Cẩn trọng trước biến động của giá cá tra

Những ngày cuối tháng 2/2017, giá cá tra thương phẩm tại Đồng bằng sông Cửu Long đã chạm ngưỡng 26.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi cá tra đang có lãi từ 4.000 - 5.000 đồng/kg.

Chuyển cá từ bến đưa đi chế biến. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Đây là mức lãi rất cao sau nhiều năm bị thua lỗ liên tục. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, người nuôi cần tỉnh táo, tránh tình trạng tự phát thả nuôi ồ ạt rồi lại phải “bán đổ, bán tháo”.

Theo kế hoạch của Tổng cục Thủy sản, năm 2017, diện tích nuôi cá tra thương phẩm từ 5.000 ha đến 5.500 ha, sản lượng trên 1,15 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu trên 1,7 tỷ USD.

Còn theo số liệu của Hiệp hội Cá tra Việt Nam, hiện nay, diện tích nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu là của doanh nghiệp và có liên kết với doanh nghiệp. Số ao nuôi tự phát của nông dân chỉ chiếm dưới 15%, tập trung ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long.

Toàn vùng hiện có 1.104 ao nuôi cá tra thương phẩm với tổng diện tích hơn 12,3 triệu m2. Theo bà Võ Thị Thu Hương, Phó Tổng Thư ký, Hiệp hội Cá tra Việt Nam, các nhà máy chế biến cá tra đều chủ động nguồn nguyên liệu ở mức 70% đến 80%, nhất là các nhà máy lớn, hầu như rất ít thu mua từ bên ngoài. Do đó, những người nuôi tự phát mà không liên kết với doanh nghiệp khi thấy giá cá tăng cao mà thả nuôi rất dễ bị thua lỗ nếu giá cá quay đầu sụt giảm.

Cũng theo bà Hương, trong tháng 2/2017, số lượng doanh nghiệp làm chứng từ xuất nhập khẩu cá tra đã giảm 50% và các tháng đầu năm cũng không phải là mùa xuất khẩu cao điểm như các tháng cuối năm. Bên cạnh đó, giá cá tra thương phẩm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí ao nuôi với nhà máy, phương thức thanh toán một lần hay trả chậm.

Đối với những ao nuôi gia công liên kết với doanh nghiệp thì giá cá đã được ký kết ngay từ đầu. Dù cho thị trường có biến động ra sao thì những hộ nuôi này cũng không bị ảnh hưởng.

Với đặc thù là cần vốn đầu tư rất lớn nên những hộ nuôi cá tra nếu không liên kết với doanh nghiệp mà tự ý đầu tư thì việc thua lỗ là điều khó tránh.

Theo khuyến cáo của Hiệp hội Cá tra Việt Nam, người nuôi muốn tránh thiệt hại và thành công với nghề nuôi cá tra thì cần phải tìm hiểu kỹ thị trường, có sự liên kết hoặc ký hợp đồng nuôi gia công với các doanh nghiệp thì giá cả có cao hay thấp cũng sẽ không bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm, Hợp tác xã Cá tra Thới An (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) cho rằng, cũng như các sản phẩm nông nghiệp khác, thành bại của nghề nuôi cá tra chủ yếu nằm ở con giống. Từ nhiều năm qua, chất lượng cá tra giống ở Đồng bằng sông Cửu Long luôn ở mức thấp. Theo ông Hải, tỷ lệ hao hụt từ khi ương cá giống đến lúc đạt kích cỡ có thể xuất khẩu được lên đến 40% đến 50%, đó là sự lãng phí rất lớn.

“Tại sao mình không có những trung tâm sản xuất cá tra giống chất lượng cao để giảm giá thành và nâng cao chất lượng khi mà cá tra đã được xác định là sản phẩm xuất khẩu chủ lực quốc gia?”, ông Hải đặt câu hỏi.

Ngoài ra, ông Hải cũng góp ý các doanh nghiệp và Nhà nước cần quan tâm đến việc đầu tư cho khâu chế biến sau thu hoạch, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn từ con cá tra. Từ đó, mới có thể nâng cao vị thế của con cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Thanh Liêm (TTXVN)
Nông dân vẫn ngại thả nuôi dù cá tra tăng giá
Nông dân vẫn ngại thả nuôi dù cá tra tăng giá

Trong những ngày cuối tháng 2/2017, giá cá tra nguyên liệu ở Đồng bằng sông Cửu Long đã chạm ngưỡng 25.000 đồng/kg và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN