Cận Tết, lại căng mình ngăn thực phẩm bẩn

Là địa phương có sức tiêu thụ thực phẩm lớn nhất cả nước và có đến 80% thực phẩm được nhập từ các tỉnh, thành khác, TP Hồ Chí Minh đang đối mặt với nguy cơ các loại thực phẩm không đảm bảo an toàn được "tuồn" vào tiêu thụ trước thềm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

Phát hiện nhiều vụ "tuồn" thực phẩm bẩn vào thành phố

Ngày 20/12/2018,  Đội Quản lý an toàn thực phẩm số 9 thuộc Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh phát hiện một xe tải vận chuyển thịt heo đã được giết mổ, phân mảnh (khoảng 20 con heo) có những dấu hiệu bất thường. Qua kiểm tra, đơn vị này xác định, tất cả viền móng chân của heo đều có mụn nước đã vỡ gây viêm loét, các móng chân heo bị bong tróc, không còn bám chặt vào bàn chân.

Ngoài ra, trên thịt heo còn xuất hiện các hạch sưng to, xuất huyết... Người vận chuyển lô hàng khai nhận, số thịt heo trên có nguồn gốc từ tỉnh Long An được đưa vào TP Hồ Chí Minh tiêu thụ. Ban Quản lý an toàn thực phẩm đã lập biên bản đối với toàn bộ lô thịt heo nói trên, tiến hành tiêu hủy theo quy định.

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng kiểm tra việc kinh doanh thịt lợn tại Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn.

Tiếp đó, ngày 17/1/2019, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Hồ Chí Minh phát hiện 60 con heo sống được vận chuyển từ tỉnh Đồng Nai có biểu hiện lở mồm long móng được đưa vào Trung tâm giết mổ Tân Bình chuẩn bị giết mổ. Nếu trót lọt, toàn bộ số thịt heo này sẽ được phân phối về các chợ truyền thống của TP Hồ Chí Minh để tiêu thụ. Sau đó cơ quan chức năng còn phát hiện một tiểu thương đưa gần một tấn heo bị lở mồm long móng đã làm sẵn vào chợ đầu mối Bình Điền (quận 8) chuẩn bị "tung" ra thị trường.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, những ngày cận Tết, giá thực phẩm, đặc biệt là các loại thịt heo, bò, gà có xu hướng tăng do nhu cầu tiêu thụ cao. Đây cũng là thời điểm các thương lái lợi dụng để trà trộn đưa ra kinh doanh thực phẩm bẩn, thực phẩm không đảm bảo an toàn nhằm kiếm lợi. Điều này gây nguy hại đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Bên cạnh các loại thịt gia súc, gia cầm, nhiều loại sản phẩm bánh, mứt, kẹo, nước giải khát cũng tiềm ẩn các nguy cơ không đảm bảo an toàn, đồng thời có sự xuất hiện của hàng giả, hàng nhái. Kiểm tra tại các chợ truyền thống, các điểm kinh doanh nhỏ lẻ, cơ quan chức năng phát hiện nhiều loại thực phẩm “4 không”: Không nhãn mác, không bao bì đóng gói, không nguồn gốc, không hạn sử dụng, nhưng vẫn được bày bán công khai.

Ngăn chặn thực phẩm bẩn

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng kiểm tra hóa đơn, sổ ghi chép xuất- nhập hàng của tiểu thương Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức.

Dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh thành lập 12 đoàn kiểm tra chuyên ngành tiến hành kiểm tra việc đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Theo đó, việc kiểm tra  tập trung vào các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu trên địa bàn thành phố, chủ yếu là các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh các mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, bánh, mứt, kẹo, rượu bia, nước giải khát… Trong đó, các đoàn kiểm tra chú trọng kiểm tra những nơi cung cấp thực phẩm với quy mô lớn, các cơ sở nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh ăn uống.

Đặc biệt, tại 3 chợ đầu mối là chợ đầu mối Bình Điền, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức – nơi cung cấp 80% thực phẩm cho toàn bộ thành phố, càng đến những ngày cận Tết, công tác kiểm tra càng được cơ quan chức năng thực hiện một cách chặt chẽ. Trong đó, tại chợ đầu mối Hóc Môn, lượng hàng hóa nhập tại chợ bình quân cho một ngày đêm là 2.700 tấn. Riêng đối với mặt hàng thịt heo, thời điểm giáp Tết Nguyên đán, lượng thịt heo được tiêu thụ rất lớn, lên đến khoảng 11.000 con heo mỗi ngày.

Nhằm kiểm soát, không để lọt thịt heo có dấu hiệu nhiễm bệnh hoặc chủ hàng gian lận tiêu thụ thịt heo không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn cho biết, đơn vị đã phối hợp với Ban Quản lý an toàn thực phẩm cử người túc trực hàng đêm để kiểm soát: “Chúng tôi đảm bảo 100% thịt vào chợ đều được kiểm tra kỹ hóa đơn chứng từ đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đặc biệt, khi có nghi ngờ thực phẩm không đảm bảo, chúng tôi lấy mẫu test nhanh và nếu mẫu test không đảm bảo sẽ lập tức giữ hàng, không cho tiêu thụ ra thị trường”.

Tương tự, tại các chợ đầu mối Bình Điền (trung bình nhập 2.500 tấn thực phẩm mỗi ngày) hay tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (trung bình 3.700 tấn hàng về chợ mỗi ngày), công tác kiểm soát nguồn gốc, chất lượng của thực phẩm cũng được thực hiện triệt để. Năm nay Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường thực hiện các test nhanh để phát hiện sớm thực phẩm có vấn đề. Chỉ cần  thực phẩm có kết quả test nhanh dương tính với bất cứ chất cấm hay nhiễm thành phần vi sinh nào là sẽ bị lưu kho xử lý theo đúng quy định.

Bà Phạm Khánh Phong Lan cho hay, mỗi khi phát hiện thực phẩm có vấn đề, đơn vị đã linh hoạt xử lý vi phạm bằng tất cả các quy định của 3 ngành Công Thương, Y tế và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chỉ cần phát hiện thực phẩm không rõ nguồn gốc là lập tức cơ quan chức năng sẽ tiến hành tịch thu, tiêu hủy mà không cần đợi kết quả kiểm nghiệm.

Tuy nhiên, lãnh đạo Ban Quản lý an toàn thực phẩm cũng thừa nhận, vẫn khó kiểm soát thực phẩm bẩn bởi do lợi nhuận nên một số đối tượng luôn tìm các sơ hở để đưa thực phẩm không an toàn vào thành phố bằng con đường “tiểu ngạch”. Điển hình như việc các tiểu thương kinh doanh thực phẩm "ăn theo" xung quanh các chợ đầu mối, chợ truyền thống hay các điểm bán thực phẩm tự phát ở các vỉa hè, lề đường, các cơ quan chức năng vẫn chưa thể kiểm soát.

“Ngoài nỗ lực của các cơ quan chức năng, chúng tôi hy vọng mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông minh, vì sức khỏe của chính mình mà lựa chọn thực phẩm ở các điểm bán uy tín, đảm bảo chất lượng để thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn không còn đất tồn tại, để đảm bảo Tết vui, Tết an toàn”, bà Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ.

Bài và ảnh: Đinh Hằng (TTXVN)
Hàng hóa Tết đã đầy ắp siêu thị, an toàn thực phẩm được đảm bảo
Hàng hóa Tết đã đầy ắp siêu thị, an toàn thực phẩm được đảm bảo

Tết năm nay, các siêu thị xuất hiện một số nhãn hàng riêng, do siêu thị tự sản xuất. Dự kiến, sản lượng tiêu thụ hàng Tết sẽ tăng 20% so với năm ngoái.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN