02:09 19/02/2011

Thí điểm mô hình nông thôn mới(Bài cuối)

Ông Hồ Xuân Hùng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng ban chỉ đạo Chương trình nông thôn mới (NTM) Quốc gia đã trao đổi với PV báo Tin Tức về những khó khăn và thuận lợi của các địa phương trong hơn 1 năm triển khai chương trình xây dựng NTM.


Ông Hồ Xuân Hùng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng ban chỉ đạo Chương trình nông thôn mới (NTM) Quốc gia đã trao đổi với PV báo Tin Tức về những khó khăn và thuận lợi của các địa phương trong hơn 1 năm triển khai chương trình xây dựng NTM.


Bài cuối: Trường kỳ “kháng chiến” nhất định thắng lợi

Là một thành viên trong chương trình xây dựng NTM, ông thấy có những thuận lợi và khó khăn gì trong việc xây dựng NTM trong hơn 1 năm qua?

Thuận lợi lớn nhất là được sự đồng thuận của toàn dân. Thuận lợi thứ hai là việc xây dựng NTM được đưa ra đúng vào thời điểm với Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XI của Đảng, cho nên được bàn rất sâu rộng từ chi bộ đảng tới đại hội.

Thứ ba, điều kiện để xây dựng NTM đã “chín”, nếu xây dựng cách đây vài năm thì không dễ chút nào. Hiện trong nước và quốc tế đều ủng hộ chúng ta xây dựng NTM. Việt Nam cam kết đến năm 2020 cơ bản là nước công nghiệp, một nước công nghiệp mà nông thôn lạc hậu, mà nông dân nghèo thì không thể là nước công nghiệp. Hơn nữa, việc tổng kết 25 năm đổi mới đã cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm, vấn đề là chuẩn bị thế nào cho thời gian tiếp theo phù hợp với thực tiễn. Đó là những thuận lợi.

Về khó khăn, vì mong muốn của dân nên có sự “nôn nóng” tại các địa phương, gây ra áp lực rất lớn cho những người quản lý. Thứ hai, quá trình đô thị hóa có thể đảo lộn nếp sinh hoạt ở nông thôn như việc hút mất lao động trẻ của nông thôn. Chừng nào chưa có chính sách giữ lao động trẻ ở nông thôn thì chừng đó chiến lược về phát triển ở nông thôn thất bại, không thể người già làm nông nghiệp mãi được mà phải lớp trẻ, chúng ta chưa có chính sách đầy đủ để giữ chân lớp trẻ ở nông thôn.

Thứ ba, quá trình hiện đại hóa và mong muốn của người nông dân muốn tạo ra hạ tầng nông thôn không khéo sẽ mất đi bản sắc văn hóa của Việt Nam. Nông thôn mà như thành phố thì không còn là nông thôn, nhưng nông thôn cũng không thể lạc hậu. Đó là mâu thuẫn lớn mà nhiều quốc gia vấp phải. Có những nước phát triển nhưng rất “đau đầu” vì mất đi bản sắc, họ phải quay lại phục hồi văn hóa nông thôn.

Thứ tư là nguồn lực đầu tư để phát triển, Việt Nam là nước nghèo mà có chủ trương lớn như vậy nên phải có chính sách tốt để thu hút đầu tư, phải thay đổi cách nghĩ, cách làm thì mới thu hút được doanh nghiệp, dân tự đứng lên, thu hút vốn trong và ngoài nước thì mới có thể làm được.

Trong tiêu chí xây dựng NTM có định hướng chuyển bớt lao động trong nông nghiệp xuống còn 25-30% nhưng hầu hết các địa phương đều cho rằng đang vướng khâu chuyển đổi?

Cụ Nguyễn Thị Mai (86 tuổi), xã Nhân Bình, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, tự nguyện góp sức và vận động con cháu tích cực xây dựng làng, xã theo mô hình nông thôn mới. Ảnh: Hữu vinh


Qua 25 năm đổi mới, chúng ta mới chuyển dịch được 20% lao động ra khỏi nông nghiệp. Trong 20 năm tiếp theo, chúng ta phải chuyển tiếp 20% lao động ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp. Đó là một thách thức rất lớn mà càng ngày càng khó chuyển đổi.

Muốn vậy phải đào tạo nghề cho người dân, nhưng đào tạo không chỉ để lấy chứng chỉ, đào tạo phải gắn với doanh nghiệp, và phải đưa bằng được doanh nghiệp về nông thôn, gắn kết người nông dân với doanh nghiệp, để họ trở thành một thành viên như là một cổ đông, một công nhân trong các doanh nghiệp thì việc đào tạo đó mới thành công. Muốn vậy phải có chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư trong nông nghiệp. Còn nếu chỉ đào tạo theo trường lớp sẽ là sai lầm, thất bại.

Thứ hai, Chính phủ đã ban hành Quyết định 61 về ưu tiên cho doanh nghiệp, nhưng các ban, ngành, địa phương vẫn chưa đưa ra được các văn bản hướng dẫn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp về nông thôn, phải có chính sách ưu đãi mạnh mẽ như: Tích lũy đất để doanh nghiệp mở nhà máy, nhà xưởng, để họ có thể đứng vững ở nông thôn, để người nông dân làm công nhân và người công nhân vẫn là nông dân. Chuyển đổi theo hướng đó mới gỡ được bế tắc về lao động nông thôn hiện nay.

Thứ ba, chúng ta có nhiều làng nghề ở nông thôn, mà thị trường cho những sản phẩm của làng nghề còn nhiều tiềm năng, mới đáp ứng 40-50% nhu cầu trên thế giới, nhưng tiếc rằng trong thời gian qua nhiều sản phẩm làng nghề đã bị mai một.

Thứ tư, nông nghiệp công nghệ cao cũng là giải quyết việc làm, không cứ phải ra khỏi nông nghiệp mới là giải quyết việc làm.

Qua khảo sát của phóng viên báo Tin Tức tại các xã đang xây dựng NTM, hầu hết các xã này đều đang gặp khó khăn về nguồn vốn. Vậy có chính sách nào để huy động vốn cho các xã này không, thưa ông?

Phải khẳng định là đất nước ta còn nghèo, nên làm việc gì cũng khó về vốn. Tôi nhận thấy, hiện nay có sự hiểu biết chưa thống nhất. Việc cần làm là tập trung cho công tác quy hoạch, để cán bộ từ đảng viên xuống tới các nhân dân có nhận thức giống nhau về xây dựng NTM, đó là sự nghiệp cách mạng lâu dài của Đảng và dân ta, không thể một sớm một chiều mà xong được. Do vậy, nếu nghĩ làm NTM cứ phải xây hạ tầng thì lúc nào cũng thấy khó khăn.

Chính phủ và các bộ, ngành đều biết việc khó khăn về vốn, phải có cơ chế để huy động vốn. Chính phủ đã hoạch định rất rõ về vấn đề này, việc gì dân làm, việc gì Chính phủ giúp. Tuy nhiên, không phải việc gì cũng cần đến vốn, ví dụ như: Cải tạo vườn tạp, chăm lo sản xuất trong ruộng, vườn nhà mình. Các cụ có câu “một tấc vườn bằng mẫu nương” nhưng hiện nay nhiều người dân bỏ hoang.

Thứ ba, phải làm quy hoạch tổng thể để tránh tình trạng “nay xây, mai phá”, Chính phủ cung cấp đủ vốn để làm quy hoạch. Quy hoạch sản xuất nên là quy hoạch “mềm” để có thể thay đổi linh hoạt theo nhu cầu của thị trường, mềm nhưng lại mang tính ổn định, chứ không phải mềm tùy tiện. Đó là việc chính phủ cần làm trong thời gian tới.

Thứ tư là công tác đào tạo, đào tạo cán bộ làm chương trình, đào tạo nông dân làm nông nghiệp. Những việc này không cần vốn nhiều, cái khó nhất là đào tạo ra để làm được việc. Nếu chỉ chăm lo đào tạo kỹ thuật cho nông dân thì chưa đủ, phải đào tạo cho họ thêm về kiến thức thương mại, tiếp thị sản phẩm. Vấn đề này từ nhiều năm nay còn thiếu, và cái đó không chỉ có tiền mà làm được. Điều đó đòi hỏi rất nhiều sự thay đổi thói quen trong tư duy của người nông dân, đó là điều khó hơn là tiền.

Tiền đào tạo nông dân chuyển nghề, Chính phủ về cơ bản đã bố trí đủ, nhưng đào tạo chuyển nghề mà không gắn với doanh nghiệp thì đó là một sự lãng phí vô cùng. Đào tạo chuyển nghề phải gắn với làng nghề, gắn với doanh nghiệp, gắn với những người, hộ gia đình có tay nghề truyền thống chứ không chỉ đào tạo để có trường, có lớp, có chứng chỉ, nếu tiếp tục việc đào tạo để lấy chứng chỉ thì chúng ta tiếp tục thất bại.

Phần vốn cho một số chương trình, y tế, trường học, nhà văn hóa, trụ sở xã đã được bố trí vốn từ mấy năm nay, chỉ cần điều chỉnh một chút cho phù hợp với tiêu chí đề ra.

Người dân luôn nôn nóng, mong muốn có ngay cơ sở vật chất, trong khi chương trình đề ra phải có lộ trình 10 - 15 năm, do vậy chúng ta phải có thời gian. Theo dự kiến, tới năm 2020, chúng ta mới có 50% xã đạt tiêu chuẩn NTM, và chưa chắc đến năm 2030 hoặc 2050 đã đạt được 100% xã NTM. Do vậy, nếu đã có cuộc cách mạng dài hơi như vậy thì chúng ta cần bình tĩnh. Xây dựng NTM là cuộc cách mạng trường kỳ nhất định sẽ thắng lợi nếu chúng ta đồng lòng.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hữu Vinh (thực hiện)