01:09 04/01/2012

Thị trường Điện ảnh Việt Nam đang nóng

Tại hội thảo về điện ảnh diễn ra trong khuôn khổ LHP Việt Nam 17, Cục phó Cục Điện ảnh dẫn lời Phó chủ tịch Hiệp hội Điện ảnh Mỹ rằng cách đây 10 năm, doanh thu của điện ảnh Việt là 2 triệu USD/năm nhưng riêng trong năm 2010 thì doanh thu đã là 26 triệu USD, tăng 13 lần.

Tại hội thảo về điện ảnh diễn ra trong khuôn khổ LHP Việt Nam 17, Cục phó Cục Điện ảnh dẫn lời Phó chủ tịch Hiệp hội Điện ảnh Mỹ rằng cách đây 10 năm, doanh thu của điện ảnh Việt là 2 triệu USD/năm nhưng riêng trong năm 2010 thì doanh thu đã là 26 triệu USD, tăng 13 lần.

Nóng từ phim nhập…

Trước khi có nhà nhập khẩu - phát hành phim “đại gia” Megastar, các doanh nghiệp như Galaxy, Cinema 1 hay công ty Điện ảnh TP.HCM đã từng bước tạo ra thị trường cho phim ngoại. Họ nhập về từ phim Mỹ, phim Hàn đến phim Trung Quốc. Và điều quan trọng là các đơn vị này đã cung cấp hàng hóa đến cho khán giả khi nó vẫn còn “nóng”, nghĩa là phim vừa ra mắt trên các thị trường lớn thì chỉ vài ngày sau đã có mặt ở Việt Nam, thay vì sau vài tuần, thậm chí vài tháng như trước đây. Nhiều siêu phẩm, bom tấn còn được phát hành song song với thế giới; cùng với những chiêu PR bài bản, rầm rộ, họ đã kéo được những khán giả trước giờ yêu thích điện ảnh nhưng chỉ thưởng thức qua băng đĩa lậu tới rạp.

Tuy nhiên, chỉ đến khi Megastar gia nhập thị trường chiếu bóng, thói quen xem phim rạp mới được thiết lập trong đông đảo khán giả Việt. Bởi không chỉ mang đến những bộ phim nóng hổi mà hệ thống rạp chiếu đẹp, hiện đại cộng thêm những dịch vụ đi kèm của Mega đã tạo ra một hình thức kinh doanh điện ảnh rất hợp thời: đưa ra sản phẩm có gắn mác lifestyle - phong cách sống. Những kỷ lục về doanh thu được công bố, cập nhật liên tục trên báo càng góp phần tăng sức hút cho phim. Chẳng hạn, với bom tấn 3D Avatar được phát hành năm 2009, ngay trước ngày phim chính thức ra mắt khán giả Việt, Megastar đã tự đưa ra cột mốc doanh thu cho phim này là 1 triệu USD. Và họ đã thực hiện được điều đó sau 4 tuần 3 ngày tuy có dính vụ lùm xùm “bắt nạt” Bẫy rồng - phim Việt Nam phát hành cùng thời điểm đó. Mùa Hè năm nay, với bộ phim hoạt hình 3D Kungfu Panda 2, doanh số 1 triệu USD đã được thiết lập chỉ sau 5 ngày chiếu.



Kungfu Panda 2 - Kỷ lục doanh thu phim ngoại



Điều đáng mừng là không chỉ chú trọng những sản phẩm dễ bán, dễ có lãi, các nhà phát hành phim còn quan tâm đến những bộ phim khó xem, khó bán vé. Megastar tung ra gói phim Mega Pick gồm toàn những phim lọt đề cử Oscar nhưng khó “xơi” với đa số khán giả. Galaxy nhập Rừng Na Uy, Cây đời (Tree of Life) vừa bước ra khỏi LHP Cannes và khiến cho cả fan thứ thiệt của phim nghệ thuật cũng phải “vận công” mới xem nổi. Chưa kể trước đó, hãng này còn phát hành những bộ phim nghệ thuật của Việt Nam như Sống trong sợ hãi, Chơi vơi… và mới đây nhất là Bi, đừng sợ!.

… Đến phim nội

Tính riêng trong năm 2011, đã có tới 12 bộ phim Việt ra mắt khán giả. Phim không chỉ còn tập trung vào dịp Tết nữa mà đã có rải rác quanh năm. Cũng không chỉ bó hẹp ở thể loại hài, hành động, phim Việt đã có thêm những dòng phim khác như phim nhảy múa (Sài Gòn Yo!), phim hồi hộp, kinh dị (Giao lộ định mệnh, Giữa hai thế giới), thậm chí có cả phim 3D (Hồn ma siêu quậy)… Kỷ lục doanh thu được thiết lập 2 lần trong năm, đầu năm là Cô dâu đại chiến với con số gần 40 tỷ đồng sau gần 2 tháng công chiếu và giữa năm là Long ruồi với 42 tỷ đồng chỉ sau 1 tháng ra rạp. Ranh giới giữa phim do các nhà làm phim Việt kiều và phim do các nhà làm phim trong nước sản xuất đã dần thu hẹp lại, dù phim Việt kiều cũng được chia thành 2 “nhánh”: Việt kiều có nghề và Việt kiều amateur (với “đại diện” là 2 bộ phim được xếp vào hàng thảm họa: Lệnh xóa sổ và Cảm hứng hoàn hảo). Điều đó cho thấy sự sôi động của thị trường phim ảnh trong nước đã hấp dẫn tới mức có thể lôi kéo được cả những người chưa đủ thực lực về nghề chạy theo. Hãng phim mới liên tục được thành lập, cả những đơn vị vốn xa lạ với giới giải trí như Lan Anh Media cũng bắt tay vào sản xuất phim nhựa (Tối nay, 8h!; đạo diễn Lê Hoàng). Vài nhà làm phim Việt kiều vừa chân ướt chân ráo về đã rục rịch 3-4 dự án liên tiếp. Không chỉ diễn viên chạy sô mệt nghỉ, các thành phần khác trong đoàn phim cũng vã mồ hôi vì chạy sô. Nếu chỉ nhìn vào số lượng, rõ ràng điện ảnh Việt chưa bao giờ ở thế “chẻ tre” như vậy. Và khoan hãy than phiền về chất lượng phim, cho dù trong số hơn chục phim, chỉ 1 phim là “đáng mặt” phim, nghĩa là toàn vẹn cả về nội dung lẫn kỹ thuật, bởi chỉ khi có thị trường thì mới có sự phân cấp chất lượng hàng hóa.


Long ruồi - Kỷ lục doanh thu phim nội


Và thêm nữa, hãy nên lạc quan với thông tin mà Tổng giám đốc Megastar đưa ra: “Ước lượng tổng doanh thu bán vé tại Việt Nam năm 2011 tăng khoảng 40% so với năm 2010, xấp xỉ từ 525 tỷ đồng tới 735 tỷ đồng mà không tăng thêm số lượng phòng chiếu (khoảng 180 rạp chiếu đợt đầu). Giá vé tăng tương đối ít, khoảng 10% - thấp hơn so với giá trị lạm phát ở Việt Nam. Như vậy lượt khán giả đến rạp tăng khoảng 30% trong năm nay.

Điều này cho thấy rằng thị trường phim chiếu rạp Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ cùng với sự tăng trưởng của số lượng người đến rạp xem phim lần đầu và những người thường đi xem phim cũng gia tăng đều đặn tại Việt Nam. Doanh thu của phim Việt Nam năm nay cũng chứng tỏ phim Việt phát triển mạnh mẽ, với con số xấp xỉ 150 tỷ đồng. Con số này khó có thể so sánh với toàn bộ doanh thu của tất cả các phim chiếu tại Việt Nam (gồm phim nhập và phim địa phương) với thời điểm 3 năm trước. Nền công nghiệp phim của người Việt và thị trường phim Việt nói riêng đang vươn lên và chắc rằng đang tiến tới với tốc độ phát triển nhanh trong thời gian tương lai gần”.

Theo thethaovanhoa.vn