02:17 06/02/2020

Thí điểm Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị tại Hà Nội: Hiệu quả bước đầu

Các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị đang dần chứng minh được vai trò nòng cốt của mình trong việc giúp địa phương quản lý trật tự xây dựng đô thị hiệu quả hơn.

Chú thích ảnh
Việc điều chuyển Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị về cấp huyện quản lý giúp lực lượng này bám sát địa bàn, dễ phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi vi phạm. Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN

Những năm trước đây, việc quản lý trật tự xây dựng đô thị tại Hà Nội được thực hiện theo Nghị định 26/2013/NĐ - CP ngày 29/3/2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành xây dựng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, mô hình này bộc lộ nhiều vướng mắc và hạn chế như tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm xảy ra thường xuyên dẫn đến hiệu quả hoạt động không cao; nhiều vụ việc vi phạm trật tự xây dựng đô thị xảy ra, diễn biến phức tạp được báo chí và cơ quan chức năng phát hiện, gây dư luận không tốt trong quần chúng nhân dân...

Trước những bất cập, tồn tại trên, tháng 8/2018, Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã. Đến nay, các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị đang dần chứng minh được vai trò nòng cốt của mình trong việc giúp địa phương quản lý trật tự xây dựng đô thị hiệu quả hơn.

Xử lý nhiều trường hợp vi phạm kéo dài

Theo quy định, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị là lực lượng quan trọng giúp UBND cấp huyện quản lý trật tự xây dựng đô thị từ khâu kiểm tra, thiết lập hồ sơ, đề xuất biện pháp xử lý đến việc tổ chức thực hiện các quyết định xử lý vi phạm. Điều này là cần thiết nhằm đảm bảo quy tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương và tình hình thực tiễn trên địa bàn Thủ đô.

Song song với đó, thành phố Hà Nội vẫn tăng cường kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước để tránh tình trạng buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thực thi nhiệm vụ.

Việc điều chuyển Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị về cấp huyện quản lý giúp lực lượng này bám sát địa bàn, dễ phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi vi phạm.

UBND quận, huyện, thị xã được tăng thẩm quyền trong điều hành, chỉ đạo; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất; hạn chế tình trạng đùn đẩy, né tránh giữa các đơn vị; các hành vi vi phạm được phát hiện và xử lý kịp thời.

Đánh giá của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, sau 1 năm thực hiện thí điểm, việc chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng tại các quận, huyện, thị xã có nhiều thuận lợi hơn và có những chuyển biến tích cực.

Các vi phạm trật tự xây dựng được chỉ đạo xử lý kịp thời theo đúng quy trình, đúng quy định. Qua đó khẳng định được vai trò chủ lực của lực lượng này trong việc góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, lập lại trật tự kỷ cương hành chính trên nhiều lĩnh vực của đô thị như trật tự lòng đường, vệ sinh môi trường, hạ tầng kỹ thuật, nếp sống văn minh đô thị...

Đáng chú ý, qua áp dụng các biện pháp phối hợp kiểm tra, nhiều trường hợp xây dựng vi phạm đã được cán bộ phát hiện và đề xuất biện pháp giải quyết. Lực lượng quản lý trật tự xây dựng đô thị tại các địa bàn đã làm giảm đáng kể số trường hợp xây dựng vi phạm không phép, sai phép của các công trình xây dựng đang thi công tràn lan như những năm trước đây và xử lý được nhiều trường hợp vi phạm tồn đọng kéo dài, nổi cộm. Số công trình được kiểm tra, rà soát tăng, số vụ việc tồn đọng giảm, tỷ lệ công trình có phép so với số công trình không phép tăng cao.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục, nhờ kiên quyết  xử lý và xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp vi phạm với số tiền tăng lên đã có tác động mạnh mẽ đến ý thức và nhận thức của tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, quản lý trật tự đô thị. Việc giải quyết và xử lý các trường hợp "siêu mỏng, siêu méo", đôn đốc thực hiện xử lý các kiến nghị, kết luận sau thanh tra đạt hiệu quả tốt, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động xây dựng chung của thành phố. 

Kết quả, sau một năm thực hiện thí điểm (từ tháng 8/2018 đến tháng 8/2019), các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị đã tiến hành kiểm tra 18.881 công trình (đạt tỷ lệ 100%) và đã phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý đối với 729 trường hợp có vi phạm. Có 134 trường hợp xây dựng không phép; 174 trường hợp xây dựng sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế; 12 trường hợp xây dựng công trình gây ảnh hưởng đến công trình lân cận, gây ô nhiễm môi trường; 409 trường hợp có các vi phạm khác...

Xử lý vi phạm còn chậm

Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu, song, theo Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng, quá trình thí điểm hoạt động của Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc.

Đơn cử như thẩm quyền xử lý vi phạm trật tự xây dựng đối với các Đội này chỉ dừng lại ở việc lập biên bản vi phạm và báo cáo, đề xuất biện pháp theo quy trình của pháp luật. Do đó, dẫn đến việc xử lý vi phạm còn chậm, hiệu quả chưa cao.

Lý giải nguyên nhân, ông Dũng cho biết, dù đã có những quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quản lý trật tự xây dựng nhưng một nơi lãnh đạo chưa thực sự đề cao trách nhiệm, chưa trực tiếp chỉ đạo, điều hành ngăn chặn các vi phạm mà chỉ giao phó cho Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị giải quyết. Một số bộ phận còn nể nang, ngại va chạm dẫn đến việc xử lý chưa được dứt điểm, kịp thời.

Trong khi đó, ý thức tuân thủ pháp luật về xây dựng, đất đai của một số người dân còn bị hạn chế  hoặc có trường hợp cố tình vi phạm.

Mặt khác, sự bất cập về cơ chế, chính sách, mô hình tổ chức hoạt động đối với cán bộ, công chức làm quản lý trật tự xây dựng cũng ảnh hưởng không ít đến quá trình thực thi công vụ. Quy hoạch chi tiết, việc quản lý quy hoạch kiến trúc, thiết kế đô thị một số nơi còn thiếu, nhất là  tại các vùng ven đô có tốc độ đô thị hóa nhanh, dẫn đến khó quản lý vi phạm trật tự xây dựng.

Theo phản ánh của các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị, quá trình triển khai Nghị định 139/2017/NĐ - CP của Chính phủ đã bộc lộ một số hạn chế. Một số hành vi vi phạm có mức phạt cao; quy trình bắt buộc áp dụng đối với tất cả các hành vi vi phạm (ngừng thi công sau 60 ngày) là chưa phù hợp.

Hay việc Nghị định này không quy định hành vi vi phạm xây dựng trên đất không được phép xây dựng nên các công trình xây trên đất công, đất nông nghiệp không có căn cứ để xử lý…

Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu

Năm 2020, cùng với việc tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp ngăn chặn đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các cấp chính quyền và sở, ngành chức năng phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, coi quản lý trật tự xây dựng đô thị là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cơ quan, đơn vị, gắn với phòng chống tham nhũng và cải cách hành chính.

Đồng thời, thành phố yêu cầu các địa phương phải nghiêm túc xem xét kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm và chịu trách nhiệm trước Thành ủy, UBND thành phố về tình hình trật tự xây dựng cũng như tiến độ xử lý các vi phạm tồn đọng...

Để hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật của Nhà nước, Hà Nội kiến nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra năm 2010 theo hướng tổ chức Thanh tra chuyên ngành xây dựng 3 cấp tại các đô thị đặc biệt; xem xét sửa đổi, bổ sung nội dung quy định về việc cấp giấy phép xây dựng đối với các nhà ở riêng lẻ ở nông thôn; sửa đổi, bổ sung Nghị định 139/2017/NĐ - CP theo hướng giảm mức phạt đối với một số hành vi vi phạm phổ biến để việc xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện, đảm bảo tính kịp thời, tăng tính chủ động cho chính quyền cơ sở trong xử lý vi phạm.

Cũng trên cơ sở đề xuất, kiến nghị của các địa phương và sở ngành, Hà Nội sẽ tổng kết 2 năm thực hiện thí điểm mô hình Đội Quản lý trật tự xây dựng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định mô hình hoạt động chính thức của các Đội này tại thành phố Hà Nội.

Minh Nghĩa (TTXVN)