07:23 11/07/2012

Thêm nhiều ngân hàng lớn dính bê bối thao túng lãi suất

Cuộc điều tra hành vi thao túng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã ngày càng mở rộng ra phạm vi toàn cầu sau khi Cơ quan chống gian lận của Anh (SFO) vào cuộc và có tin các nhà chức trách Đức cũng đã đưa Ngân hàng Deutsche Bank vào tầm ngắm.

Cuộc điều tra hành vi thao túng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã ngày càng mở rộng ra phạm vi toàn cầu sau khi Cơ quan chống gian lận của Anh (SFO) vào cuộc và có tin các nhà chức trách Đức cũng đã đưa Ngân hàng Deutsche Bank vào tầm ngắm.

Đến lượt Deutsche Bank bị “sờ gáy” trong vụ thao túng lãi suất
Ảnh: Internet


Các nhà chức trách Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Canađa đang điều tra hơn 10 ngân hàng lớn bị nghi ngờ có hành vi thao túng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng Luân Đôn (Libor). Nhưng cho tới nay, mới chỉ có Ngân hàng Barclays của Anh thừa nhận có hành vi sai trái và đồng ý nộp phạt hơn 450 triệu USD.


Lãi suất Libor được xác định dựa trên ước tính của các ngân hàng lớn về mức chi phí mà họ phải bỏ ra để đi vay từ các ngân hàng lớn khác và được sử dụng để quyết định lãi suất của các giao dịch trị giá hàng nghìn tỷ USD trên khắp thế giới. Lãi suất Libor được Hiệp hội các ngân hàng Anh cố định hàng ngày từ 11 giờ đến 17 giờ. Mức lãi suất Libor được đưa ra sau khi tính trung bình lãi suất tiền gửi liên ngân hàng gồm những ngân hàng uy tín nhất thế giới cho các khoản vay lớn với thời gian đáo hạn từ qua đêm cho đến 1 năm. Lãi suất Libor là chuẩn so sánh được sử dụng nhiều nhất cho lãi suất các khoản vay ngắn hạn và là lãi suất mà tại đó những người vay nợ lớn nhất thế giới có thể vay tiền. Người ta cũng căn cứ trên lãi suất này để quyết định lãi suất những người đi vay nhỏ hơn. Do đó, sau khi Barclays bị "sờ gáy", phạm vi của cuộc điều tra đã được mở rộng ra nhiều nước.


Tại Đức, hai nguồn tin thân cận cho biết Cơ quan giám sát tài chính Đức (BaFin) đang tiến hành một “cuộc điều tra đặc biệt” đối với Ngân hàng Deutsche Bank. Kết quả điều tra dự kiến sẽ được công bố vào giữa tháng này.


Trước đó, ngân hàng này cho biết đang hợp tác với các cơ quan chức năng để điều tra về vụ thao túng lãi suất Libor. Cụ thể là Deutsche Bank đang hợp tác với phía Mỹ (gồm Bộ Tư pháp, Ủy ban chứng khoán và ngoại hối, Ủy ban giao dịch hàng hóa Mỹ) và Ủy ban châu Âu (EC) để điều tra các hoạt động từ năm 2005 đến năm 2011. Như vậy, cho đến nay, Deutsche Bank là ngân hàng duy nhất ở Đức tiết lộ nhiều thông tin có liên quan đến các cuộc điều tra.


Do cuộc khủng hoảng tín dụng bùng nổ trong giai đoạn 2006 - 2008, dư luận ngày càng nghi ngờ lãi suất Libor không còn phản ánh đúng chi phí mà các ngân hàng phải bỏ ra để đi vay vì các giao dịch viên đồng thời đã sử dụng tầm ảnh hưởng của lãi suất này để trục lợi.


TTK