05:17 22/05/2020

Thêm rào cản cho tiến trình hòa bình Trung Đông

Căng thẳng Trung Đông đang nóng trở lại khi Chính phủ Israel vừa nhậm chức đã xúc tiến kế hoạch sáp nhập một khu vực rộng lớn ở Bờ Tây ngay từ mùa Hè này.

Kế hoạch lập tức vấp phải phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt của Palestine, trong đó Chính quyền Palestine (PA) tuyên bố chấm dứt hiệp định hòa bình Oslo ký năm 1993 giữa Chính phủ Israel và Tổ chức giải phóng Palestine (PLO), bao gồm mọi thỏa thuận hợp tác hợp tác an ninh và các quan hệ dân sự với Israel. Những căng thẳng này đe dọa đặt Trung Đông trước một chu kỳ bất ổn mới, có thể thổi bùng lên ngọn lửa xung đột đang âm ỉ ở nhiều nơi và tạo môi trường thuận lợi cho các phong trào cực đoan như tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng lợi dụng tình hình để trỗi dậy.

Chú thích ảnh
Một khu định cư của Israel ở thị trấn Eizariya, Bờ Tây. Ảnh: AFP/TTXVN

Kế hoạch của Israel sáp nhập một số khu vực tại Bờ Tây và thung lũng chiến lược Jordan là một phần trong thỏa thuận liên minh thành lập chính phủ giữa Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu - Chủ tịch đảng Likud - và Phó Thủ tướng Benny Gantz, lãnh đạo đảng Xanh-Trắng. Đây cũng là một nội dung cốt lõi trên chiến lược tranh cử của ông Benjamin Netanyahu qua cả 3 cuộc bầu cử tại Israrael trong vòng 1 năm qua. Tuy nhiên, PA kiên quyết phản đối kế hoạch này, cho rằng hoạt động sáp nhập của Israel sẽ hủy hoại giải pháp hai nhà nước cũng như bất kỳ cơ hội nào về thành lập một nhà nước Palestine độc lập. 

Trên thực tế thì trong vài năm trở lại đây, Israel đã đẩy nhanh các hoạt động xây dựng khu định cư Do Thái ở Bờ Tây, dù hoạt động này của Tel Aviv bị coi là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế và đây cũng là một trong những trở ngại lớn đối với tiến trình hòa đàm giữa Palestine và Israel kể từ năm 2014. Trong hơn 3 năm qua, có trên 22.000 căn nhà tái định cư đã được Israel phê duyệt xây dựng tại Khu C và Đông Jerusalem.  Theo số liệu chính thức của Israel, trong thập niên qua, dân số Israel tại các khu định cư ở Bờ Tây đã tăng 50%. Hơn 450.000 người Israel đang sinh sống tại các khu định cư ở Bờ Tây và khoảng 200.000 người ở Đông Jerusalem

Bên cạnh thúc đẩy xây dựng các khu định cư, khả năng sáp nhập các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng ở Bờ Tây cũng được Israel đề cập, trong bối cảnh Mỹ phát tín hiệu "bật đèn xanh". Tháng 11/2019, Mỹ gần như đảo ngược chính sách về vấn đề này, khi Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố Washington không còn xem các khu định cư của Israel tại Bờ Tây là không phù hợp với luật pháp quốc tế, mặc dù Liên hợp quốc và các nước khẳng định hoạt động tái định cư của Israel là sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế như được nêu trong Nghị quyết 2234 của Hội đồng Bảo an năm 2016.

Đầu năm nay, Mỹ tiếp tục có bước đi "hợp thức hóa" việc Israel chiếm giữ phần lớn Bờ Tây. Ngày 28/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố bản kế hoạch hòa bình Trung Đông gây tranh cãi dài 80 trang, cho phép Israel sáp nhập các khu định cư tại Bờ Tây và Thung lũng Jordan. Giới phân tích nhận định kế hoạch của Mỹ khá thiên vị cho Israel khi "xem trọng" mục tiêu chiến lược của Israel về sáp nhập khu định cư ở Bờ Tây nhiều hơn là tính đến quyền lợi của người Palestine. Sự hậu thuẫn của Mỹ có vẻ càng củng cố quan điểm cứng rắn và quyết tâm của Israel về sáp nhập khu định cư ở Bờ Tây. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, trong phát biểu khi cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump dự buổi công bố kế hoạch tại Nhà Trắng, đã lập tức tuyên bố sẽ tiến hành các bước đi tiến tới sáp nhập tất cả các khu định cư tại Bờ Tây và Thung lũng Jordan. 

Việc Chính quyền Palestine chấm dứt mọi thỏa thuận hợp tác hợp tác an ninh và các quan hệ dân sự với Israel đã được cảnh báo từ lâu bởi Palestine cho rằng bước đi của Israel tại khu Bờ Tây sẽ “khai tử” tiến trình hòa bình Trung Đông và phá vỡ giải pháp thành lập hai nhà nước tồn tại song song cho người Palestine và người Israel. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas nhấn mạnh các kế hoạch sáp nhập cho thấy chính Israel không còn muốn tuân thủ các thỏa thuận hòa bình giữa hai bên.

Theo Giáo sư về luật quốc tế tại Đại học Hebrew của Jerusalem (Israel), ông Yuval Shany, kế hoạch này cho phép Israel đơn phương sáp nhập vùng lãnh thổ được cộng đồng quốc tế coi là một phần của những khu vực mà quyền tự quyết của Palestine cần được thực thi. Do đó, kế hoạch này không cho người dân Palestine thực hiện quyền tự quyết của mình theo luật quốc tế và sẽ không dẫn đến sự tồn tại của một nhà nước Palestine.

Việc Israel xúc tiến kế hoạch mở rộng các khu định cư ở Bờ Tây càng châm ngòi cho sự nghi kỵ, làm gia tăng căng thẳng giữa người Palestine và Israel, ngày càng đẩy ra xa tương lai chấm dứt xung đột. Theo một kết quả khảo sát của Ủy ban Chữ thập đỏ mới đây, 65% người Israel và 52% người Palestine tin rằng với tình hình hiện nay thì cuộc xung đột này sẽ không bao giờ chấm dứt. 

Kế hoạch sáp nhập của Israel, nếu được thực hiện, sẽ đẩy xung đột âm ỉ và dai dẳng bấy nay giữa Israel và Palestine lên một nấc thang mới. Nếu hợp tác an ninh giữa hai bên chấm dứt, nguy cơ bạo lực và các cuộc đối đầu trên diện rộng là hiện hữu, thậm chí có thể xuất hiện một cuộc nổi dậy mới của người Palestine chống Israel. Bên cạnh đó, kế hoạch của Israel cũng có nguy cơ "kích hoạt" căng thẳng giữa nước này với Jordan. Nhà Vua Jordan Abdullah II từng tuyên bố việc Israel thực hiện kế hoạch sáp nhập trên sẽ dẫn tới "đụng độ lớn" với Jordan và Jordan sẽ tính đến tất cả các lựa chọn.

Triển vọng hòa bình Trung Đông đang trở nên mờ mịt hơn bao giờ hết, trong khi vòng xoáy bạo lực mới lại manh nha xuất hiện.

Trước nguy cơ này, Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều nước đã hối thúc Israel hủy bố kế hoạch sáp nhập các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và ngừng thúc đẩy xây dựng các khu định cư ở Bờ Tây. Đặc phái viên của LHQ về Trung Đông Nickolay Mladenov tuyên bố hành động của Israel sáp nhập một phần Bờ Tây sẽ giáng một đòn mạnh vào giải pháp hai nhà nước được cộng đồng quốc tế hậu thuẫn, đóng lại cánh cửa đàm phán và đe dọa nỗ lực tìm kiếm hòa bình cho khu vực.

Ngoại trưởng EU Josep Borrell tuyên bố EU không công nhận chủ quyền của Israel đối với Bờ Tây và "bất cứ hoạt động sáp nhập nào sẽ là sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế". Hội đồng Đối ngoại EU đã thảo luận các lựa chọn phản ứng trước những động thái của Israel, bao gồm cả khả năng trừng phạt nhằm ngăn chặn Israel thực hiện kế hoạch. Đức, Pháp, Saudi Arabia... cũng bày tỏ phản đối Israel.

Có thể coi kế hoạch sáp nhập của Israel cũng như kế hoạch hòa bình Trung Đông mà Mỹ đưa ra chính là những bước đi liên tục làm mất lòng tin của Palestine và các nước Arab, cũng là rào cản mới đối với tiến trình hòa bình Trung Đông. Tuy nhiên, giới chuyên gia về Trung Đông cho rằng vẫn còn cơ hội để đảo ngược tình hình. Chuyên gia phân tích Ahmad Rafiq Awad từ Ramallah nhận định: “Tổng thống Abbas vẫn để ngỏ một phần cánh cửa cho các cuộc đàm phán nghiêm túc với các đảm bảo mới và nền tảng mới”. Ngược lại, việc Israel có thể sớm hiện thực hóa kế hoạch trên trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới hay không cũng là một câu hỏi, bởi hiện nay, nhiệm vụ chủ chốt của Chính phủ Israel là kiểm soát dịch COVID-19 và giải quyết vấn đề kinh tế.

Trong chính phủ mới của Israel, bản thân ông Gantz, người theo thỏa thuận sẽ nắm cương vị thủ tướng sau 18 tháng nữa, từng tuyên bố sẽ chỉ thực hiện kế hoạch trên nếu có sự ủng hộ của quốc tế. Trong khi đó, hiện Mỹ đang bước vào giai đoạn tranh cử quyết liệt, ứng cử viên tổng thống tiềm tàng của đảng Dân chủ Joe Biden từng khẳng định ông phản đối ý định của Israel sáp nhập các khu vực ở Bờ Tây. Những yếu tố này có thể sẽ tác động tới những bước đi cụ thể của cả Israel và Palestine trong thời gian tới.

Bạch Dương (TTXVN)