02:10 16/02/2023

Thêm nguồn thu từ rơm tươi sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân

Vụ lúa Đông Xuân 2022-2023, hàng trăm nghìn ha lúa ở tỉnh Đồng Tháp vừa thu hoạch xong đã có nhiều thương lái đến mua rơm tươi tại ruộng. Điều này giúp người trồng lúa tăng thêm nguồn thu nhập, bình quân mỗi ha lúa vừa thu hoạch xong, nông dân có thêm nguồn thu hơn 500 nghìn đồng từ bán rơm tươi.

Chú thích ảnh
Thu hoạch rơm tươi ở cánh đồng sản xuất lúa Đông Xuân xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp). 

Thương lái trong tỉnh Đồng Tháp và từ các Tiền Giang, Long An, Bến Tre…vào tận ruộng ở các huyện, thị trong tỉnh thu mua rơm tươi và cho máy cuộn thành từng cuộn nặng từ 20-22 kg. Mỗi ha lúa thu hoạch xong cho hơn 100 cuộn rơm và hiện có giá bán ngoài thị trường hơn 20 nghìn đồng/cuộn.

Với giá bán trên, người đi mua rơm thu lợi nhuận tiền triệu mỗi ngày. Rơm được thương lái đến tận ruộng thu mua sau đó vận chuyển đi tiêu thụ ở các các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và ra các tỉnh miền Đông để làm nấm rơm, ủ gốc cây, hoa màu hay làm thức ăn cho gia súc.

Anh Nguyễn Văn Mười ở xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình vui mừng là vụ lúa Đông Xuân vừa thu hoạch xong, anh bán được rơm tươi tại ruộng, với 3 ha đất,  bán được 15 triệu đồng, anh khỏi phải đốt bỏ rơm, tránh được tình trạng chay đất, gây ảnh hưởng môi trường. 

Anh Trường ở xã Tân Phú, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp đầu tư mua 2 máy cuộn rơm và mua rơm tươi cho nông dân. Anh Trường cho biết, vào mùa thu hoạch rộ lúa Đông Xuân 2022-2023, anh đưa máy vào đồng cuộn rơm cũng kiếm được thu nhập khá, mỗi ngày có thể cuộn được từ 300 - 500 cuộn rơm/máy, trừ chi phí còn lại thu nhập hơn 2 triệu đồng.

Sau khi đưa rơm ra khỏi ruộng đã giúp làm sạch đất và cắt mầm bệnh của mùa vụ trước, nếu đốt rơm làm chay đất. Bên cạnh thương lái mua rơm tươi bán lại cho người trồng nấm rơm, chăn nuôi, lót trái cây… giúp người làm lúa tăng thêm nguồn thu.

Hiện tại, nhu cầu sử dụng rơm rạ làm thức ăn chăn nuôi, chèn lót hoa quả, ủ phân vi sinh… ngày càng tăng. Rơm rạ sau thu hoạch được đóng cuộn dễ vận chuyển và bảo quản, mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi cuộn rơm bán ở bờ ruộng với giá hơn 20 nghìn đồng, còn nếu giao tận các trang trại gia súc giá tăng lên hơn 30 nghìn đồng.

Chú thích ảnh
Thu hoạch rơm tươi ở cánh đồng sản xuất lúa Đông Xuân xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp). 

Với nguồn nguyên liệu có sẵn, lại dễ thực hiện, chi phí lại thấp, trồng nấm rơm không cần sử dụng phân bón, vì rơm rạ khi phân hủy đã đủ cung cấp dinh dưỡng cho phát triển cây nấm, nông dân có thêm nguồn thu nhập từ trồng nấm rơm. Nhiều gia đình hàng năm có thêm thu nhập từ trồng nấm rơm hàng chục triệu đồng.

Ngày nay, với công nghệ tiên tiến, rơm còn có thể chế biến làm ván ép, để làm hàng trang trí nội thất thay thế cho gỗ. Rơm bán tại đồng có giá 500 nghìn đồng/ha/vụ. Bình quân một ha đất, sử dụng máy cuốn rơm sẽ được từ 100 - 150 cuộn/ha.

Những năm gần đây, do nhu cầu thu mua rơm tăng cao ở nhiều nơi, nhiều hộ dân của huyện Hồng Ngự, Thanh Bình, Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp đã mạnh dạn đầu tư mua máy cuộn rơm để làm dịch vụ này. Chiếc máy cuộn rơm giúp thu gom rơm nhanh và gọn gàng hơn gom thủ công, ít tốn công lao động và vệ sinh kịp thời đồng ruộng trước khi xuống giống. Hiện nay giảm cảnh đốt rơm đồng khói bay mịt mù, ảnh hưởng đến môi trường và thiên nhiên.

Vụ lúa Đông Xuân 2022-2023 tỉnh Đồng Tháp nếu bán được từ 50% diện tích sản xuất lúa  vừa thu hoạch xong để bán rơm tươi thì bà con nông dân làm lúa trong toàn tỉnh có thêm nguồn thu nhập hàng trăm tỷ đồng từ nguồn bán rơm tươi.

Bài và ảnh: Nguyễn Văn Trí (TTXVN)