Chứng khoán có thể vẫn sẽ chịu tác động tiêu cực từ dịch COVID-19

Nhận định về diễn biến thị trường chứng khoán tuần tới, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt nêu quan điểm, trong ngắn hạn, rủi ro vẫn ở mức khá cao và nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ các quyết định mua bán, theo hướng đề cao việc bảo toàn vốn.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Chứng khoán KIS cũng cho rằng, trong ngắn hạn, tâm lý thị trường đang trở nên hoảng loạn khi áp lực bán cao trên toàn thị trường. Do đó, rủi ro điều chỉnh duy trì ở mức cao.

Các nhà phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt - BVSC thì có cái nhìn lạc quan hơn khi cho rằng, VN-Index bước đầu kiểm định thành công vùng hỗ trợ 710 - 740 điểm trong phiên cuối tuần, qua đó VN-Index được kỳ vọng sẽ có diễn biến khởi sắc hơn trong tuần kế tiếp.

“Trạng thái quá bán của các nhóm cổ phiếu trên thị trường đang xuất hiện trên diện rộng. Điều này đang ủng hộ cho khả năng thị trường sớm bước vào nhịp hồi phục ngắn hạn”, BVSC nêu quan điểm.

Dù vậy, BVSC cũng lưu ý rằng, kể cả trong kịch bản hồi phục, chỉ số cũng sẽ phải trải qua các nhịp rung lắc mạnh và có thể có thêm một vài lần kiểm định lại vùng hỗ trợ 710 - 740 điểm.

Lý lẽ được chuyên gia của BVSC đưa ra là thị trường hiện tại vẫn chịu tác động tiêu cực từ những diễn biến bất ngờ của dịch bệnh COVID-19 và áp lực bán ròng liên tục của khối ngoại. Ngoài ra, nửa cuối tuần tới sẽ là thời điểm đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 3/2020 và hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs (Quỹ hoán đổi danh mục). Do đó, thị trường có thể sẽ chịu biến động mạnh trong những phiên cuối tuần.

Nhìn lại diễn biến giao dịch tuần qua, Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho biết, tuần qua (từ 9 - 13/3), VN-Index mất đến 129,66 điểm (14,5%), đây là tuần giảm mạnh nhất của VN-Index trong giai đoạn từ 2012 trở lại đây (khi mà biên độ trên VN-Index được nâng từ 5% lên 7% mỗi phiên). Trong khi đó HNX-Index cũng giảm tới 10,8% xuống mức 101,38 điểm.

Các nhà phân tích từ SHS cho rằng, nguyên nhân của tuần "đổ vỡ" này của thị trường được cho là do dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu, nhất là tại châu Âu. Trong khi đó, diễn biến tại châu Á mà tiêu biểu là Trung Quốc và Hàn Quốc đang dần được kiểm soát.

Bên cạnh đó, việc giá dầu thế giới giảm mạnh cũng dấy lên những lo sợ của nhà đầu tư về một giai đoạn suy thoái của nền kinh tế thế giới có thể sớm diễn ra. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh với hơn 2.000 tỷ đồng trên toàn thị trường trong tuần qua là một điểm nhấn tiêu cực cần lưu ý, SHS khuyến nghị.

Sự suy yếu của các mã cổ phiếu vốn hóa lớn là nguyên nhân chính tác động tiêu cực lên thị trường. Cụ thể, bộ 3 cổ phiếu họ Vingroup giảm giá rất sâu, VIC giảm tới 12,3%, VHM giảm 11,2%, VRE giảm 15,8%.

Nhóm cổ phiếu dầu khí giảm mạnh nhất thị trường với các mã trụ cột như: GAS giảm 29,8%, PLX (27,3%), PVD (24,1%), PVS (27,2%), BSR (16%), OIL (11,3%)...

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường là ngân hàng cũng giảm mạnh với các mã như VCB giảm 16%, CTG (14,9%), BID (25,3%), VPB (18,2%), TCB (17,2%), HDB (17,9%), MBB (17,2%)...

Nhóm thực phẩm - đồ uống cũng không thoát khỏi cảnh giảm sâu với SAB giảm 11,9%, MSN (8,5%), VNM (4,7%)...

Giới chuyên gia cho rằng, việc cổ phiếu giảm sâu có nguyên nhân chính đến từ diễn biến ngày càng xấu đi của dịch bệnh COVID-19.

Chứng khoán Âu Mỹ có một tuần “đáng quên” sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo đó, trên thị trường chứng khoán Mỹ, tính chung trên cả tuần, chỉ số Dow Jones đã để mất tới 10,4%. Chỉ số S&P 500 lùi 8,8% trong khi chỉ số Nasdaq giảm 8,2%.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu vẫn mất điểm khá sâu trong cả tuần qua, Cụ thể, chứng khoán London đã giảm tới 17%, chứng khoán Frankfurt và Paris đều lùi 20%, trong khi chứng khoán Milan để mất tới 23%.

Theo các chuyên gia từ chuyên trang tài chính FXEmpire, dù các thị trường đã phục hồi nhất định trong phiên ngày thứ Sáu (13/3), nhưng xu hướng này không chắc chắn sẽ kéo dài trong tuần tới. Nếu các chính phủ trên toàn thế giới đưa ra chính sách nào vào cuối tuần này để giúp làm dịu thị trường, thì nhà đầu tư hoàn toàn có thể lạc quan hơn vào tuần giao dịch tới đây.

Thực tế, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, chính phủ các nước đã có những chính sách nhằm thích nghi và chuẩn bị cho rủi ro.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh New York ngày 12/3 thông báo chi 1.500 tỷ USD để mua các tài sản tài chính, trong nỗ lực lớn nhằm bơm tiền vào thị trường trái phiếu giữa lúc thị trường Phố Wall đang “hoảng loạn” do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Sự can thiệp của Fed vào thị trường tài chính cho thấy, sự thay đổi đáng kể trong kế hoạch của ngân hàng trung ương để giảm nợ và nắm giữ chứng khoán từ cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế năm 2008.

Tại Việt Nam, ngày 12/3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Thông tư có các quy định pháp lý cụ thể về cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn giảm lãi, phí; giữ nguyên nhóm nợ và trách nhiệm của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước.

Quan điểm xây dựng Thông tư là tạo điều kiện tối đa về thẩm quyền trách nhiệm để các tổ chức tín dụng phối hợp cùng với khách hàng vay vốn xem xét quyết định mức độ thời gian, hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu các khoản vay, các khó khăn do tác động của dịch bệnh.

Đồng thời, Thông tư mới cũng làm rõ trách nhiệm của các tổ chức tín dụng và khách hàng vay vốn khi thực hiện chính sách hỗ trợ này, đảm bảo đúng đối tượng, tính khách quan và không được lợi dụng. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 13/3/2020. Trong các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chính sách cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi vay được các doanh nghiệp đặc biệt mong chờ, vì đây là sự hỗ trợ thiết thực nhất với doanh nghiệp hiện nay.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Tú cho biết, bên cạnh những giải pháp được đưa ra gần đây để hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu và sớm đưa ra quyết định về giảm lãi suất điều hành trong thời gian tới.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, giảm lãi suất điều hành là một cơ chế chính sách, giải pháp giúp tổ chức tín dụng có thanh khoản dồi dào, có thêm điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước sớm có điều chỉnh lãi suất điều hành, áp dụng với ngân hàng thương mại, cụ thể là lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, OMO…

“Về thời điểm giảm lãi suất điều hành, Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc, song mức giảm lãi suất lần này sẽ tương đối tích cực”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay.

Hiện nay, nhiều ngân hàng đã tung ra các gói tín dụng lớn với lãi suất cho vay giảm từ 0,5 - 1,5% để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Tuy vậy, nhóm phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt - BVSC nêu quan điểm, có thể thấy các biện pháp hỗ trợ hiện giờ đang được thực hiện với mục đích giúp các doanh nghiệp tạm thời tránh phá sản do thiếu dòng tiền. Mấu chốt của vấn đề chỉ được giải quyết khi dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát. Do vậy, nhiều khả năng diễn biến thị trường sẽ tiếp tục tiêu cực cho đến khi tình hình kiểm soát bệnh dịch có chuyển biến tích cực hơn.

Văn Giáp (TTXVN)
Xử lý nhanh hồ sơ chứng khoán để gỡ khó cho doanh nghiệp
Xử lý nhanh hồ sơ chứng khoán để gỡ khó cho doanh nghiệp

Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Trần Văn Dũng, thay vì xử lý hồ sơ theo thời gian quy định, lãnh đạo UBCKNN đã chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tốc độ xử lý hồ sơ của doanh nghiệp lên mức cao nhất. Có trường hợp, hồ sơ được giải quyết trong một ngày, thậm chí có thể ngắn hơn để chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và thị trường chứng khoán (TTCK) trong bối cảnh dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN