01:16 09/01/2020

Thêm một nạn nhân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động thời chiến thắng kiện

Ngày 9/1, một nạn nhân người Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động thời chiến ở Nhật Bản đã một lần nữa thắng vụ kiện yêu cầu một công ty Nhật Bản bồi thường.

Chú thích ảnh
Nạn nhân bị cưỡng bức lao động tại Nhật Bản trong chiến tranh cùng các thành viên gia đình tại tòa án ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc ngày 29/11/2018. Ảnh minh họa: Yonhap/TTXVN

Tòa án quận trung tâm Seoul đã ra phán quyết yêu cầu tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries bồi thường 10 triệu won (8.610 USD) cho một người đàn ông Hàn Quốc mang họ Kim bị cưỡng ép lao động trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 đến năm 1945.

Phán quyết trên được đưa ra sau khi 252 nạn nhân bị cưỡng bức lao động và gia đình họ đệ đơn kiện chung, trong đó cho biết các nạn nhân bị ép buộc phải làm việc cho 3 công ty Nhật Bản, trong đó có Mitsubishi, vào đầu những năm 1940 của thế kỷ trước. 40 nguyên đơn, trong đó có ông Kim, nêu rõ họ đã bị đưa đến đảo Hashima (còn gọi là đảo "Chiến hạm") của Nhật Bản để lao động. Các nguyên đơn ban đầu đệ đơn kiện nhằm yêu cầu các công ty Nhật Bản trả lương cho họ nhưng sau đó chuyển sang đòi tiền bồi thường do bị ép buộc lao động mà không được trả công. Trong số các nguyên đơn, chỉ có ông Kim thắng kiện, vì những người khác không chứng minh được rằng mình bị các công ty Nhật Bản cưỡng ép lao động. 

Trước đó, trong các phán quyết tương tự, các tòa án Hàn Quốc đã yêu cầu Mitsubishi bồi thường khoảng 90 triệu won cho mỗi nạn nhân bị tập đoàn này ép buộc lao động. Trong vụ kiện của ông Kim, tòa án Seoul đưa ra mức bồi thường 10 triệu won do nạn nhân chỉ yêu cầu mức này. 

Căng thẳng giữa hai nước láng giềng ở Đông Bắc Á leo thang kể từ tháng 10/2018 khi tòa án Tối cao Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho những nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời gian Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 đến năm 1945. Căng thẳng tiếp tục bị đẩy lên cao sau khi Nhật Bản hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 loại vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chíp điện tử và màn hình - các lĩnh vực mũi nhọn của Hàn Quốc, và loại Hàn Quốc ra khỏi "Danh sách Trắng" gồm các nước được hưởng quy chế ưu đãi thương mại. Đáp lại, Hàn Quốc thông báo quyết định không gia hạn Hiệp định chia sẻ thông tin quân sự (GSOMIA) được Chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc ký năm 2016. Tuy nhiên, chỉ vài giờ trước khi GSOMIA hết hiệu lực, ngày 22/11/2019, Chính phủ Hàn Quốc quyết định gia hạn thỏa thuận này kèm theo một số điều kiện.

Phan An (TTXVN)