hơn 7,3 tỷ đồng…

Cùng với kết quả kém khả quan do ảnh hưởng của đại dịch, nhiều cổ phiếu trong ngành du lịch hiện nằm trong diện bị cảnh báo do lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính năm 2020 là số âm. Bởi theo quy định của các Sở giao dịch chứng khoán, cổ phiếu những trường hợp này thuộc diện bị cảnh báo. Mặt khác, thanh khoản của nhóm cổ phiếu này vẫn còn khá thấp. Đây được xem là "điểm trừ" lớn nhất khiến cổ phiếu ngành du lịch chưa thực sự thu hút nhiều sự quan tâm của giới đầu tư.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 ở nhiều tỉnh, thành phố, điều dễ thấy là triển vọng phục hồi của các doanh nghiệp du lịch cũng như nhóm cổ phiếu du lịch vẫn còn là ẩn số. Mọi hoạt động trong ngành này hiện gần như tê liệt, nhiều doanh nghiệp ngưng hoạt động.

Ngành du lịch đang kỳ vọng vào các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cũng như việc đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 ra cộng đồng để có thể kích hoạt nhanh ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Khi đó, cổ phiếu của các doanh nghiệp du lịch sẽ trở nên hấp dẫn hơn và có giá trị tăng trưởng bền vững dài hạn.

H.Chung (TTXVN)
Ngành du lịch Thủ đô cơ cấu lại các sản phẩm du lịch mới, thu hút khách du lịch nội địa 
Ngành du lịch Thủ đô cơ cấu lại các sản phẩm du lịch mới, thu hút khách du lịch nội địa 

Theo Sở Du lịch Hà Nội, 6 tháng qua, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 2,9 triệu lượt khách, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN