05:13 01/05/2020

Thêm một thương vụ M&A đình đám: Thế giới Kim cương về tay DOJI

Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI vừa chính thức thâu tóm thành công Công ty Thế giới Kim cương, một doanh nghiệp tầm cỡ trên thị trường trang sức Việt Nam, chính thức hoàn tất thêm một thương vụ M&A đình đám.

Top 3 doanh nghiệp trang sức lớn nhất về tay DOJI

Ngày 30/4, thị trường bất ngờ với thông tin Tập đoàn Vàng bạc Đá quý của đại gia Đỗ Minh Phú đã hoàn tất việc thâu tóm Công ty Thế giới Kim cương- Top 3 doanh nghiệp bán lẻ vàng bạc trang sức lớn nhất tại Việt Nam.

Hiện tại, Ban lãnh đạo của Thế giới Kim cương đã gửi thông báo cho cán bộ nhân viên của mình về việc đổi chủ này.

Chú thích ảnh
Một cửa hàng của Thế giới Kim cương.

Công ty Thế giới Kim cương (Diamond World) có bề dày hoạt động trên 15 năm và có 34 chi nhánh tại các tỉnh, thành phố; với trên 100 trung tâm, cửa hàng tại hầu hết các Trung tâm thương mại/siêu thị tại Việt Nam như BigC, Vincom hay Co-opmart, với gần 1.000 cán bộ nhân viên.

Doanh số của Công ty Thế giới Kim cương những năm gần đây ước tính hàng ngàn tỷ đồng. Công ty này cũng từng được xem là đối thủ “khó chịu” của hai đại gia hàng đầu trong ngành vàng bạc trang sức là DOJI và PNJ; chủ yếu kinh doanh dòng hàng trang sức kim cương với phân khúc khách hàng trẻ, có thu nhập tương đối cao.

Tại các Trung tâm thương mại, siêu thị, Thế giới Kim cương có doanh số khá áp đảo so với hai đại gia DOJI và PNJ nhờ vào chiến lược tiếp cận khách hàng qua kênh Modern trade, có nghĩa là không mở rộng mạng lưới bằng cách mở các cửa hàng riêng biệt bên ngoài, mà chỉ tập trung mở các cửa hàng tại Trung tâm thương mại và siêu thị.

Mặc dù giá trị thương vụ không được tiết lộ, nhưng theo phỏng đoán của các chuyên gia trong ngành, để mua lại Thế giới Kim cương, DOJI có thể phải bỏ ra số tiền không hề nhỏ.

Đại gia chuyên biến “nguy cơ” thành “thời cơ”

Tập đoàn DOJI tiếp quản Thế Giới Kim Cương đúng vào giai đoạn khủng hoảng kinh tế, đại dịch COVID-19 đã gây ra những tác động hết sức nặng nề và tiêu cực tới thị trường vàng bạc trang sức nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Chú thích ảnh
Việc hoàn thiện “mảnh ghép” từ tiếp quản hệ thống bán hàng của Thế giới Kim cương sẽ giúp DOJI khẳng định vị thế dẫn dắt thị trường.

Nếu nhìn lại chặng đường kinh doanh của ông trùm vàng bạc đá quý này thì thấy, DOJI luôn “ra tay” và rất có kinh nghiệm thâu tóm các doanh nghiệp hoặc M&A vào thời điểm khủng hoảng.

Chú thích ảnh
Ông Đỗ Minh Phú tiếp tục thành công một thương vụ M&A đình đám trên thị trường.

Năm 2006-2007, khi khủng hoảng tài chính trên thế giới nổ ra, ông Đỗ Minh Phú đã mua và chiếm cổ phần chi phối Công ty SJC Hà Nội và SJC Đà Nẵng, mở đường cho DOJI tấn công vào thị trường này và nhanh chóng trở thành công ty kinh doanh và phân phối vàng miếng lớn nhất cả nước.

Năm 2011, ông Đỗ Minh Phú và người em trai đã bán 95% cổ phần của Diana cho đối tác Unicharm (Nhật Bản) với mức giá gần 4.000 tỷ đồng. Đây là thương vụ M&A lớn nhất của các doanh nghiệp tư nhân vào thời điểm đó.

Nhờ số tiền khổng lồ này, năm 2012, DOJI đã xuống tiền để đầu tư vào Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và ông chủ của DOJI đã trở thành Chủ tịch Hội đồng Quản trị của nhà băng Tím này. Đến nay, TPBank đã lọt top 10 ngân hàng lớn nhất Việt Nam, dẫn đầu về lĩnh vực ngân hàng số.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, DOJI đang rất mạnh khi phát triển các trung tâm vàng bạc đá quý lớn và siêu lớn tại các thành phố trọng điểm với hệ thống các trung tâm, cửa hàng riêng biệt tại các con phố. Với việc thâu tóm Thế giới Kim cương với trên 100 cửa hàng, Tập đoàn DOJI sẽ tiếp tục tạo dựng vị thế vững chắc của mình với tổng số cửa hàng bán lẻ lên đến gần 200 điểm và thu hẹp dần khoảng cách với PNJ với khoảng hơn 360 điểm bán hàng.