07:16 11/07/2025
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục bứt phá mạnh mẽ với động lực từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Trong phiên giao dịch ngày 11/7, chỉ số VN30 tăng gần 25 điểm lên 1.594,01 điểm, lập đỉnh mới và phá kỷ lục cũ được xác lập vào ngày 25/11/2021.
Khách hàng giao dịch tại Hội sở chính Công ty Chứng khoán Bảo Việt tại Hà Nội. Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Đáng chú ý, trong phiên này, VN30 đã có thời điểm chạm mốc 1.600 điểm – lần đầu tiên trong lịch sử. Dù vậy, VN-Index vẫn còn thấp hơn đỉnh lịch sử hơn 70 điểm, tương đương gần 5%.
Kết thúc phiên 11/7, VN-Index tăng 12,12 điểm lên 1.457,76 điểm. HNX-Index tăng 0,37 điểm lên 238,81 điểm. Trên toàn thị trường, sắc xanh chiếm ưu thế với 404 mã tăng so với 395 mã giảm. Trong rổ VN30, có 17 mã tăng, 10 mã giảm và 3 mã đứng giá.
Thanh khoản thị trường được cải thiện so với phiên trước. Trên sàn HOSE, khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt hơn 1,23 tỷ cổ phiếu, tương đương hơn 30.700 tỷ đồng. Trên HNX, có hơn 140 triệu cổ phiếu được giao dịch, giá trị hơn 2.300 tỷ đồng.
Phiên chiều ghi nhận diễn biến giằng co, nhưng lực cầu vẫn chiếm ưu thế, giúp VN-Index duy trì sắc xanh đến cuối phiên.
Các cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất tới chỉ số là VIC, VCB, VHM và HPG. Ngược lại, VPL, CTG, HVN và GAS là những mã tác động tiêu cực.
HNX-Index cũng ghi nhận diễn biến tích cực nhờ sự hỗ trợ của các mã như MBS tăng 3,17%, PVI tăng 1,92%, SHS tăng 1,39% và NTP tăng 1,22%.
Ngành bất động sản dẫn đầu mức tăng của thị trường nhờ VIC tăng 6,3%, VHM tăng 2,21%, VRE tăng 0,53% và KBC tăng 0,36%. Tiếp theo là nhóm công nghệ thông và nguyên vật liệu. Ở chiều giảm, dịch vụ truyền thông là ngành duy nhất giảm mạnh do VGI giảm 1,18%, VNZ giảm 3,48%, CTR giảm 0,78% và SGT giảm 0,84%.
Khối ngoại tiếp tục mua ròng mạnh trên thị trường với tổng giá trị hơn 1.194 tỷ đồng trên HOSE, tập trung tại các mã SSI (512,75 tỷ đồng), HPG (270,04 tỷ đồng), VHM (103,48 tỷ đồng) và VCB (94,79 tỷ đồng).
Trên HNX, khối ngoại mua ròng hơn 13 tỷ đồng, chủ yếu vào các mã SHS (21,78 tỷ đồng), CEO (15,4 tỷ đồng), IDC (7,27 tỷ đồng) và HUT (4,84 tỷ đồng). Tính trong 10 phiên gần đây, khối ngoại đã mua ròng hơn 10.000 tỷ đồng trên sàn HOSE.
Theo báo cáo chiến lược tháng 7 của Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN), việc kịch bản xấu nhất về thuế quan không xảy ra đã góp phần cải thiện tâm lý thị trường trong tháng 6, giúp VN-Index vượt vùng cản tâm lý 1.400 điểm.
Triển vọng trong tháng 7 và quý III được củng cố bởi bức tranh lợi nhuận quý II, đặc biệt ở nhóm ngân hàng và các doanh nghiệp xuất khẩu. MASVN đánh giá tăng trưởng GDP quý 2 đạt 7,96% so với cùng kỳ và tín dụng tăng 9,9% từ đầu năm là các yếu tố quan trọng hỗ trợ lợi nhuận nhóm ngân hàng.
Hoạt động xuất nhập khẩu cũng được hưởng lợi ngắn hạn nhờ việc các doanh nghiệp nhập khẩu tăng tồn kho trước khi mức thuế đối ứng mới có hiệu lực.
Mặt bằng thanh khoản chung được cải thiện cũng tạo động lực tăng trưởng cho nhóm cổ phiếu chứng khoán trong bối cảnh dư nợ cho vay ký quỹ duy trì ở mức cao và kỳ vọng nâng hạng thị trường theo tiêu chuẩn của tổ chức xếp hạng thị trường FTSE đang tiến triển.
Theo đánh giá của MASVN, các rủi ro lớn đã tạm thời qua đi, tạo điều kiện cho xu hướng tăng trung và dài hạn tiếp diễn. VN-Index đã vượt mốc 1.400 điểm với lực đỡ từ dòng vốn ngoại và áp lực chốt lời không đáng kể.
MASVN kỳ vọng thị trường sẽ duy trì xu hướng tăng trong phần còn lại của quý III với mục tiêu hướng tới vùng đỉnh lịch sử 1.550 điểm. Tuy nhiên, các nhịp điều chỉnh trong ngắn hạn vẫn được xem là cần thiết để giúp thị trường thiết lập vùng cân bằng mới trước khi tiếp tục xu hướng tăng bền vững.
Dòng tiền tập trung mạnh vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong các phiên gần đây là nguyên nhân khiến chênh lệch điểm số giữa VN30 và VN-Index ngày càng nới rộng. Trong phiên 11/7, mức tăng của VN-Index chỉ bằng một nửa mức tăng của VN30. Sự trở lại mạnh mẽ của dòng vốn ngoại là yếu tố chính dẫn đến diễn biến này. Dòng tiền mạnh và nhanh hướng vào các cổ phiếu vốn hóa lớn còn room là điều dễ hiểu trong bối cảnh hiện tại.
Văn Giáp (TTXVN)
|