05:08 10/05/2021

Thi lớp 10: Những lưu ý quan trọng khi ôn tập truyện hiện đại Việt Nam

Truyện hiện đại Việt Nam là một trong những chuyên đề trọng tâm ôn luyện Ngữ văn vào lớp 10. Vì vậy, học sinh cần nắm vững kiến thức để có thể chinh phục điểm cao trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sắp tới.

Thầy Nguyễn Phi Hùng, Giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho biết, có 4 tác phẩm truyện hiện đại Việt Nam thuộc trọng tâm ôn thi tuyển sinh vào lớp 10 mà các em học sinh cần nhớ, bao gồm: Truyện ngắn Làng (Kim Lân), truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa (Nguyễn Thành Long), truyện ngắn Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng), truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi (Lê Minh Khuê). Bên cạnh đó còn có truyện ngắn Bến quê (Nguyễn Minh Châu) là tác phẩm nằm trong phần đọc thêm, các em học sinh có thể tham khảo.  

Các tác phẩm trên đã khắc họa được hình ảnh con người với vẻ đẹp phẩm chất và tâm hồn đẹp, đáng quý. Đó là những con người cần cù trong lao động, dũng cảm trong chiến đấu; giàu tình yêu gia đình, tình làng nghĩa xóm và tình yêu quê hương, đất nước thiết tha. Đây là nội dung nổi bật, thường xuyên xuất hiện trong đề thi vào 10 dưới nhiều hình thức câu hỏi.

Trong phần hướng dẫn ôn tập về truyện hiện đại, thầy Nguyễn Phi Hùng đã giải đáp một số nội dung kiến thức đáng chú ý liên quan đến chủ đề này bao gồm: Xác định ngôi kể, người kể chuyện trong các tác phẩm truyện ngắn và tác dụng đối với tác phẩm. Hình ảnh con người Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ được khắc họa trong các tác phẩm truyện ngắn.

Ý nghĩa nhan đề của truyện ngắn “Làng”: Vì sao khi xây dựng hình tượng nhân vật chính luôn hướng về “Làng Chợ Dầu” nhưng Kim Lân lại đặt tên tác phẩm là “Làng” thay vì “Làng Chợ Dầu”.

Vẻ đẹp của 3 nữ thanh niên xung phong trong tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi”. Từ đó liên hệ thực tế trách nhiệm của thế hệ thanh niên trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Lý do tác giả Nguyễn Thành Long không đặt tên riêng cho các nhân vật của mình trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”. Bên cạnh đó, còn có những nhân vật không xuất hiện trực tiếp mà chỉ xuất hiện gián tiếp qua câu kể của anh thanh niên cũng góp phần thể hiện chủ đề của tác phẩm. Họ là những ai?”. Những sự việc, chi tiết thể hiện tình cảm sâu nặng và cao đẹp của ông Sáu đối với con. Điều đó đã bộc lộ thêm nét đẹp gì trong tâm hồn của người cán bộ cách mạng ấy.

Ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh “Bãi bồi bên kia sông” trong truyện ngắn “Bến quê”. Phân tích tình huống truyện trong các tác phẩm truyện hiện đại Việt Nam ở chương trình lớp 9.

Dưới đây là video hướng dẫn ôn tập chuyên đề thơ hiện đại Việt Nam của thầy Nguyễn Phi Hùng:

 

Lê Vân/Báo Tin tức