Chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm bất chấp loạt biện pháp mới của FED

Mở đầu phiên giao dịch ngày 23/3, chứng khoán Mỹ vẫn tiếp tục giảm điểm dù Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố một loạt các biện pháp để hỗ trợ nền kinh tế chịu tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chú thích ảnh
 Giao dịch tại thị trường chứng khoán New York, Mỹ ngày 16/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Cụ thể, ngay sau khi mở cửa, chỉ số Dow Jones giảm 348,26 điểm (tương đương 1,82%), xuống mức 18.825,72. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 giảm 33,03 điểm (1,43%) xuống mức 2.271,89. Chỉ số chứng khoán công nghệ Nasdaq giảm 21,45 điểm (0,31%), xuống 6.858,06.

Tương tự, đồng USD cũng tiếp tục trượt giá so với những đồng tiền khác sau những biện pháp của FED. Đồng euro tiếp tục tăng giá trị so với đồng USD và tăng 0,7% lên mức tương đương với 1,07825 USD trong khi đồng AUD cũng tăng 0,4% lên mức tương đương với 0,58305 USD.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, chứng khoán Mỹ vẫn "tụt dốc" kể cả khi FED tuyên bố sẽ mua không giới hạn các trái phiếu nhà nước và chứng khoán có đảm bảo bằng tài khoản thế chấp để hỗ trợ thị trường hoạt động hiệu quả hơn trong bối cảnh dịch bệnh gây nhiều bất ổn.

Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) - nơi hoạch định các chính sách tiền tệ của FED - đã tuyên bố sẽ mua một lượng trái phiếu kho bạc và chứng khoán được thế chấp không giới hạn và mở ba cơ sở mới để mua nợ của các công ty. Việc đóng cửa các nhà hàng, quán bar, địa điểm giải trí, sự kiện xã hội, những khu vực tụ tập đông người và hoạt động bán lẻ nhằm làm chậm sự lây lan của dịch COVID-19 đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Mỹ. Hàng chục ngàn người Mỹ đã đăng ký bảo hiểm thất nghiệp.     

Cũng trong ngày 23/3, FED tuyên bố sẽ thành lập ba cơ sở để đảm bảo các công ty có cơ hội tiếp cận tín dụng và tài chính, bao gồm việc hỗ trợ mua trái phiếu doanh nghiệp mới phát hành và nợ, mua trái phiếu doanh nghiệp tồn đọng. Ngoài ra, các cơ sở này sẽ thúc đẩy các hoạt động mua bán trái phiếu được các khoản vay sinh viên, các khoản vay tự động, khoản vay thẻ tín dụng hỗ trợ và các khoản vay được bảo đảm Cơ quan Quản lý doanh nghiệp nhỏ bảo đảm.

Hồi đầu tháng này, trong một động thái chưa từng có tiền lệ, FED đã cắt giảm lãi suất khẩn cấp lần thứ hai trong vòng hai tuần, đưa lãi suất xuống biên độ dao động quanh mức 0%. FED cũng thực hiện một chương trình nới lỏng định lượng quy mô lớn, cam kết tăng cường mua thêm trái phiếu với tổng trị giá ít nhất là 700 tỷ USD như một biện pháp tăng thanh khoản cho các thị trường chứng khoán và giữ lãi suất ở mức thấp.

Tuy nhiên, những biện pháp này vẫn không thể cải thiện niềm tin thị trường khi chứng khoán phố Wall vẫn tiếp tục giảm điểm và kết thúc tuần 20/3 vừa qua, chỉ số Dow Jones giảm 17,3%, S&P giảm 14,98% và Nasdaq giảm 12,64%, và ghi nhận tuần giao dịch tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Chuyên gia Craig Erlam từ OANDA Europe cho rằng FED đang làm mọi việc trong quyền hạn để giúp nền kinh tế đi qua giai đoạn khó khăn này. Chuyên gia này cũng cho rằng điều mà các nhà đầu tư mong chờ hơn cả là chính sách của chính phủ để hỗ trợ nền kinh tế, thông qua các biện pháp tài khóa.

Lê Ánh - Đại Thắng (TTXVN)
Thị trường chứng khoán liên tục giảm mạnh, USD trở thành kênh đầu tư được ưa chuộng
Thị trường chứng khoán liên tục giảm mạnh, USD trở thành kênh đầu tư được ưa chuộng

Trong những ngày gần đây, thị trường chứng khoán liên tục giảm mạnh, giá vàng thế giới lẫn trong nước cũng biến động không ngừng, tuy nhiên, vàng không được nhà đầu tư xem là kênh tài sản an toàn như trước đây mà  USD trở thành kênh đầu tư duy nhất trong thời điểm này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN