01:14 10/01/2017

Thêm một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Tiến Dũng vừa cho biết, nghề dệt zèng ở A Lưới trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 4036/QĐ-BVHTTDL,của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Theo bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế), nghề dệt zèng của đồng bào dân tộc Tà Ôi, huyện A Lưới là một trong những nghề truyền thống ra đời sớm và hiện đang được duy trì ở A Lưới. Những tấm zèng là lễ vật không thể thiếu trong các sinh hoạt cộng đồng. Mọi người trong làng đến với lễ hội hay những sự kiện quan trọng đều mang những trang phục được làm nên từ zèng, tạo nên nét đặc trưng riêng biệt của cả tộc người Tà Ôi nói riêng cũng như đồng bào các dân tộc ở A Lưới nói chung.

Nghề dệt zèng nay trở thành sản phẩm được ưa chuộng của khách du lịch khi đến A Lưới. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN

Nghề dệt zèng của đồng bào Tà Ôi ở A Lưới được lưu truyền qua nhiều thế hệ, trong đó, vai trò của người phụ nữ, người mẹ vô cùng quan trọng, bởi con gái khi lớn lên đều phải biết dệt những tấm zèng truyền thống của dân tộc mình do chính người mẹ truyền lại. Con gái lớn đến tuổi lấy chồng, cô dâu còn phải dệt được tấm zèng đẹp để tặng người trong gia đình nhà chồng. Đó còn là thước đo vẻ đẹp của các cô gái...Bởi vậy, dệt zèng đã trở thành nghề không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc. Mỗi sản phẩm dệt zèng có giá trị về nhiều mặt, vừa là vật dụng, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt vừa là tác phẩm nghệ thuật, thể hiện nét đặc trưng độc đáo trong kho tàng văn hóa tộc người Tà Ôi.

Ngày nay, dệt zèng còn có vai trò quan trọng, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân trong lúc nhàn rỗi; đồng thời có thể khai thác làm sản phẩm du lịch đặc trưng thông qua phục vụ các tour, tuyến du lịch nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa, lịch sử làng nghề…

Bà Mai Thị Hợp, chủ cơ sở dệt zèng ở A Lưới cho biết, những sản phẩm dệt zèng trước đây được dệt ra chỉ để phục vụ nhu cầu mặc của người dân, nay với đủ hoa văn, mẫu mã, kiểu dáng như khăn, túi, khố... đi kèm kỹ thuật gắn hạt cườm tạo nên vẻ đẹp độc đáo, riêng biệt và đã trở thành sản phẩm được ưa chuộng của khách du lịch khi đến A Lưới.

Hiện nay tại A Lưới, nguồn nhân lực có tay nghề là người bản địa rất lớn. Nếu được đầu tư đúng mức, nghề dệt zèng ở đây sẽ còn vươn xa, ngày càng đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng...


Quốc Việt (TTXVN)