04:17 21/04/2025

Theo dấu chân đoàn quân chiến thắng - Bài 1: Dấu ấn Phan Rang

Cách đây 50 năm, từ những thắng lợi vang dội với các đòn tiến công chiến lược ở mặt trận Tây Nguyên, Trị Thiên - Huế, Đà Nẵng, quân và dân ta tiếp tục mở các chiến dịch Phan Rang - Xuân Lộc, tạo đà cho Chiến dịch Hồ Chí Minh “thần tốc, táo bạo, quyết chiến và toàn thắng”.

Nhìn lại quá trình của các thế hệ cha, anh 50 năm trước, từ khoan thủng “lá chắn thép” Phan Rang, đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc, đến thẳng tiến vào đầu não của chính quyền Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện chùm 3 bài viết ghi lại các dấu mốc quan trọng của các chiến dịch, đồng thời phản ánh những đổi thay của các địa phương sau 50 năm.

Chú thích ảnh
Quân giải phóng đánh chiếm sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận). Ảnh tư liệu: Đinh Quang Thành/TTXVN

Bài 1: Dấu ấn Phan Rang

Xác định Phan Rang là tuyến phòng thủ trọng yếu, Chính quyền Sài Gòn đã tập trung một lực lượng mạnh, tăng cường pháo binh, xe tăng và các phương tiện chiến tranh hiện đại cho tuyến phòng thủ này, tuyên bố tử thủ Phan Rang, với hy vọng chặn đứng Cánh quân Duyên Hải, tiêu hao, ghìm giữ một lực lượng lớn Quân giải phóng, giữ vững thế phòng ngự chiến lược. Vì thế, Phan Rang được coi là nơi cố thủ quyết chiến của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Trong bối cảnh đó, quân ta với khí thế của các chiến thắng vang dội trước đó đã tấn công dồn dập, nhanh chóng phá tan phòng tuyến Phan Rang - nơi được mệnh danh là “lá chắn thép” bảo vệ Sài Gòn của địch.

Phá vỡ phòng tuyến Phan Rang

Để giữ vững “lá chắn thép”, đế quốc Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã tăng cường, bố trí tại đây một lực lượng lớn cùng nhiều phương tiện chiến tranh, có sự yểm trợ của không quân và hải quân. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, chắc thắng của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Cánh quân Duyên hải phối hợp cùng các lực lượng tại chỗ, trong đó có quân và dân Ninh Thuận đánh chiếm Phan Rang, mở thông đường cho các lực lượng từ phía Bắc tiến quân về giải phóng Sài Gòn.

Lúc 5 giờ 30 phút ngày 14/4/1975, quân chủ lực bắt đầu tiến công, sử dụng trọng pháo và xe tăng đột kích đánh thẳng vào tuyến phòng thủ của địch trên đường 1 tại khu vực Du Long - Kiền Kiền, các điểm cao 105, 300, Bà Râu, Suối Vang, Suối Đá... Địch vỡ phòng tuyến, tháo chạy tán loạn về hướng thị xã Phan Rang. Đến khu vực Ba Tháp - Hộ Diêm, quân địch tiếp tục bị Đại đội Đặc công 311 từ căn cứ Cà Đú xuống đánh tạt sườn, gây tổn thất nặng nề. Quân ta chiếm các vị trí dọc đường 1, đường 11, áp sát sân bay Thành Sơn và cảng Ninh Chử.

Sáng 16/4/1975, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 và Sư đoàn 3 đã phát lệnh tấn công. Lực lượng ta chia làm 3 mũi chính: mũi thứ nhất có xe tăng dẫn đầu tiến theo Quốc lộ 1, sau khi đánh chiếm Phan Rang sẽ tiến lên sân bay Thành Sơn từ hướng Nam; mũi thứ 2 từ hướng Tây Bắc đánh thẳng vào sân bay Thành Sơn; mũi thứ 3 đánh chiếm cảng Ninh Chử, không cho địch tháo chạy ra biển.

Đến 9 giờ 30 phút ngày 16/4/1975, "lá chắn thép" Phan Rang mà địch dựng nên đã bị quân ta phá tan. Cờ Mặt trận giải phóng phấp phới tung bay trên đỉnh Tòa hành chính - cơ quan đầu não Ngụy quyền Ninh Thuận, tỉnh Ninh Thuận hoàn toàn giải phóng.

Việc đập tan "Lá chắn thép Phan Rang” của quân và dân ta có ý nghĩa to lớn về quân sự và chính trị, làm lung lay tận gốc hệ thống phòng ngự quanh Sài Gòn, phá tan hoàn toàn âm mưu co cụm chiến lược của chúng, buộc Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức, góp phần vào thắng lợi của Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước mùa Xuân năm 1975.

Nửa thế kỷ qua, nói về chiến thắng “Lá chắn thép Phan Rang”, người dân nơi đây vẫn mãi khắc cốt ghi tâm sự hy sinh xương, máu của quân và dân ta đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước. Chiến thắng này vẫn còn nguyên giá trị để thế hệ hôm nay kế thừa, phát triển, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Sắc xanh trên “tiểu sa mạc”

Chú thích ảnh
Tỉnh Ninh Thuận phấn đấu năm 2025 kinh tế biển đóng góp 42 - 43% vào GRDP. Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Năm mươi năm sau Ngày Giải phóng đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và 33 năm tái lập (1/4/1992 - 1/4/2025), Ninh Thuận từ tỉnh nhỏ còn nhiều khó khăn và thử thách, nay đã có sự đột phá táo bạo, đạt nhiều thành quả đáng tự hào, ngày càng khẳng định vị thế trên bản đồ kinh tế quốc gia.

Là địa phương thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, với diện tích tự nhiên 3.358 km2. Toàn tỉnh có 32 dân tộc thiểu số với 40.645 hộ/184.496 khẩu, chiếm 24,31% dân số toàn tỉnh. Ninh Thuận được ví như vùng đất “tiểu sa mạc”, chủ yếu là “nắng và gió”, “gió như phan, nắng như rang”. Tuy nhiên, “nắng và gió” chỉ là cái khó của những năm về trước. Nay, “nắng, gió” đang trở thành nguồn tài nguyên vô tận, rất quan trọng và được xem “nắng vàng, biển bạc” trong chiến lược phát triển “xanh” mà tỉnh đã xác định.

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của Trung ương, tỉnh Ninh Thuận đã và đang tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn của “nắng và gió”, của “biển xanh, cát trắng, nắng vàng” tạo động lực phát triển mới. "Vùng đất khát" Ninh Thuận trước đây đã được bao phủ bởi các dự án điện gió, điện mặt trời, đang hướng đến trở thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước với công suất hiện hữu trên 3.750 MW; trở thành tài nguyên du lịch hạng nhất, vươn tới trở thành Trung tâm sản xuất giống thủy sản chất lượng cao của cả nước…

Ngoài lợi thế của “nắng, gió”, của “biển xanh”, Ninh Thuận có vị địa lý khá đắc địa, nằm trong vùng tam giác phát triển vùng Duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Theo đó, những năm qua, Ninh Thuận đã mở rộng không gian phát triển, đầu tư cảng biển nước sâu, phát triển hạ tầng giao thông nối cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1 vào cảng và khu công nghiệp, đầu tư mạng lưới giao thông kết nối liên vùng với các tỉnh, thành phố trong khu vực để tạo thuận lợi cho lưu thông, giao thương hàng hóa…

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, những năm qua, tỉnh luôn ưu tiên, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, tập trung vào các khâu đột phá và phát triển các ngành, lĩnh vực trọng tâm, ưu tiên thúc đẩy như: Năng lượng, năng lượng tái tạo, du lịch đẳng cấp cao, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến, chế tạo, kinh tế đô thị… đều tăng trưởng mạnh, góp phần đáng kể vào tăng trưởng chung của tỉnh.

Lợi thế và tương lai phát triển của Ninh Thuận càng được thể hiện rõ khi được Trung ương thống nhất chủ trương tái khởi động dự án điện hạt nhân theo Nghị quyết số 174/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội, khẳng định Ninh Thuận sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, hướng tới trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước.

Với hướng đi đúng đắn, táo bạo, Ninh Thuận đã biến cái “không thể” thành “có thể”, đưa tỉnh phát triển một cách toàn diện, nhanh và bền vững. Trong giai đoạn 2018 - 2023, quy mô nền kinh tế của tỉnh tăng hơn 1,7 lần, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt gần 9%, nằm trong nhóm cao nhất cả nước. Riêng năm 2024, tăng trưởng kinh tế ước đạt 8,74%, xếp vị thứ 4/14 khu vực; xếp 16/63 cả nước.

Những năm qua, kinh tế phát triển, đời sống của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Ninh Thuận không ngừng được cải thiện, chất lượng giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân không ngừng được nâng lên. Cuối năm 2024, GRDP bình quân đầu người ước đạt 98,2 triệu đồng/năm; hộ nghèo giảm bình quân 1,5 - 2%/năm; đến nay, hộ nghèo đa chiều chiếm 2,6%, hộ cận nghèo chiếm 3,89%. Các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc luôn được bảo tồn và phát huy; trật tự an toàn xã hội được tăng cường; quốc phòng - an ninh được giữ vững.

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nêu rõ, để hiện thực hóa những mục tiêu lớn hơn, tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả 3 khâu đột phá quan trọng và 6 ngành lĩnh vực trọng tâm, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng; đồng thời đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt quy hoạch, đất đai, xây dựng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực… để tiếp sức mạnh hơn nữa cho phát triển trong chặng đường mới.

Bài 2: “Đất thép” Xuân Lộc nở hoa

Công Thử (TTXVN)