08:06 06/08/2022

Thêm nhiều thủ đoạn mới về gian lận thương mại

Theo Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) 389 Quốc gia Lê Thanh Hải, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn phức tạp, trọng điểm tại các khu vực đường mòn, lối mở, kênh, rạch, sông, suối biên giới...

Chú thích ảnh
Nhiều thủ đoạn buôn lậu đã bị cơ quan Hải quan phát hiện. Ảnh: TTXVN.

Hàng hóa vi phạm tập trung nhiều vào các nhóm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng có thuế suất cao, hàng cấm như: Ma túy, vật liệu nổ, pháo nổ, rượu ngoại, thuốc lá điếu ngoại, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Ông Nguyễn Văn Cẩn - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho biết: Thời gian qua, lực lượng hải quan đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, biên phòng để đấu tranh với các thủ đoạn tinh vi; tổ chức lực lượng phòng chống từ xa, đánh đúng, đánh trúng đối tượng. 

“Một nhóm đối tượng gian lận thương mại tinh vi bị phát hiện, xử lý là lợi dụng loại hình sản xuất xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, nổi cộm là mặt hàng hạt điều. Nhận thấy dấu hiệu bất thường trong hoạt động xuất nhập khẩu hạt điều, hải quan đã phối hợp với lực lượng công an lật tẩy hành vi của các doanh nghiệp nhập khẩu hạt điều để phục vụ sản xuất xuất khẩu nhưng cố tình mang tiêu thụ trong nội địa hòng trốn thuế”.

Nhóm đối tượng này lợi dụng chính sách để gian lận về xuất xứ “made in Vietnam”, cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) không đúng quy định, khiến hải quan gặp không ít khó khăn trong việc xử lý. Do vậy theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, cần sửa đổi các cơ chế, chính sách không còn phù hợp để nâng cao công tác đấu tranh, ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi vi phạm. Thêm một thủ đoạn mới về gian lận thương mại mà ngành Hải quan đang xác minh, điều tra. Cụ thể: Các đối tượng lợi dụng việc tăng giá của cước vận chuyển, vỏ container. Một số hãng tàu mua vỏ container mới nhưng lại khai báo vỏ container của hãng tàu.

Trong số vụ việc do lực lượng Hải quan bắt giữ nửa đầu năm 2022, cơ quan hải quan đã phân loại thành nhiều nhóm đối tượng vi phạm pháp luật "truyền thống" gian lận thương mại trước đây như: Xuất khống, gian lận chủng loại, trị giá, xuất xứ, số lượng...Trong đó, có nhóm đối tượng lợi dụng thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới, các tổ chức kinh doanh cấu kết với các đối tượng làm thuê…để thực hiện hành vi phạm tội. Đáng lưu ý, riêng trên tuyến hàng không, hải quan đã phát hiện, xử lý hơn 100 vụ ma túy/140 đối tượng, thu giữ gần nửa tấn ma túy tổng hợp.

Một điểm rất đáng lo ngại nữa là việc gia tăng hành vi gian lận xuất xứ nguồn gốc…Do đó, Tổng cục Hải quan đề xuất tăng cường phối hợp các lực lượng chức năng trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; BCĐ 389 Quốc gia duy trì việc tập hợp khó khăn, vướng mắc của lực lượng chức năng theo hướng phân loại nhóm để kịp thời tháo gỡ.

Theo Đại tá Vũ Như Hà - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an), hoạt động của TMĐT phát triển cùng với kinh tế số nên việc người dân lợi dụng để gian lận thương mại sẽ còn gia tăng với các hành vi trốn thuế, lừa đảo… Từ nay tới cuối năm, các hoạt động gian lận thương mại sẽ gia tăng theo hướng phức tạp do nhu cầu về hàng tăng. Bên cạnh đó, sau khi mở cửa trở lại, hoạt động vận chuyển hàng hóa trên tuyến hàng không tăng vọt, do đó, tuyến vận chuyển này ngày càng tiềm ẩn phức tạp.

Đồng tình quan điểm này, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho rằng: Trong thời gian bùng dịch COVID-19, hoạt động TMĐT rất phát triển. Các tổ chức, cá nhân lợi dụng giao diện điện tử sử dụng nhiều phương thức thủ đoạn từ rao bán quảng cáo, đăng tải mặt hàng trên Facebook, Tik Tok, Instagram…Hầu hết các mặt hàng này đều xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, là hàng giả, kém chất lượng.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng quản lý thị trường phát hiện, xử lý hơn 17,3 nghìn vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính, nộp ngân sách nhà nước trên 137 tỷ đồng. “Từ nay tới cuối năm, lực lượng quản lý thị trường tiếp tục giám sát mặt hàng xăng dầu, một số mặt hàng nổi cộm như: trang thiết bị y tế, dược phẩm, mỹ phẩm, đường cát, vật liệu nổ, ma túy…”, ông Trần Hữu Linh cho biết. Theo Tổng cục Quản lý thị trường, trong giai đoạn giá xăng dầu điều chỉnh tăng cao liên tiếp dẫn đến giá cả các hàng hóa khác biến động mạnh, các đơn vị quản lý thị trường đã huy động lực lượng tối đa nhằm kiểm soát các đại lý xăng dầu trên thị trường, từ đó kiểm soát chất lượng mặt hàng và đảm bảo nguồn cung cho người dân.

Sau khi mở cửa, tình hình gian lận thương mại tăng trở lại với những hành vi tẩy xóa mác đưa vào lưu thông hàng cận hạn sử dụng, hết hạn sử dụng. Một hành vi khác có chiều hướng gia tăng đó là việc thành lập doanh nghiệp nhằm trốn thuế, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng…

Trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 54.199 vụ việc vi phạm, giảm 25,05% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó 5.243 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu (giảm 53,72% so với cùng kỳ năm 2021); 47.781 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế, giảm 4,72% so với cùng kỳ năm 2021; 1.019 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, giảm 90,61% so với cùng kỳ năm ngoái. Thu nộp ngân sách Nhà nước 3.728 tỷ đồng.

Nhiều vụ việc, vụ án, đối tượng cầm đầu, đường dây ổ nhóm, tụ điểm phức tạp về buôn lậu thương mại và hàng giả trên cả nước đã được các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, tạo sự răn đe, phòng ngừa. Cùng với đó, công tác phối hợp giữa BCĐ 389 các bộ, ngành thành viên, các địa phương, đặc biệt là những cơ quan chuyên trách như Hải quan, Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Quản lý thị trường… được triển khai thường xuyên và nhiều vụ việc, vụ án, chuyên án lớn về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã được phát hiện và xử lý kịp thời, hiệu quả.

Theo nhiều chuyên gia trong ngành, thời gian qua mặc dù đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm, một số hành vi vi phạm giảm song thủ đoạn ngày càng tinh vi. Số vụ việc được phát hiện xử lý có quy mô lớn hơn, tính chất phức tạp, phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn, xu hướng chuyển dịch từ quy mô nhỏ lẻ sang lợi dụng pháp nhân để hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Hiện nay, việc các đối tượng vi phạm lợi dụng môi trường TMĐT để hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra khá thường xuyên, công khai và phức tạp. Các cơ quan, lực lượng chức năng cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện, bắt giữ, xử lý.

 

Tuyết Nhung/Báo Tin tức