01:01 09/01/2022

Thị trường bất động sản năm 2022: Khan hiếm sản phẩm vừa túi tiền

Các chuyên gia bất động sản (BĐS) nhận định năm 2022, thị trường vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như: Những cơn sốt đất "ảo" theo quy hoạch gây nhiễu loạn thị trường; áp lực tăng giá trước áp lực lạm phát, chi phí vật liệu xây dựng, đầu vào tăng; nguồn cung các phân khúc thị trường khan hiếm...

Bất động sản tiếp đà tăng giá

Tại Hội nghị BĐS Việt Nam (VRES 2021) diễn ra mới đây, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam (Công ty cung cấp các dịch vụ cho nhà đầu tư BĐS quốc tế), bà Dương Thùy Dung cho hay, dù trải qua 2 năm dịch bệnh phức tạp, ảnh hưởng đến nền kinh tế, nhưng giá BĐS của nhiều phân khúc vẫn tiếp tục tăng. Điều này khiến giá các loại hình chung cư, căn hộ sơ cấp tiếp đà tăng trong năm 2022. Giá bán căn hộ sơ cấp tại Hà Nội hiện tăng 16%, tại TP Hồ Chí Minh đã tăng 17%. Đối với sản phẩm nhà phố và biệt thự, tại Hà Nội đã tăng 13%, nhà phố tăng 4%; tại TP Hồ Chí Minh tăng tương ứng 3% và 17%.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Kênh thông tin thị trường batdongsan.com.vn nhận định, nhu cầu đầu tư BĐS của người dân trong năm 2022 vẫn lớn. Qua khảo sát, có 92% người đầu tư được hỏi sẽ tiếp tục đầu tư BĐS trong năm 2022, 77% mong muốn mua thêm nhà đất và 44% chọn mua BĐS trong tương lai.

Chú thích ảnh
Giá BĐS vẫn tăng và khan hiếm nguồn cung trong năm 2022.

Thực tế, phân khúc đất nền tại các địa phương giáp ranh/lân cận các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng... vẫn là kênh ưu tiên hàng đầu mặc dù nguồn cung mới sẽ không bằng như những năm trước, do các địa phương đang rà soát và siết chặt lại việc phân lô, bán nền. Căn hộ và nhà liền kề là phân khúc chủ đạo của tại thị trường BĐS các tỉnh phía Nam. Phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng phụ thuộc vào sự phát triển và hồi phục của ngành du lịch; trong khi BĐS hạng sang và siêu sang tại TP Hồ Chí Minh vẫn chiếm tỷ lệ lớn, còn loại hình nhà ở vừa túi tiền ngày càng khan hiếm.

Đáng chú ý, sự thiếu vắng và khan hiếm nguồn cung của loại hình nhà ở vừa túi tiền tiếp tục khiến thị trường BĐS mất cân bằng, ổn định, tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì gia tăng tình trạng đầu cơ, mua đi bán lại, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển và quy hoạch đô thị, nhất là chủ trương tăng diện tích nhà ở bình quân đầu người tại các đô thị. 

Doanh nghiệp BĐS đối mặt với nhiều thách thức

Các chuyên gia kinh tế phân tích, thị trường BĐS đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh tiếp tục bùng phát và diễn biến khó lường. Thực tế đến nay, nhiều dự án BĐS đã ngừng xây dựng, việc mở bán, tư vấn, sàn giao dịch khách hàng gần như không thể thực hiện được... Hệ quả là hàng loạt doanh nghiệp BĐS hầu như không có doanh thu từ các giao dịch mua bán.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, nguồn cung thị trường BĐS trong năm 2022 đã bị sụt giảm từ 2 năm qua sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng, cộng với nhiều chính sách liên quan chưa được tháo gỡ triệt để, khiến quá trình phê duyệt hồ sơ đầu tư dự án ngưng trệ; giao dịch trên thị trường đối mặt với tình trạng đứt gãy, gián đoạn; tình trạng mất cân đối cung - cầu diễn ra ở nhiều đô thị lớn, khiến giá BĐS bị đẩy lên cao; các doanh nghiệp bám trụ được cũng gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục đầu tư do thời gian phê duyệt, cấp phép xây dựng kéo dài. Do vậy, các chủ đầu tư gặp khó trong thu hồi vốn, nhưng vẫn phải “gồng” lỗ để duy trì các hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Trước thực tế này, theo ông Nguyễn Văn Đính, trong thời gian đợi sửa đổi các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, các địa phương cần tiếp tục rà soát các quy định chồng chéo và các thủ tục phê duyệt đầu tư dự án BĐS, để có quyết định tháo gỡ kịp thời. 

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận định, doanh nghiệp BĐS cũng chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19, nên cũng cần nhận được sự hỗ trợ về cơ chế, thuế, tương tự như các doanh nghiệp ngành nghề khác; đồng thời, cũng cần được khơi thông dòng vốn cho thị trường BĐS phục hồi sau đại dịch. Trong đó, các chính sách như: Giãn hoãn, miễn giảm thuế, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và các nghĩa vụ thu nộp ngân sách khác... sẽ có tác động tích cực giúp doanh nghiệp BĐS sớm phục hồi.

"Rõ ràng các quy định chồng chéo liên quan đến điều kiện kinh doanh BĐS trong các luật hiện hành đang là những rào cản chính sách cần sớm được tháo gỡ. Vì nhiều quy định sau thời gian dài thực thi đã bộc lộ nhiều bất cập, không phù hợp với thực tiễn, thị trường, yêu cầu và nhu cầu của nhà đầu tư", đại diện nhiều doanh nghiệp BĐS phản ánh. 

Vân Sơn/Báo Tin tức