08:00 14/08/2020

Thị trấn đầu tiên ở Nhật Bản muốn trở thành nơi chôn lấp chất thải hạt nhân

Ngày 13/8, thị trấn Suttu ở tỉnh Hokkaido, miền Bắc Nhật Bản cho biết đang xem xét nộp đơn xin được nghiên cứu sơ bộ về đất để đánh giá nơi này có phù hợp làm nơi chôn lấp chất thải hạt nhân hay không.

Chú thích ảnh
Nhà máy điện hạt nhân Tomari của Hokkaido Electric Power Co. Ảnh: Kyodo

Như vậy, Suttu là thị trấn đầu tiên ở Nhật Bản công khai chính sách chấp nhận khảo sát kể từ khi chính phủ trung ương hồi năm 2017 công bố một bản đồ về những địa điểm có khả năng làm nơi chôn lấp cuối cùng chất thải phóng xạ. Nếu những địa phương nào đồng ý được tiến hành khảo sát, có thể được nhận trợ cấp của nhà nước tới 2 tỉ yen (khoảng 18,75 triệu USD) trong vòng 2 năm. 

Chính quyền thị trấn Suttu cho biết dân số nơi đây giảm và khó khăn về tài chính là lý do khiến chính quyền thị trấn muốn trở thành nơi chôn lấp chất thải hạt nhân. Chính quyền  địa phương cho biết vào cuối tháng 9 tới sẽ đưa ra quyết định có xin khảo sát hay không sau khi tiến hành thảo luận vấn đề này vào ngày 26/8 với các thành viên hội đồng địa phương và các tổ chức liên quan.

Tuy nhiên, quyết định này có thể sẽ làm dấy lên tranh cãi trong bối cảnh chính quyền tỉnh Hokkaido có một quy định phản đối việc tiếp nhận chất thải hạt nhân. 

Trước đó, thị trấn Toyo ở tỉnh Kochi, miền Tây Nhật Bản năm 2007 đã nộp đơn xin khảo sát, song sau đó rút lại đơn do vấp phải sự phản đối của cư dân địa phương. 

Cũng giống như nhiều nước khác trên thế giới có nhà máy điện hạt nhân, Nhật Bản đang chật vật tìm một nơi chôn lấp vĩnh viễn chất thải hạt nhân. Tiến trình tìm kiếm chính quyền địa phương sẵn sàng cho chôn lấp tại địa phương mình đạt ít tiến triển phần lớn do sự phản đối của người dân địa phương. Chính phủ Nhật Bản không đặt ra thời hạn chót tìm ra một địa điểm tiềm năng mà chờ chính quyền các địa phương bày tỏ sẵn sàng trở thành nơi tiếp nhận việc chôn lấp này. 

Theo quy định chung, đối với việc chôn lấp vĩnh viễn, chất thải phóng xạ hàm lượng cao được sản sinh trong quá trình tách chiết urani và plutoni từ nhiên liệu đã qua sử dụng, phải được chôn ở độ sâu 300 mét dưới mặt đất để không ảnh hưởng tới đời sống của con người và môi trường.

Minh Châu (TTXVN)