03:10 28/03/2011

Thị trường chứng khoán có khả năng phục hồi từ giữa tháng tư

Theo ông Nguyễn Xuân Toản, Phó trưởng Phòng đầu tư, Công ty Quản lý quỹ BFI – Ngân hàng Đầu tư (BIDV), với những dữ liệu phản ánh trên đồ thị kỹ thuật, VN-Index đã phát tín hiệu tạo đáy vào giai đoạn trung tuần tháng 3 (từ 3 – 18/3).

Theo ông Nguyễn Xuân Toản, Phó trưởng Phòng đầu tư, Công ty Quản lý quỹ BFI – Ngân hàng Đầu tư (BIDV), với những dữ liệu phản ánh trên đồ thị kỹ thuật, VN-Index đã phát tín hiệu tạo đáy vào giai đoạn trung tuần tháng 3 (từ 3 – 18/3). Tuy nhiên, VN-Index chưa hồi phục là do ảnh hưởng từ thông tin CPI quý I/2011 khá cao, tâm lý thị trường bị ảnh hưởng. Nhưng với tín hiệu tin “xấu” xuất hiện mà VN-Index và HNX-Index không bị sụt giảm mạnh thì điều này cũng phản ánh thị trường đã bão hòa với các loại tin xấu. Do đó, theo ông Toản, theo đồ thị kỹ thuật, khoảng trung tuần tháng 4, thị trường chứng khoán (TTCK) có khả năng bắt đầu có sóng tăng.

Các “rắc rối” đã vào khuôn khổ

Theo một phân tích vừa công bố về diễn biến kinh tế vĩ mô quý I/2011 và dự kiến 2 quý tới của Trung tâm đào tạo Chứng khoán DoBF, căn cứ vào thực tế và các chính sách điều hành của Chính phủ thời gian qua, phân tích cho rằng có ba yếu tố để tin diễn biến kinh tế vĩ mô sẽ tích cực hơn từ nay đến cuối năm.

Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường trên sàn giao dịch chứng khoán Bảo Việt. Ảnh: Phạm Hậu – TTXVN


Thứ nhất, các bất ổn xảy ra trong 2 tháng đầu năm như biến động tỉ giá, thị trường vàng đã được quản lý đi vào ổn định. Thứ hai, Chính phủ đang quyết tâm kiểm soát để giảm CPI, tạo cơ sở cho việc hạ lãi suất. Khi CPI hạ nhiệt, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt đầu hạ lãi suất, hoạt động sản xuất, kinh doanh sôi động trở lại, tâm lý các NĐT trên thị trường sẽ được cải thiện rõ rệt. Thứ ba, về mối quan ngại của nhà đầu tư (NĐT) về thâm hụt cán cân vãng lai, NHNN cho biết: Dự kiến cán cân tổng thể thanh toán kinh tế năm 2011 có khả năng sẽ thặng dư khoảng 2 tỉ USD.

Tất cả diễn biến thực tế và những tín hiệu chuyển động của tình hình kinh tế vĩ mô đang phản ánh xu hướng sẽ ngày càng tích cực từ nay đến cuối năm. Đây là tiền đề quan trọng để TTCK (vốn đi trước kinh tế vĩ mô từ 3 – 6 tháng) hồi phục trong thời gian tới.

Về các thông tin đang ủng hộ thị trường, phân tích của DoBF cũng trích nhận xét của Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 21/3 về kinh tế vĩ mô của Việt Nam khẳng định, việc công bố các chính sách ổn định kinh tế gần đây là một bước đi quan trọng, đúng hướng. Các thị trường tài chính quốc tế đã phản ứng thuận lợi trước những biện pháp Chính phủ Việt Nam đưa ra. Thông tin tích cực là mức rủi ro của trái phiếu ngoại tệ do Chính phủ Việt Nam phát hành đã có cải thiện đôi chút. Đây là dấu hiệu tốt cho thành công của các biện pháp này.

Một kênh thông tin tích cực khác là Công ty Grant Thornton Việt Nam công bố, kết quả cuộc khảo sát mới đây từ 5.700 doanh nghiệp thuộc 39 nền kinh tế trên thế giới do Grant Thornton toàn cầu thực hiện: “Việt Nam đã có một sự nhảy vọt về chỉ số niềm tin trong quý 1 năm nay so với quý IV/2010!”.

Tuy vậy, ông Ngô Văn Minh, Giám đốc phân tích Quỹ đầu tư SHF cho rằng, thị trường sẽ còn phải chịu áp lực tiêu cực trong ngắn hạn. Đó là tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt khiến kết quả kinh doanh quý I và II/2011 của các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp trên TTCK nói riêng sẽ xấu. Đặc biệt là khối doanh nghiệp bất động sản không bán được hàng, trong khi chi phí vốn lớn vì lãi suất cao. Nếu lãi suất giảm được từ quý II, ông Minh mới tin rằng, tình hình sẽ được cải thiện theo hướng tích cực.

Xuân Hương