Có lo mất thương hiệu Việt khi thoái vốn Nhà nước?

Từ thương vụ Sabeco được giới đầu tư ngoại chi số tiền “khủng” để sở hữu, nhiều ý kiến lo ngại sau này các thương hiệu doanh nghiệp nhà nước lớn mạnh sẽ bị nước ngoài thâu tóm. Ngày 25/12, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã trả lời báo giới xung quanh vấn đề này.

Mới đây, Công ty TNHH Vietnam Beverage có liên quan tới một đại gia Thái Lan đã chi gần 110.000 tỷ đồng (4,8 tỷ USD) để mua tới 53% cổ phần Sabeco. Có ý kiến cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài “cố tình” lách luật đầu tư của Việt Nam để gián tiếp sở hữu trên 50% vốn. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính). Ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức.

Theo tôi, khi nền kinh tế hội nhập thì cần sẵn sàng mời gọi nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật. Doanh nghiệp Việt Nam có quy mô lớn hiện phần lớn là doanh nghiệp Nhà nước trong khi doanh nghiệp tư nhân mới đi lên và sức bền vững không có. Vì thế, giải phóng nguồn lực từ các doanh nghiệp nhà nước là xu hướng tất yếu. Tất nhiên, có những lĩnh vực nhà đầu tư nước ngoài không thể tham gia.

Trong “sân chơi" này, những nhà đầu tư có tiềm lực mạnh hơn, người đó sẽ mua được doanh nghiệp lớn. Trước khi thực hiện đấu giá, Chính phủ đã kêu gọi cả nhà đầu tư trong và ngoài nước, sau đó đấu giá công khai. Với thương vụ lớn như Sabeco phải có nhà đầu tư tiềm lực lớn mới mua với giá cao như vậy.

Nguyên tắc thoái vốn là theo cơ chế thị trường, tất cả cùng có cơ hội đấu giá. Trường hợp của Sabeco, nhà đầu tư ngoại họ trả giá cao và mua được thì chúng ta cũng có khoản tiền lớn dành cho đầu tư phát triển. Tiếc nuối thương hiệu là một vấn đề nhưng cũng phải ưu tiên phục vụ cho mục tiêu phát triển.

Nhà đầu tư ngoại đã chi gần 110.000 tỷ đồng (4,8 tỷ USD) để mua tới 53% cổ phần Sabeco. Ảnh: Công Thử/TTXVN

Trong quy định về đấu giá bán cổ phần, chúng ta không nên phân biệt yếu tố trong nước và nước ngoài. Mỗi thương vụ đều có những quy định rõ ràng và nhà đầu tư đảm bảo đúng nguyên tắc, quy chế đấu giá. Trong trường hợp nếu sau này, đơn vị trên xâm phạm lợi ích người tiêu dùng Việt Nam thì cơ quan có quyền lên án, xử lý còn ngược lại chúng ta cần phải trân trọng.

Với các thương hiệu lớn, sau thoái vốn, Nhà nước sẽ có cơ chế gì để bảo vệ thương hiệu Việt?

Trước lo ngại thương hiệu Việt bao năm được "chăm bẵm" giờ lại rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài và nguy cơ bị mất, tôi cho rằng, điều quan trọng là khi ký kết hợp đồng, ta phải có những điều kiện ràng buộc. Tất nhiên, việc giữ được thương hiệu hay không còn do thị trường, người dùng quyết định.

Trước khi chào bán, các nhà đầu tư đăng ký tham gia đều phải cam kết giữ lại các thương hiệu Việt. Nhà đầu tư nếu không thực hiện đúng cam kết sẽ có cơ chế để xử lý. Nhà đầu tư trong hay ngoài nước đều phải tuân thủ pháp luật, vì quyền lợi người dân Việt Nam, nhà nước bảo hộ các quyền đó. Nhà đầu tư nước ngoài họ tuân thủ các quy định đó thì không có lý do gì chúng ta cấm người ta được, cũng không ưu ái gì. Không phải vì nhà đầu tư Việt Nam không mua được mà đánh đổi quyền lợi người dân và không bán cho nước ngoài.

Số tiền gần 5 tỷ USD thu được từ bán cổ phần Sabeco sẽ được sử dụng ra sao cho hiệu quả, thưa ông?

Theo kế hoạch ngày 28/12, số tiền trên sẽ được chuyển về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Quỹ này được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước. Mọi địa chỉ đầu tư đều đã có trong danh mục Quốc hội thông qua. Tiền lãi thu được từ các thương vụ sẽ được hoàn lại quỹ này. Quỹ có mục tiêu không chỉ tạo nguồn cân đối ngân sách đầu tư mà còn chi giải quyết vấn đề lao động dôi dư trong cổ phần hoá.

Việc thoái vốn vừa qua ở Sabeco hay Vinamilk và các doanh nghiệp khác trước đó đều là để tạo nguồn cho việc chi đầu tư các dự án theo Nghị quyết của Quốc hội. Quốc hội đã phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn, trong đó riêng nguồn từĐậm cổ phần hóa, thoái vốn phải sắp xếp là 250.000 tỷ đồng để phục vụ mục tiêu đầu tư.

Ông cho biết tình hình thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp trong năm nay?

Về thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp: Năm 2017 có 10 đơn vị thực hiện thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có 8 đơn vị thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2017 và 2 đơn vị thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2018.

Thoái vốn đầu tư vào các ngành không thuộc ngành sản xuất kinh doanh chính của các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước: Năm 2017 các đơn vị đã thoái được 182 tỷ đồng, thu về 292 tỷ đồng tại 5 lĩnh vực nhạy cảm; và thoái được 1.803 tỷ đồng, thu về 2.953 tỷ đồng tại các lĩnh vực khác ngoài 5 lĩnh vực nhạy cảm.

Trong năm 2017, SCIC đã bán vốn tại 40 doanh nghiệp với giá trị là 1.903 tỷ đồng, thu về 21.639 tỷ đồng (trong đó bao gồm cả số thoái của Vinamilk trong năm 2016 với giá trị sổ sách 783,7 tỷ đồng, thu về 11.286,4 tỷ đồng và thoái trong năm 2017 với giá trị sổ sách là 247 tỷ đồng, thu về 8.990 tỷ đồng).

Xin cảm ơn ông!

Minh Phương/Báo Tin tức
Thoái vốn của Sabeco sẽ mở ra nhiều hướng tại các doanh nghiệp khác
Thoái vốn của Sabeco sẽ mở ra nhiều hướng tại các doanh nghiệp khác

Buổi chào bán cạnh tranh lịch sử tại Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HOSE: SAB) với giá khởi điểm 320.000 đồng/cổ phiếu chiều 18/12 chỉ có hai nhà đầu tư tham gia đã thành công tốt đẹp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN