09:20 11/09/2021

Theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 5 để chủ động ứng phó

Chiều 11/9, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành liên quan và 5 tỉnh, thành phố gồm: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Chú thích ảnh
Các lực lượng hỗ trợ người dân Thừa Thiên - Huế sơ tán đến nơi an toàn. Ảnh: TTXVN phát

Sáng 12/9, bão có khả năng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới khi đi vào đất liền

Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, hồi 16 giờ ngày 11/9, vị trí tâm bão cách bờ biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi khoảng 110 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (65 - 90 km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 120 km tính từ tâm bão.

Đến 22 giờ ngày 11/9, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 5 - 10 km/h, nằm ngay trên vùng biển từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi.

Từ 22 giờ ngày 11/9 đến 4 giờ ngày 12/9, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 5 - 10 km, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới đi vào đất liền khu vực từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40 - 60 km/giờ), giật cấp 10.

Do ảnh hưởng của bão số 5 tại trạm đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định đã có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-250mm, có nơi trên 300mm.

Đỉnh lũ trên các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum ở mức báo động 1 và trên báo động 2; các sông từ Hà Tĩnh đến Huế lên mức báo động 1 đến báo động 2 và trên báo động 2. Nguy cơ ngập lụt tại 40 huyện, thị xã: Kỳ Anh, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh); Tuyên Hóa, Minh Hóa, Lệ Thủy, Quảng Ninh, Quảng Trạch, Bố Trạch, thành phố Đồng Hới, Ba Đồn (Quảng Bình);

Hướng Hóa, Đắk Rông, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, Cam Lộ, thành phố Đông Hà, thành phố Quảng Trị (Quảng Trị); A Lưới, Phong Điền, Nam Đông, Phú Vang, thành phố Huế, Phú Lộc, Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế); Liên Chiểu, Hòa Vang (Đà Nẵng); thành phố Tam Kỳ, Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, thành phố Hội An (Quảng Nam); Bình Sơn, Mộ Đức, Tư Nghĩa, thành phố Quảng Ngãi (Quảng Ngãi).

Các huyện có nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét sạt lở đất: Hướng Hóa, Đăk Rông (Quảng Trị); Hương Thủy, A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Hương Trà (Thừa Thiên-Huế); Nam Giang, Tây Giang, Phước Sơn (các xã Phước Hòa, Phước Thành, Phước Công, Phước Kim), Nam Trà My (xã Trà Vân), Bắc Trà My (các xã Trà Bùi, Trà Nú), Quế Sơn, Tiên Phước, Đại Lộc (xã Đại Hồng) tỉnh Quảng Nam: Trà Bồng, Tây Trà, Sơn Tây, Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long (Quảng Ngãi); Konplong, Tu Mơ Rông, Đăk glei (Kon Tum).

Sẵn sàng phương án ứng phó

Chú thích ảnh
Gia đình ông Nguyễn Chí Thanh, thôn Hòa Thuận, xã Tịnh Hòa, thành phố Quảng Ngãi thu hoạch cá đối “chạy lũ”. Ảnh: Lê Ngọc Phước/TTXVN

Đại tá Phạm Hải Châu, Phó Cục trưởng, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, cho biết, hiện nay, Bộ Quốc phòng đã triển khai thực hiện nghiêm công điện của Chính phủ về ứng phó với bão số 5 trong điều kiện dịch COVID-19.

Theo dự báo ban đầu, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ về ứng phó với thiên tai, mưa lũ, bão lớn trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; chỉ đạo các đơn vị từ Quân khu 1 đến Quân khu 5. Đến thời điểm này, Quân khu 4 và Quân khu 5 đã triển khai sẵn sàng ứng phó trên các địa bàn trọng điểm bão sẽ đổ bộ. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển đã kêu gọi, kiểm đếm tàu thuyền vào bờ an toàn.

“Hiện nay, quân đội sẵn sàng huy động trên 530.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ; hơn 3.400 phương tiện sẵn sàng ứng phó với các tình huống, đặc biệt sẵn sàng điều động 15 máy bay, 105 tàu, hơn 1.000  xuồng các loại, 160 xe đặc chủng để tham gia cứu hộ, cứu nạn mọi tình huống. Riêng đối với địa bàn Quân khu 4 và Quân khu 5, Bộ Quốc phòng đã chuẩn bị hơn 200 lượt cán bộ chiến sĩ với hơn 2.000 lượt phương tiện sẵn sàng tham gia các tình huống” - Đại tá Phạm Hải Châu nêu rõ.

Để tiếp tục triển khai ứng phó với bão, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thực hiện nghiêm chế độ trực, sẵn sàng triển khai lực lượng ứng phó, phối hợp với địa phương sơ tán dân đến nơi an toàn.

Thông tin từ Bộ Tư lệnh Biên phòng cho biết, tính đến 13 giờ ngày 11/9, đơn vị đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 71.500 phương tiện/349.088 ngư dân, trong đó có 89 tàu hoạt động ven bờ trên vùng biển từ Hà Tĩnh - Bình Định đang di chuyển về bờ; hiện không còn tàu thuyền trong khu vực nguy hiểm; 20 tàu Bình Định vào Quảng Ngãi ở nơi tránh trú (thuyền viên không lên bờ).

Đối với tàu cá Quảng Ngãi QNg-95058TS/5 bị chết máy, phá nước, Cảnh sát biển vùng III đã huy động tàu đang trên đường ra cứu nạn và giữ liên lạc với tàu cá nêu trên.

Các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và thành phố Đà Nẵng, đã chủ động cấm biển.

Các địa phương từ Quảng Trị - Quảng Ngãi trong vùng ảnh hưởng của bão đã rà soát phương án sơ tán dân trong tình huống dịch COVID-19, dự kiến sơ tán 331.392 dân khu vực ven biển; rà soát các đối tượng trong diện F0, F1 để có phương án cách ly, sơ tán riêng cũng như biện pháp y tế phù hợp để an toàn dịch bệnh. Các khu vực cách ly đã có phương án sơ tán dân đảm bảo an toàn tại chỗ.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, thành phố đã kêu gọi các tàu thuyền vào bờ an toàn, trong đó có 314 tàu với 849 người của các tỉnh. Thành phố cũng tiến hành test COVID-19 cho các ngư dân trên tàu để khi có lệnh sẽ di chuyển các ngư dân lên bờ tránh trú đảm bảo an toàn tính mạng nhân dân cũng như công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Hoàng Hải Minh, tỉnh chỉ đạo các phương án đảm bảo an toàn trong ứng phó với bao số 5 như, cắt tỉa cành cây, kiểm tra hệ thống điện, kêu gọi tàu thuyền vào bờ, dữ trữ 100 tấn gạo, mì ăn liền, đưa dân ra khỏi nơi nguy hiểm, chuẩn bị kế hoạch, phương án an toàn cho các khu cách ly...

Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh đã ban hành chỉ thị và công điện trong việc ứng phó với bão số 5, đồng thời dừng tất các công trình đang thi công.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu khẳng định tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng và địa phương thuộc tỉnh có kế hoạch, phương án cụ thể trong ứng phó bão số 5 trong bối cảnh dịch COVID-19.

Ứng phó kịp thời với mưa lớn và khả năng ngập lụt

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng hỗ trợ ngư dân dọn dẹp ngư lưới cụ, chằng chống tàu thuyền tại Âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà). Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý, theo cảnh báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão số 5 gây mưa lớn và có tới 40 huyện, thị xã có nguy cơ ngập lụt, nhiều khu vực có nguy cơ lũ quét sạt lở đất. Do vậy, các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 5 chủ động chỉ đạo đảm bảo an toàn tính mạng người dân và hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra. Đồng thời, phải có kịch bản, kế hoạch chi tiết trong ứng phó bão gắn với đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19. Để làm được điều này cần hạn chế tối đa việc di dân khi chưa cần thiết, nếu tình huống bắt buộc phải di dân thì thực hiện việc di dân tại chỗ là tốt nhất.

Bên cạnh đó, cần thực hiện việc kêu gọi tàu thuyền vào bờ an toàn; đồng thời, lực lượng xung kích tại cơ sở rà soát lại các khu vực nguy hiểm, đưa nhân dân ở các lồng bè, chòi cảnh thủy, hải sản và nơi tránh trú an toàn.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu các địa phương chỉ đạo việc ứng phó với bão, trong đó tập trung vào đề xuất của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai như theo dõi sát diễn biến của bão, thông tin kịp thời đến người dân trong vùng bị ảnh hưởng của bão trên các phương tiện thông tin công cộng (đài, loa xã phường…).

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cần thường xuyên cập nhật, kịp thời cung cấp các bản tin dự báo cảnh báo bão, mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.

Đồng thời, các địa phương cần sẵn sàng phương án di dời dân cư vùng ven biển, trũng thấp, đặc biệt là khu vực huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế; vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Cùng với đó, cơ quan chức năng tổ chức cần nhắn tin ngay về tình hình diễn biến cơn bão đến thuê bao trong khu vực nguy hiểm.

Các bộ, ngành, địa phương cần tổ chức xét nghiệm, xác định F0, F1, F2 đảm bảo an toàn các điều kiện cách ly (các điều kiện 5K), cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu;  khẩn trương thu hoạch lúa, rau màu, chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cây; gia cố hệ thống lưới điện và sẵn sàng phương án khắc phục sự cố; rà soát, dừng các công trường đang thi công, nhất là vùng ven biển, trên cao, ven sông suối; duy trì lực lượng cứu hộ, cứu nạn, nhất là bố trí phương tiện, trang thiết bị tại các vị trí xung yếu để sẵn sàng ứng cứu, xử lý khi có yêu cầu; sẵn sàng cử các đoàn công tác chỉ đạo hiện trường trong tình huống bão, mưa lũ diễn biến phức tạp; tăng cường lực lượng, tổ chức trực ban phòng, chống thiên tai 24/24h, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy.

Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan báo chí cần đưa tin kịp thời diễn biến của bão, mưa lũ và công tác chỉ đạo ứng phó để người dân biết, chủ động phòng, tránh.

TTXVN/Báo Tin tức