Chi trong phạm vi dự toán được giao, tiết kiệm chi phí thường xuyên

Một trong những nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước (NSNN) quan trọng đặt ra trong năm nay là tăng cường kỷ luật tài chính - NSNN, tiết kiệm, chống lãng phí. Phóng viên báo Tin tức đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng xung quanh vấn đề này.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: TTXVN.

Thưa Bộ trưởng, một vấn đề đặt ra khiến nhiều chuyên gia lo ngại về áp lực chi trả nợ. Trong Báo cáo công khai dự toán NSNN năm 2019 Chính phủ trình Quốc hội, cơ quan chức năng chỉ liệt kê dự toán chi trả nợ lãi vay 124.800 tỷ đồng nhưng không có chi trả nợ gốc. Kiểm toán Nhà nước đã bày tỏ lo lắng, khoản chi trả nợ gốc năm 2019 khoảng 197.000 tỷ đồng, Bộ trưởng nghĩ gì về lo lắng này?

Trong giai đoạn 2013 - 2015, nền kinh tế chịu tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, để có nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ, ổn định kinh tế vĩ mô, chống chịu với các tác động từ bên ngoài, NSNN đã phải huy động một khối lượng lớn nguồn lực trong điều kiện thị trường vốn trong nước chưa phát triển, với kỳ hạn vay nợ chủ yếu là từ 3 - 5 năm, dẫn đến nhu cầu trả nợ gốc tăng nhanh trong một vài năm gần đây (năm 2017 là 144.000 tỷ đồng, 2018 là 146,77 nghìn tỷ đồng, 2019 dự kiến là 181,97 nghìn tỷ đồng; nếu tính cả chi trả nợ gốc của ngân sách địa phương (NSĐP), thì tổng số chi trả nợ gốc năm 2019 là 197.000 tỷ đồng).

Tuy nhiên, thực hiện cơ cấu lại NSNN theo Nghị quyết số 07/NQ-TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 25/2015/QH14 đã tích cực cơ cấu nợ công cả về kỳ hạn, lãi suất, cơ cấu vay trong nước và ngoài nước, cơ cấu nhà đầu tư theo hướng bền vững hơn. 

Cộng với việc kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Quốc hội; nên mặc dù chi trả nợ gốc tăng nhanh, nhưng tổng quy mô huy động của ngân sách Trung ương đã được kéo xuống thấp hơn quy mô huy động lên cao những năm 2014 là 441.000 tỷ đồng, năm 2015 là 446,6 nghìn tỷ đồng (tổng mức vay năm 2016 là 389,1 nghìn tỷ đồng; năm 2017 là 316,3 nghìn tỷ đồng; năm 2018 là 341,7 nghìn tỷ đồng; dự toán năm 2019 là 391,5 nghìn tỷ đồng) và đặc biệt quy mô nợ công tính theo GDP sau nhiều năm tăng đã có xu hướng giảm (năm 2016 là 63,7%, năm 2017 là 61,4%, năm 2018 dự kiến khoảng 61%, dự toán năm 2019 là 61,3%). Trong khi đó, thị trường tài chính cùng kỳ đã có sự phát triển đáng kể. Vì vậy, việc huy động vốn cho NSNN không tạo ra các áp lực đối với thị trường.

Các năm tới, theo kế hoạch, thì quy mô chi trả nợ gốc tiếp tục tăng. Tuy nhiên, triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Quốc hội về cơ cấu lại NSNN, kiểm soát bội chi ở mức 3,6% GDP năm 2019 và 3,4% GDP năm 2020; cơ cấu lại nợ công theo kế hoạch trung hạn về nợ đã báo cáo cấp thẩm quyền, thì quy mô nợ công (đã bao gồm cả phần huy động để chi trả nợ gốc đến hạn) có xu hướng giảm, nền tài chính quốc gia bền vững hơn. 

Trong điều kiện các nguồn thu ngân sách khó khăn hơn trước, các biện pháp giảm chi sẽ tiếp tục được thực hiện như thế nào trong năm 2019, thưa Bộ trưởng?

Năm nay, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo: Tổ chức giao dự toán chi NSNN cho các đơn vị sử dụng ngân sách khẩn trương, đảm bảo nguyên tắc phân bổ, giao dự toán chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước phải tuân thủ đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn; phân bổ tập trung, chống dàn trải; tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, các công trình cấp thiết dở dang; ưu tiên đối ứng cho các dự án ODA quan trọng, xử lý nợ đọng và thu hồi vốn ứng trước.

Trong tổ chức thực hiện chi NSNN, chỉ được chi trong phạm vi dự toán ngân sách được giao; cơ quan tài chính, Kho bạc nhà nước tổ chức điều hành ngân sách trong phạm vi dự toán được duyệt, thực hiện kiểm soát chi chặt chẽ bảo đảm theo đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định.

Thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, giảm mạnh kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị chặt chẽ, đúng quy định; đẩy mạnh việc thực hiện khoán sử dụng xe công; không bố trí dự toán chi cho các chính sách chưa ban hành; chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách nhà nước khi thật sự cần thiết và có nguồn bảo đảm. 

Giải pháp tiếp theo là tăng cường công tác kiểm soát chi, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán NSNN nghiêm minh. Thường xuyên kiểm tra việc tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách ở các đơn vị, ngân sách cấp dưới; trên cơ sở đó kịp thời phát hiện, xử lý sai phạm; làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân và thực hiện chế độ trách nhiệm đối với thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách trong quản lý điều hành ngân sách khi để xảy ra thất thoát, lãng phí, sử dụng ngân sách sai chế độ, chính sách. Đồng thời, đẩy mạnh công khai sử dụng NSNN, tài sản công theo quy định của Luật NSNN, Luật quản lý và sử dụng tài sản nhà nước.

Thưa Bộ trưởng, việc giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản thấp, nhất là từ nguồn trái phiếu Chính phủ dẫn đến lãng phí NSNN. Bộ Tài chính có đề xuất gì để cải thiện tình trạng này năm 2019, thưa Bộ trưởng?

Qua theo dõi tình hình giải ngân vốn đầu tư kế hoạch năm 2018 cho thấy, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) năm 2018 đạt rất thấp so với kế hoạch vốn năm 2018 Chính phủ giao. Số vốn giải ngân cao hơn về số tuyệt đối nhưng thấp hơn về tỷ lệ so với cùng kỳ năm 2017 (số vốn giải ngân đến thời điểm ngày 15/12/2017 là 225.155,1 tỷ đồng, đạt 65,5 % kế hoạch năm 2017). 

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư XDCB, Bộ Tài chính đã kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung vào việc sửa đổi các vướng mắc về cơ chế chính sách quy định tại Luật Xây dựng,  Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn,... tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi để các dự án triển khai theo đúng tiến độ với chất lượng cao. Tiếp tục hài hòa quy trình, thủ tục với các nhà tài trợ, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư, đấu thầu, quản lý tài chính, kiểm toán... Qua đó, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, đơn giản hóa quy trình, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Liên quan tới các dự án ODA, chỉ đạo các chủ dự án, các Bộ ngành địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đồng thời đánh giá điều chỉnh kế hoạch vốn cho phù hợp với tiến độ thực hiện các dự án, thúc đẩy giải ngân nhanh các dự án ODA.

Đối với các bộ, ngành, địa phương đề nghị tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 3/8/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công và các nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ, phấn đấu giải ngân 100% dự toán chi đầu tư phát triển được giao.

Chỉ đạo các chủ đầu tư cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, khẩn trương thanh toán khối lượng đã hoàn thành tại Kho bạc Nhà nước theo quy định. Đối với các dự án đang trong giai đoạn quyết toán, cần đẩy nhanh tiến độ quyết toán các dự án hoàn thành.

Đề nghị các Bộ, ngành, địa phương rà soát tiến độ thực hiện các dự án, thực hiện điều chỉnh kế hoạch vốn theo thẩm quyền đối với dự án nhằm đẩy mạnh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn năm 2018. Đối với các dự án trọng điểm quốc gia, các Bộ, ngành địa phương rà soát tiến độ thực hiện các dự án báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để điều chỉnh kế hoạch vốn từ công trình dự án chậm thực hiện sang các dự án có tiến độ giải ngân nhanh còn thiếu kế hoạch vốn.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trường!

Minh Phương/Báo Tin tức
Thu ngân sách tháng đầu năm tăng 7,5%
Thu ngân sách tháng đầu năm tăng 7,5%

Ngày 1/2, Bộ Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước tháng 1 ước đạt 144,6 nghìn tỷ đồng, bằng 10,2% dự toán, tăng 7,5% so cùng kỳ năm 2018. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN