Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, sắc xanh bao phủ thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong phiên giao dịch ngày hôm qua (24/4).
Đóng cửa, lực mua chiếm áp đảo đã kéo chỉ số MXV-Index tăng gần 1% lên mức 2.215 điểm. Trên thị trường nông sản, giá đậu tương có phiên thứ 3 tăng liên tiếp sau gần hai tuần tích lũy trong vùng đi ngang. Trong khi đó, giá hầu hết các mặt hàng kim loại đồng loạt tăng trong bối cảnh căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung đã được xoa dịu.
Giá đậu tương ghi nhận phiên tăng thứ 3 liên tiếp
Theo ghi nhận từ MXV, thị trường nông sản đã có phiên phục hồi đầu tiên sau 4 phiên suy yếu liên tiếp. Trong đó, giá đậu tương nối dài đà tăng sang phiên thứ ba liên tiếp với 1,12% lên mức 390 USD/tấn. Sau gần hai tuần tích lũy trong vùng đi ngang, thị trường có cú hích mới nhờ tuyên bố từ Tổng thống Trump rằng Mỹ và Trung Quốc đã có cuộc trao đổi trong sáng hôm qua. Bất chấp phía Trung Quốc phủ nhận thông tin này trước đó, tuyên bố từ phía Mỹ vẫn thúc đẩy lực mua mạnh trên thị trường.
Bên cạnh đó, tiến độ thu hoạch tại Nam Mỹ tiếp tục có dấu hiệu chậm. Theo số liệu của Sở Giao dịch hàng hóa Buenos Aires, tại Argentina, tiến độ thu hoạch mới chỉ đạt 14,5% diện tích dự kiến, thấp hơn nhiều so với năm ngoái. Trong khi đó, Hiệp hội Các Nhà Xuất Khẩu Ngũ Cốc Brazil (ANEC) đã hạ dự báo xuất khẩu đậu tương của Brazil trong tháng 4 xuống còn 14,3 triệu tấn, thấp hơn so với ước tính trước. Những yếu tố này cho thấy áp lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế đang giảm trong ngắn hạn, góp phần thúc đẩy đà tăng của giá.
Về thời tiết, thị trường không ghi nhận yếu tố nào đáng lo ngại trong ngắn hạn. Một số khu vực phía nam và phía đông nước Mỹ vẫn còn ẩm, khiến tiến độ gieo trồng chậm lại, song nền nhiệt tăng đang hỗ trợ quá trình khô đất. Độ ẩm cải thiện tại các vùng phía tây được đánh giá là tích cực. Cập nhật mới nhất từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy diện tích đậu tương nằm trong vùng hạn hán đã giảm xuống 21%, thấp hơn tuần trước và gần như ngang bằng cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, theo các số liệu trong báo cáo Xuất khẩu hàng tuần (Export Sales), bán hàng đậu tương niên vụ 2024-2025 của Mỹ đạt mức 277.000 tấn trong tuần kết thúc ngày 17/4, giảm 50% so với tuần trước. Giao hàng đậu tương cũng giảm 31,4%, chỉ đạt 495.000 tấn trong giai đoạn này. Sự sụt giảm trong hoạt động bán hàng và giao hàng của Mỹ vẫn nằm trong mức dự đoán của thị trường nên tác động đến giá trong phiên hôm qua không quá lớn.
Giá dầu đậu tương tăng vọt 3,5% lên mức 1.103 USD/tấn vào hôm qua. Đà tăng này được hỗ trợ trong bối cảnh giá dầu thô tăng cao, cùng lo ngại tình hình vụ mùa của Argentina.
Giá kim loại đồng loạt tăng
Giá nhiều mặt hàng kim loại đồng loạt tăng trong phiên giao dịch ngày hôm qua trong bối cảnh căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung đã được xoa dịu. Chốt phiên, giá bạc quay đầu và giảm nhẹ 0,13% xuống còn 33,5 USD/ounce. Trong khi đó, giá bạch kim nhích thêm 0,07% lên mức 980,3 USD/ounce.
Trước làn sóng phản đối mạnh mẽ từ ngành công nghiệp ô tô với chính sách thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo một số nguồn tin nước ngoài, Washington đang xem xét kế hoạch miễn một số loại thuế cao đối với các nhà sản xuất ô tô.
Mới đây, Liên minh các hiệp hội ngành ô tô Mỹ vừa kiến nghị Tổng thống Trump ngừng áp thuế 25% với linh kiện ô tô nhập khẩu vì nếu thực thi sẽ gây gián đoạn chuỗi cung ứng, tạo ra hiệu ứng domino dẫn đến giá xe tăng cao, doanh số bán xe tại các đại lý giảm, các nhà cung ứng gặp khó khăn, có nguy cơ ngừng sản xuất, sa thải nhân viên hoặc phá sản, dẫn đến sự đình trệ dây chuyền sản xuất. Việc miễn thuế chủ yếu nhắm vào các mức thuế mà ông Trump áp đặt với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong nỗ lực trấn áp fentanyl. Hiện ngành ô tô vẫn đang chịu mức thuế 25% đối với thép và nhôm.
Sau khi thông tin này được đưa ra, tâm lý thị trường đã được cải thiện, nhất là đối với bạch kim. Cho tới nay, ngành công nghiệp ô tô vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn bạch kim cho bộ chuyển đổi xúc tác, bugi, cảm biến và các bộ phận khác của xe.
Trên thị trường kim loại cơ bản, giá đồng COMEX đảo chiều và đi lên 0,26%, đạt 10.705 USD/tấn. Mặt khác, giá quặng sắt đánh mất 0,79%, lùi về mức 99,45 USD/tấn.
Theo đánh giá từ các chuyên gia tại Diễn đàn Hội nghị ngành đồng CCIE-2025SMM, dù Trung Quốc đang tích cực đẩy mạnh nội địa hóa công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ các ngành năng lượng mới, hàng không vũ trụ và điện tử công nghiệp, sản lượng đồng bán thành phẩm năm 2024 chỉ tăng nhẹ 1,9% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 21,3 triệu tấn. Điều này cho thấy nguồn cung đồng hiện vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng tại thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới, qua đó hỗ trợ đà tăng giá đồng trong phiên giao dịch gần đây.
Ở chiều ngược lại, những lo ngại về gián đoạn nguồn cung tại mỏ đồng Antamina ở Peru đã được xoa dịu khi hoạt động khai thác tại đây đang dần trở lại ổn định, phần nào kiềm chế đà tăng giá đồng trên thị trường toàn cầu.
Trong khi đó, giá quặng sắt chịu áp lực giảm do Ấn Độ vừa áp dụng mức thuế tự vệ tạm thời 12% đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu nhằm ngăn chặn làn sóng thép giá rẻ tràn vào thị trường nội địa. Đây là biện pháp bảo hộ thương mại nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất thép trong nước trước áp lực cạnh tranh từ hàng nhập khẩu giá thấp, nhất là từ Trung Quốc.
Không chỉ riêng Ấn Độ, nhiều quốc gia khác cũng đang xem xét và áp dụng các biện pháp bảo hộ tương tự để bảo vệ ngành công nghiệp thép nội địa. Tình trạng này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ dư cung trên thị trường thép toàn cầu, từ đó kéo giá nguyên liệu đầu vào như quặng sắt giảm xuống.