10:00 26/10/2022

Thí điểm đấu giá biển số xe ô tô để mang lại nguồn thu cho ngân sách là cần thiết

Việc thí điểm đấu giá biển số xe ô tô, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước đang nhận được sự quan tâm của cử tri, nhân dân cả nước và được các đại biểu Quốc hội thảo luận sôi nổi.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Giá khởi điểm là 40 triệu

Nhấn mạnh việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá là cần thiết, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ, mục đích xây dựng Nghị quyết nhằm khai thác có hiệu quả tài sản công là biển số xe, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước; đầu tư hệ thống cơ sở vật chất cho công tác đăng ký, cấp biển số; cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân. Đồng thời, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật; mọi người dân đều có quyền bình đẳng trong việc lựa chọn biển số để tham gia đấu giá.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng cho biết, dự thảo Nghị quyết gồm 7 điều quy định về: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; biển số đưa ra đấu giá, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, hình thức đấu giá, phương thức đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người nhận chuyển nhượng, người được cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe; giá khởi điểm, tiền đặt trước; đấu giá trong trường hợp chỉ có một người tham gia đấu giá; điều khoản điểm thi hành.

Theo đó, tại dự thảo trình Quốc hội quy định, biển số đưa ra đấu giá là biển số ô tô dự kiến cấp mới cho xe ô tô của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (Bộ Công an sẽ đưa tất cả biển số chưa đăng ký, chuẩn bị cấp trong quý tới hoặc trong tháng tới tùy từng địa phương ra để người dân lựa chọn, đăng ký tham gia đấu giá).  

Bộ Công an sẽ đăng công khai các biển số xe ô tô dự kiến đưa ra đấu giá trước 45 ngày tổ chức đấu giá (việc đăng tải kho số đưa ra đấu giá nhằm công khai, minh bạch, mọi người dân có thể lựa chọn biển số để tham gia đấu giá theo sở thích). Người có nhu cầu được lựa chọn biển số của tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên toàn quốc để đăng ký tham gia đấu giá, kể cả biển số của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không phải là nơi đăng ký thường trú, đặt trụ sở của người tham gia đấu giá.

Liên quan đến giá khởi điểm, tiền đặt trước, sử dụng nguồn thu từ đấu giá biển số, dự thảo Nghị quyết quy định: Giá khởi điểm của một biển số đưa ra đấu giá là 40 triệu đồng; về tiền đặt trước bằng giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá…

Cần thiết ban hành Nghị quyết về thí điểm

Đề xuất áp dụng thống nhất một mức giá khởi điểm trên toàn quốc là 40 triệu đồng Chủ nhiệm Ủy ban Quốc hội và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Quốc phòng và an ninh (QPAN) nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.

Dự thảo Nghị quyết có một số chính sách mới, khác với quy định của một số luật hiện hành, nên cần trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thực hiện thí điểm là phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 về thẩm quyền, hình thức văn bản.

Về phạm vi thí điểm, Ủy ban QPAN nhất trí thực hiện thí điểm trên phạm vi toàn quốc việc cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá để đáp ứng nhu cầu của người dân tất cả các địa phương. Đồng thời, cũng là để khai thác hiệu quả kho số đăng ký xe ô tô, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước và là cơ sở để tổng kết, đánh giá, kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan khi kết thúc thí điểm để thực hiện ổn định, lâu dài.

Về loại biển số xe ô tô đưa ra đấu giá, Ủy ban QPAN nhất trí với việc chỉ thí điểm chỉ đấu giá đối với biển số ô tô nền trắng chữ đen. Còn đối với loại hình xe hoạt động kinh doanh vận tải thì nhu cầu của người dân muốn được cấp “biển số đẹp”, biển số theo sở thích là rất ít; đối với mô tô, xe gắn máy là phương tiện giao thông đường bộ phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay, nếu mở rộng để thí điểm thì số lượng mô tô, xe gắn máy trong toàn quốc là rất lớn, dẫn đến thiếu tập trung, ảnh hưởng đến việc thực hiện thí điểm.

Video ông Phạm Văn Hòa, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp trả lời phỏng vấn: 

Ông Phạm Văn Hòa, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng việc cấp quyền sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận không nhỏ người mua xe muốn sở hữu biển số xe theo mong muốn cá nhân; bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả công tác quản lý phương tiện giao thông đường bộ. Tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước và tránh dư luận xã hội cho rằng có sự thiếu minh bạch, có hành vi trục lợi trong việc cấp biển số xe, nhất là có nhiều xe ô tô giá trị cao, “xe sang” thường hay có “biển số đẹp”.

Đa số các đại biểu thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá với các lý do như đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Các đại biểu bày tỏ nhất trí việc thực hiện thí điểm trên phạm vi toàn quốc để đáp ứng nhu cầu của người dân các địa phương; đồng thời để khai thác hiệu quả tài sản công, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước và là cơ sở để tổng kết, đánh giá, kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan khi kết thúc thí điểm để thực hiện ổn định, lâu dài.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị làm rõ việc tham gia đấu giá ở tất cả các địa phương thì công tác quản lý như thế nào để đạt được hiệu quả tốt nhất. Cũng có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị thí điểm đối với những vấn đề mới, chưa được kiểm nghiệm qua thực tiễn cần tiến hành thận trọng trong một phạm vi không gian, thời gian nhất định để kiểm soát tác động. Sau khi thí điểm thành công mới mở rộng phạm vi áp dụng. Một số nghị quyết thí điểm của Quốc hội ban hành gần đây về tổ chức mô hình chính quyền đô thị, cơ chế, chính sách đặc thù… đều giới hạn phạm vi thực hiện thí điểm tại một số địa phương.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng cần quy định phạm vi điều chỉnh không nên liệt kê các nội dung cụ thể được quy định trong dự thảo Nghị quyết. Đồng thời đề nghị rà soát đối tượng áp dụng để bảo đảm tính đầy đủ; bổ sung quy định về doanh nghiệp, tổ chức cá nhân tham gia đấu giá phải bảo đảm đủ điều kiện đăng ký xe ô tô theo quy định của pháp luật hiện hành.

Bài, ảnh, video: V. Tôn/Báo Tin tức