03:09 12/03/2011

Thí sinh được quyền rút hồ sơ xét tuyển

Trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) sẽ áp dụng một điểm mới trong quy chế là sau khi thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào trường này nhưng xét thấy không có khả năng đỗ có thể xin rút để nộp sang trường khác.

Trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) sẽ áp dụng một điểm mới trong quy chế là sau khi thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào trường này nhưng xét thấy không có khả năng đỗ có thể xin rút để nộp sang trường khác. Tuy nhiên, một số trường lo ngại sẽ gặp khó khi quy chế này đi vào thực tế...

Bộ GD-ĐT vừa ban hành phương hướng nhiệm vụ tuyển sinh ĐH, CĐ 2011. Theo đó, Bộ quy định sau khi nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường, nếu thí sinh có nguyện vọng, có thể rút hồ sơ để nộp vào trường khác, còn các trường phải tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh được rút hồ sơ. Điểm thay đổi này sẽ tạo nhiều cơ hội hơn cho thí sinh. Các em có thể nộp nhiều lần vào nhiều trường khác nhau thay vì chỉ được nộp vào một trường duy nhất như những năm trước.

Nhìn thấy những điểm thuận lợi cho thí sinh nhưng một số trường đã dự tính trước những khó khăn gặp phải khi quy chế đi vào thực tế. Ông Nguyễn Anh Tấn, Phó trưởng phòng Đào tạo, ĐH Lao động – Xã hội bày tỏ, khó khăn đầu tiên là nộp hồ sơ. Có hai hình thức: Nộp trực tiếp tại trường và qua đường bưu điện.

Với những thí sinh nộp hồ sơ trực tiếp thì sẽ được đánh số thứ tự nên việc rút hồ sơ sẽ dễ dàng. Còn với những thí sinh nộp qua bưu điện lại là một vấn đề vì có khi phải mất hai, ba ngày hoặc cả tuần hồ sơ mới tới trường. Trong khi đó, trường hợp thí sinh thay đổi ý định và muốn rút hồ sơ, trường sẽ chưa thể đáp ứng ngay được.

ĐH Bách khoa TP.HCM hướng nghiệp các ngành nghề trực tiếp cho các bạn trẻ chuẩn bị dự thi. Ảnh: Phương Vy-TTXVN


Mặt khác, ông Tấn cũng lo trường không tuyển đủ chỉ tiêu, đặc biệt xác định điểm chênh giữa nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 dẫn đến khó kiểm soát và chủ động của các trường. "Trước đến nay, đến lúc khóa sổ thì mới xét điểm từ cao xuống thấp. Nhưng khi thực hiện quy chế mới, điểm xét tuyển sẽ biến động từng ngày" - ông Tấn nhấn mạnh.

Một rắc rối khác liên quan đến giấy chứng nhận kết quả thi cũng khiến đại diện các trường đau đầu. Ông Tấn cho rằng với việc Bộ chỉ cấp một giấy chứng nhận kết quả thi cho một nguyện vọng như hiện nay, nếu thí sinh cứ rút ra, nộp vào thì thí sinh phải tẩy xóa để ghi lại mã ngành, mã trường trên giấy chứng nhận kết quả dùng để xét tuyển. Điều này lại mâu thuẫn với quy chế tuyển sinh và các trường sẽ rất khó khăn trong việc kiểm tra giám sát.

Ông Nguyễn Ngọc Minh, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Ngân hàng TP.HCM cũng nhìn nhận, việc thí sinh được phép rút hồ sơ sẽ khiến các trường có đông thí sinh đăng ký xét tuyển bị động. Đặc biệt, công tác kỹ thuật sẽ khó khăn nếu thí sinh ồ ạt rút hồ sơ vào ngày cuối.

Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, với điểm mới trong quy chế tuyển sinh năm nay, các trường sẽ nhiều việc hơn trước đây. Nhưng các trường phải tự điều chỉnh cách làm sao cho hợp lý, hiệu quả để tránh dẫn đến những sai sót. Mặt khác, Bộ cũng phải lắng nghe ý kiến, kiến nghị của nhiều trường nhằm có những điều chỉnh hợp lý. Tuy nhiên, một số trường lại muốn "đã quen thế nào làm thế ấy" dù rằng theo cách mới có lợi cho thí sinh. Có thay đổi thì các trường mới tiến bộ được. Chủ trương của Bộ là làm tất cả những gì tốt cho thí sinh, giúp các em có nhiều cơ hội học tập hơn.

Mặt khác, Thứ trưởng Ga cho rằng, việc tuyển sinh chủ yếu ở nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 và 3 là lực lượng bổ sung nên không nhiều, mỗi trường chỉ tuyển vài trăm em nên lượng thí sinh nộp, rút hồ sơ mỗi ngày không lớn, cùng lắm là vài chục em, nên không có gì khó khăn cho trường.

Lê Vân