04:09 02/04/2015

Thêm nhiều nước đăng ký tham gia AIIB

Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng đang tiếp tục đón nhận sự quan tâm từ nhiều quốc gia.

Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng đang tiếp tục đón nhận sự quan tâm từ nhiều quốc gia.

Bộ Tài chính Bồ Đào Nha cho biết nước này chính thức gửi đơn xin gia nhập AIIB hôm 31/3, hạn chót để đăng ký trở thành thành viên. Iceland cũng có động thái tương tự cùng ngày. Nếu như được các thành viên hiện nay thông qua, Bồ Đào Nha và Iceland sẽ chính thức trở thành thành viên sáng lập của AIIB vào ngày 15/4 tới.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (thứ 3 từ phải sang) trong cuộc họp giới thiệu đề án thành lập AIIB tại Bắc Kinh tháng 10/2014. Ảnh: Reuters


Bên cạnh đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cũng xác nhận nhận được đơn xin gia nhập AIIB của Na Uy. Bà Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh AIIB là một thể chế tài chính đa phương, cởi mở và hoan nghênh các quốc gia trong và ngoài châu Á gia nhập.

Cũng theo người phát ngôn này, tính đến ngày 31/3, đã có 30 quốc gia được chấp thuận là thành viên sáng lập của AIIB. Con số thành viên sáng lập chính thức sẽ được xác nhận vào ngày 15/4 tới, khi một số hồ sơ đang được xem xét đánh giá.

Với vốn đầu tư ban đầu ước tính khoảng 50 tỷ USD, AIIB sẽ hỗ trợ tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng tại châu Á và dự kiến chính thức được thành lập vào cuối năm nay.

Tháng 10 năm ngoái, tại Bắc Kinh, 21 quốc gia trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore... ký bản ghi nhớ về việc thành lập AIIB. Đến nay, hơn 40 quốc gia đã đăng ký trở thành thành viên của ngân hàng, trong đó có Anh, Đức, Pháp, Italy, Australia, New Zealand, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và Đan Mạch.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và nhiều cơ quan tài chính quốc tế khác cũng bày tỏ mong muốn hợp tác với AIIB.

Nhật Bản cùng với Mỹ và một số nước khác lo ngại việc thành lập ngân hàng này đặt ra thách thức đối với các thể chế tài chính hiện hành, trong đó có Ngân hàng Thế giới (WB).

Tuy nhiên, giới chức Bắc Kinh khẳng định AIIB sẽ là một sự bổ sung chứ không cạnh tranh với những định chế khác đang tồn tại, đồng thời cho biết AIIB hướng tới mục tiêu thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực giao thông vận tải, năng lượng, viễn thông và cơ sở hạ tầng khác tại các nước đang phát triển ở châu Á.


TTXVN/Tin tức